Thách thức nào đang chờ Gojek ở Việt Nam?
Ngày hôm nay (20/7), Gojek Việt Nam chính thức hoạt động, cũng có thể là thời điểm bắt đầu mới của cuộc đua tốn kém giữa các “siêu” ứng dụng gọi xe công nghệ tại Việt Nam.
Tin vui của GoViệt
“Vậy là GoViệt sẽ hợp nhất với Gojek”, ông Tân (57 tuổi), ngụ ở TP.HCM, tài xế GoViệt nói, giọng không vui, không buồn.
Ông Tân tham gia GoViệt được hơn một năm. Trung bình một ngày, ông thực hiện 20 chuyến xe. Ông Tân không dám chắc, việc GoViệt sáp nhập Gojek, Công ty mẹ trụ sở ở tận Indonesia sẽ ảnh hưởng tới công việc hàng ngày của ông ra sao, nhất là khi 6 tháng vừa rồi, ông chứng kiến 2 lần thay đổi lãnh đạo. Nhưng lần này, ông quan tâm đến các thông tin về Gojek.
Ngày 20/7, toàn bộ người sử dụng GoViệt sẽ chuyển đổi sang ứng dụng Gojek để đồng nhất trải nghiệm và dịch vụ với Công ty mẹ, theo thông báo vào ngày 3/7.
Mấy ngày nay, ứng dụng GoViệt bắt đầu xin phép lưu thông tin khách hàng để chuẩn bị cho sự chuyển đổi. Một kế hoạch diễu hành ngoài phố để quảng bá cho sự thay đổi này cũng đã được lên lịch.
Khá thú vị, thông báo sáp nhập của GoViệt đưa ra sau khi Gojek công bố nhận đầu tư từ Facebook và PayPal hồi tháng Sáu vừa qua. Tin này đưa GoViệt “nổi lên”, sau khi mờ nhạt suốt mùa dịch bệnh.
Khi đó, so với sự náo nhiệt của Grab và các ứng dụng trong nước như Ahamove (Scommerce), Be với nhiều dịch vụ mới, nhất là dịch vụ đi chợ giùm, để hút khách, thì GoViệt im ắng đứng ngoài cuộc. Đã có đồn đại hướng về GoViệt, trong đó nhiều nhất là nghi ngại liên quan đến tài chính từ Công ty mẹ.
Việc xuất hiện của Facebook và Paypal trong vòng đầu tư mới phần nào làm an lòng các đối tác của Công ty ở Việt Nam và ở Đông Nam Á.
Trao đổi về việc này, ông Phùng Tuấn Đức, tân Giám đốc điều hành Gojek Việt Nam cho rằng, cuộc đua trong lĩnh vực siêu ứng dụng là một cuộc đua đường dài và vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định một doanh nghiệp có đủ sức hay không trong thời điểm hiện tại.
Ông Đức khẳng định, với tốc độ tăng trưởng tốt hằng năm, hai năm qua, GoViệt luôn đạt kết quả kinh doanh vượt kế hoạch đề ra, trở thành một trong những thị trường quốc tế trọng điểm của Gojek.
“Thực tế, chúng tôi chưa bao giờ đuối sức. Chúng tôi có con đường đi riêng. Chúng tôi luôn cố gắng cân bằng và tối ưu hoá các nguồn lực để tăng trưởng”, ông Đức nói.
Có gì tiếp theo?
Thành lập năm 2010, Gojek có xuất phát từ “Ojek” trong tiếng Bahasa của Indonesia là “xe ôm”.
Sáp nhập về Gojek, đồng nghĩa các dịch vụ trong tương lai của ứng dụng này ở Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng trên phương tiện chính là xe mô tô hai bánh. Đây cũng được coi là thế mạnh của Gojek khi vào Việt Nam.
Có 20 dịch vụ đã được hình thành trên Gojek ở Indonesia, như Go-mart (mua hàng siêu thị hộ), Go-tix (mua vé xem các chương trình hộ), Go-fix (sửa chữa đồ đạc tại nhà…).
Ở Việt Nam, thời gian qua, GoViệt đã hình thành 3 dịch vụ cơ bản của Gojek. Đó là là GoBike (vận chuyển hành khách), GoSend (gửi đồ) và GoFood (mua đồ ăn hộ).
Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty có 150 ngàn đối tác tài xế, 80 ngàn đối tác nhà hàng và hơn 1 triệu món ăn được đăng ký trên ứng dụng.
Theo Báo cáo của ABI Research năm 2019, GoViệt đứng thứ ba với 10% thị phần gọi xe. Áp đảo là Grab (146 triệu cuốc, tương đương 73% thị phần), thứ nhì là Be (16%).
Trong thị trường đặt món ăn, theo khảo sát hồi tháng năm của Qandme, GradFood dẫn đầu với 79% người lựa chọn, thứ nhì là Now (Sea) với 56% và GoFood đứng thứ ba (41%).
Rõ ràng, để củng cố thị phần, Gojek cần những thay đổi mang tính đột phá trong thời gian tới.
Nhưng tân Giám đốc điều hành của Gojek lại chia sẻ thông tin khá dè dặt. Ông Đức cho biết, sẽ có những thay đổi lớn về tính năng, sản phẩm dự kiến tung ra vào cuối năm, nhưng tạm thời chưa thể chia sẻ cụ thể về những kế hoạch này.
