Vì đâu hàng loạt thương hiệu khủng gục ngã hậu Covid-19?
Thua lỗ kéo dài cùng hàng loạt lỗ hổng trong quá trình quản trị doanh nghiệp đã khiến những thương hiệu hàng đầu như Muji, Brooks Brothers, Thai Airways, sụp đổ sau cú đấm cuối cùng từ Covid-19.
Các hãng bán lẻ với gánh nặng giá thuê “cắt cổ”
Chi nhánh tại Mỹ của hãng bán lẻ nổi tiếng từ Nhật Bản Muji mới đây đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản, ghi tên vào danh sách dài những thương hiệu buộc phải dừng lại vì ảnh hưởng của Covid-19.
Trong thông báo mới nhất, Muji viết: “Trong bối cảnh nền công nghiệp bán lẻ đang bị thách thức bởi đại dịch Covid-19, Muji Mỹ đã quyết định tái cấu trúc kinh doanh nhằm phục vụ cộng đồng tốt hơn, bao gồm việc nộp đơn theo chương 11”.
Muji Mỹ đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Delaware theo chương 11 của Luật phá sản. Theo Nikkei, tổng số nợ phải trả được liệt kê là khoảng 64 triệu USD và doanh nghiệp này sẽ đưa ra kế hoạch tái cấu trúc trong vòng 180 ngày.
Ngoài những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các vấn đề của Muji thực ra đã bắt đầu ngay từ kế hoạch đầy tham vọng của tập đoàn bán lẻ Nhật Bản khi tiến sang Mỹ bất chấp các chi phí.
Các hoạt động ở nước ngoài của tập đoàn này hầu hết được đặt tại Trung Quốc - thị trường hiện có tới 273 cửa hàng Muji, chiếm gần một nửa số cửa hàng trên toàn cầu trừ Nhật Bản. Ra mắt tại Mỹ năm 2006, chỉ 1 năm sau khi thương hiệu bán lẻ này bước chân vào Trung Quốc nhưng cho đến năm ngoái, Muji chỉ có 19 cửa hàng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các cửa hàng được đặt tại nhiều vị trí được xem là những khu vực giàu có và xa xỉ của nước Mỹ như Quảng trường thời địa hay Đại lộ số 5, đồng nghĩa với việc giá thuê ở mức cắt cổ.
Thế nhưng, các khoản thanh toán cho mặt bằng được xem là quyết định mang tính chiến lược cho quá trình mở rộng toàn cầu. Ông Satoru Matsuzaki, Chủ tịch tập đoàn Ryohin Keikaku (chủ sở hữu Muji) từng chia sẻ rằng nước Mỹ là hòn đá tảng trong việc xây dựng nhận diện thương hiệu.
Mặc dù Muji ghi nhận việc tăng doanh số tại thị trường Mỹ, con số đó chẳng thể nào vượt qua mức giá thuê mặt bằng và các khoản nợ đã tạo ra vòng luẩn quẩn gây ảnh hưởng đến hoạt động. Doanh thu hoạt động tăng lên mức hơn 102 triệu USD cho năm tài chính kết thúc vào tháng 2 vừa qua, nhưng kết quả chung là lỗ ròng gần 17 triệu USD.
Năm ngoái, tập đoàn Ryohin Keikaku đã xây dựng kế hoạch tái cấu trúc, tập trung vào giảm các khoản thanh toán thuê mặt bằng nhưng người đứng đầu cho biết doanh nghiệp hoàn toàn không thể đạt được thỏa thuận trong các cuộc đàm phán, Nikkei tiết lộ.
Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, Muji đã phải dừng toàn bộ hoạt động từ giữa tháng ba. Mặc dù hiện có khoảng 10 cửa hàng đã mở lại, doanh thu hoạt động sụt giảm tới 80% so với con số trước đại dịch.
Tình cảnh của Muji Mỹ tương tự như Brooks Brothers, hãng thời trang từng phục vụ nhiều vị tổng thống Mỹ và trở thành một trong những biểu tượng của phố Wall với phong cách đơn giản, cổ điển.
Brooks Brothers vốn từ lâu đã tìm kiếm người mua lại và sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 cùng với sự thay đổi xu hướng thời trang nơi làm việc đã đẩy thương hiệu này vào đường cùng mà quy trình bán hàng là nơi đổ vỡ đầu tiên.
Giám đốc điều hành Claudio Del Vecchio từng chia sẻ với New York Times tháng trước cho biết các nhà máy tại Mỹ "chưa từng kiếm ra tiền" và dự định sẽ chuyển một số hoạt động ra nước ngoài nhằm bảo toàn hoạt động.