Bên cạnh đó, ông Đức cho biết, Công ty sẽ chú trọng những tính năng liên quan đến trải nghiệm khách hàng như vấn đề an toàn, tính năng chia sẻ hành trình cho người khác hoặc cuộc gọi khẩn cấp. Các tính năng giúp khách hàng tương tác tốt hơn với ứng dụng cũng được chú trọng như cho phép khách hàng “chat” với nhau hoặc thiết lập các chương trình trò chơi có thưởng.
“Thanh toán điện tử là một trong các dịch vụ ưu tiên hàng đầu”, ông Đức tiết lộ thêm.
Đường hướng này hoàn toàn dễ hiểu vì hiện tại, thiếu công cụ thanh toán trực tuyến khiến Gojek bất lợi hơn so với Grab ở Việt Nam.
Cần phải thấy rằng, thanh toán trực tuyến mới là cuộc đua thực sự của Grab, Gojek khi có đến 70% người trưởng thành trong số 570 triệu người ở Đông Nam Á vẫn chưa tiếp cận các dịch vụ tài chính. Google và Temasek dự báo thanh toán trực tuyến ở Đông Nam Á sẽ vượt quá 1 nghìn tỷ USD giá trị giao dịch vào năm 2025.
Vấn đề là Gojek sẽ tham gia thị trường ví điện tử ở Việt Nam như thế nào? Có hai phỏng đoán. Một là, sử dụng Paypal, như trong điều khoản tích hợp Paypal vào GoPay khi doanh nghiệp này đầu tư vào hồi tháng Sáu vừa qua. Hai là, đầu tư chiến lược vào một đơn vị có giấy phép thanh toán trung gian ở Việt Nam.
Khả năng thứ nhất xem ra khó khả thi trong thời gian ngắn, vì Paypal chưa phổ biến ở Việt Nam do điều kiện khách hàng phải sở hữu thẻ Visa, Mastercard…
Khả năng thứ hai khả dĩ hơn, nhưng cũng khá rắc rối vì vì dù hợp tác với ví phổ biến hay kém phổ biến trên thị trường, Gojek sẽ phải tốn “kha khá” chi phí đầu tư, vì các đơn vị này hiểu rõ vị thế của họ trong bối cảnh hiện nay.
Thứ đến, trong mảng đặt món ăn, việc thay đổi của Gojek ở Việt Nam thời điểm này cần nhắm vào “tính năng” nhiều hơn. Cũng phải nói thêm, mảng giao thức ăn là động lực để Grab có lãi, theo ông Lim Kell Jay, Giám đốc thương mại của Grab từng chia sẻ.
Trên thực tế, đây cũng là động lực có lãi của các doanh nghiệp khác khi liên tiếp đầu tư, hợp tác tăng thị phần trong thời gian qua.
Bản thân Grab, sau khi thành công với mô hình bếp trung tâm ở Thủ Đức đã mở thêm chi nhánh ở quận Bình Thạnh (TP.HCM). Đây là mô hình giúp Grab có thể phục vụ khách hàng ở các quận xa.
Về phần mình, Now hồi cuối tháng 9/2019 cũng đã tích hợp vào Shopee, ứng dụng thương mại điện tử cũng trực thuộc Sea, để thừa hưởng 38,6 triệu lượt truy cập mỗi tháng của ứng dụng này (theo dữ liệu iPrice 2019)
Tân binh Baemin (Hàn Quốc), sau khi mua lại vietnamm.com đã liên tục tung ra các chương trình thu hút người sử dụng bằng khuyến mãi, quảng cáo ngoài trời và tài trợ vé sự kiện âm nhạc. Gia nhập thị trường được một năm, Baemin đang đứng thứ tư về ứng dụng đặt món được sử dụng thường xuyên (theo khảo sát của Qandme).
Còn GoViệt, cho đến thời điểm hiện tại, đang áp dụng chính sách cộng thêm điểm cho tài xế khi giao các đơn thức ăn để thu hút họ nhận đơn hàng giao thức ăn.
Ông Tân kể, có hai thang điểm là 50 và 80 điểm ngày, vượt thì tài xế sẽ được Công ty thưởng. Các đơn chở người được tính từ 3 đến 3,5 điểm thưởng tùy thời điểm, các đơn giao thức ăn cao hơn, với trung bình là 5 điểm. Cách làm này khá khiêm tốn so với các đối thủ trên thị trường.
Thách thức của Gojek
Cũng có quan điểm là để thu hút khách hàng lâu dài, quan trọng là các công ty tạo ra được giá trị cho khách hàng. Voucher và các chương trình khuyến mại chỉ là một trong các giá trị và cũng không phải là cách làm mang tính bền vững.
“Chúng tôi đã, đang và sẽ cố gắng làm tốt nhất để nâng cao trải nghiệm khách hàng và giúp cho cuộc sống của họ tốt hơn. Đúng với sứ mệnh chúng tôi đặt ra, đó là gỡ bỏ các rào cản trong cuộc sống hàng ngày”, ông Đức nói.
Sáp nhập về Gojek là tin vui với GoViệt trong cuộc đua siêu ứng dụng tốn kém hiện nay. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, Gojek hẳn sẽ cần nhiều hơn sức lực để thay đổi thứ hạng trên các bảng xếp hạng tại thị trường Việt Nam.