Vấn đề của thương hiệu này giống như Muji Mỹ khi phải chịu mức giá thuê ngất trời tại một số trung tâm mua sắm đắt đỏ nhất quốc gia. Chỉ riêng tại Manhattan, Brooks Brothers đã có tới 7 cửa hàng cũng như hiện diện tại những khu vực đi đầu tại Chicago hay quảng trường của San Francisco.
Trong hồ sơ gửi lên cơ quan có thẩm quyền, Brooks Brothers cho biết doanh nghiệp này hiện nợ từ 500 triệu USD tới 1 tỷ USD cho khoảng 25.000 chủ nợ, số tiền ngang với mức tài sản được liệt kê của thương hiệu này, trong đó bao gồm ít nhất 8 triệu USD tiền thuê nhà.
Ngoài ra, hướng tiếp cận cũ kỹ, chậm theo kịp thị hiếu và phong cách của người tiêu dùng đã khiến Brooks Brothers đánh mất sợ dây kết nối với thị trường.
Nợ nần, quản trị kém đẩy hàng không xuống đất
Hàng không là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất từ Covid-19 khi các quốc gia đồng loạt đóng cửa biên giới. Không thể khai thác các chuyến bay, dòng tiền bị chặn đầu vào khiến không ít hãng buộc phải dừng lại khi không thể kham được khoản nợ khổng lồ vốn đã treo lơ lửng.
Avianca, hãng hàng không lớn thứ hai khu vực Mỹ Latin, giữa tháng 5 nộp đơn xin phá sản sau khi không thể đáp ứng được thời hạn thanh toán trái phiếu và dần vô vọng trong việc xin viện trợ từ chính phủ Colombia, theo Reuters. Hãng hàng không này đã không thể khai thác bất cứ chuyến bay nào theo lịch trình trước đó kể từ cuối tháng 3 và hầu hết nhân viên trong số 20.000 nhân viên đã phải nghỉ việc mà không được trả lương trong suốt cuộc khủng hoảng Covid-19.
Hãng hàng không lâu đời thứ hai thế giới này đã rơi vào cảnh nợ nần dù cố gắng cơ cấu lại các khoản nợ vào năm ngoái. Tính đến cuối năm 2019, Avianca đã nợ khoảng 7,3 tỷ USD. Theo Bloomberg, thông tin từ giấy tờ nộp lên tòa án New York cho biết Avianca liệt kê mức phải trả là 10 tỷ USD.
Trước Avianca Holdings, hãng hàng không lớn của Úc là Virgin Australia đã buộc phải chuyển quyền tiếp quản cho đơn vị tư vấn tài chính Deloitte giữa bối cảnh hãng này chưa thể tìm được sự hỗ trợ tài chính từ các bên, bao gồm cả chính phủ Úc.
Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã buộc Virgin Australia phải cho nghỉ việc 80% trong tổng số 10.000 nhân viên. Theo số liệu từ Bloomberg, Virgin Australia đã nợ tới 3,2 tỷ USD tính đến cuối năm 2019. Cổ phiếu của tập đoàn này đã bị tạm dừng giao dịch trong vòng 7 ngày hồi giữa tháng 4 do những lùm xùm liên quan đến vấn đề tái cấu trúc tài chính.
Hãng hàng không quốc gia Thái Lan Thai Airways cũng đã phải đầu hàng trước khủng hoảng Covid-19 khi sự thua lỗ và quản lý kém trong nhiều năm đã khiến sức mạnh nội tại.
Sự sụp đổ của Thai Airways diễn ra một cách từ từ và theo từng lớp. Trong khi sự quản lý thiếu thống nhất vì chủ tịch cũng như thành viên hội đồng quản trị thường xuyên thay đổi vì lý do chính trị, hệ thống nhân viên cũng cho thấy lỗ hổng khi lợi dụng sự thiếu điều hành để làm lợi cho bản thân. Nhu cầu cải cách không phải không có nhưng nỗ lực từ những người đứng đầu luôn thay đổi đã khiến công sức khó thành kết quả.
Năm 2019, Thai Airways báo cáo khoản lỗ ròng 376 triệu USD, ghi nhận năm thứ ba liên tiếp hãng hàng không này thua lỗ và thậm chí lỗ đến đỉnh điểm. Tổng số vốn cổ đông đến hết 31/12/2019 là 11 tỷ Baht (khoảng 348 triệu USD), giảm gần 85% so với thời điểm cuối năm 2010 - lần cuối cùng doanh nghiệp này tăng vốn.
Ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến hãng hàng không quốc gia của Thái Lan không thể báo cáo kết quả tài chính quý đầu đúng hạn và được gia hạn đến giữa tháng 8. Tuy nhiên, một số báo cáo cho rằng khoản lỗ ròng quý I có thể đạt tới 60 tỷ Baht, gấp 5 lần so với năm trước.