Mùa dịch, làm sao giữ thương hiệu luôn là 'cái hiệu được thương'?
Dịch Covid- 19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế, gây sức ép đến việc cắt giảm chi phí của doanh nghiệp.
Có phải cứ đổ tiền vào truyền thông là cách để phát triển thương hiệu nhanh chóng? Các doanh nghiệp nên tận dụng nguồn lực bên trong và bên ngoài doanh nghiệp để duy trì thương hiệu trong thời dịch ra sao?
Dịch Covid- 19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế, gây sức ép đến việc cắt giảm chi phí của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tư duy khi nguồn lực cạn kiệt sẽ cắt giảm chi phí làm thương hiệu là không đúng.
Việc này có thể khiến doanh nghiệp rơi vào vòng luẩn quẩn: cắt giảm chi phí làm thương hiệu - thương hiệu yếu đi – sức tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ sụt giảm – cắt giảm chi phí làm thương hiệu… và như vậy, doanh nghiệp sẽ phải ‘sống mòn’ trước khi ‘chết’.
Theo ông Nguyễn Đình Thành, CEO Elite PR School, tùy theo lĩnh vực của doanh nghiệp, nên duy trì tương tác với khách hàng, cộng đồng của mình thông qua các kênh truyền thông tự có (Facebook, YouTube, Fanpage…), không nhất thiết phải đổ quá nhiều tiền.
“Ví dụ bạn là đơn vị về giáo dục, tất cả bộ phận đều có thể trở thành một kênh truyền thông như: thầy cô giáo bộ môn thiết kế bài giảng thú vị dành cho học sinh học trực tuyến, thầy cô giáo thể dục hướng dẫn các bài tập nâng cao sức khỏe hay ngay cả đầu bếp có thể hướng dẫn các gia đình làm bếp… điều này giúp khách hàng không lãng quên thương hiệu”, ông Nguyễn Đình Thành chia sẻ trong chương trình trực tuyến “Xây dựng thương hiệu khi đối diện với nguồn lực cạn kiệt”, tối 22/8.
Hay theo ông Nguyễn Đình Thành, trên nền tảng các kênh truyền thông sẵn có, doanh nghiệp có thể dùng sự sáng tạo, đổi mới để tăng tương tác với khách hàng. Ví dụ trong thời gian vừa qua, rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới như Audi, McDonald’s, Coca Cola… thay đổi logo ủng hộ việc giãn cách xã hội. Đây là cách làm rất sáng tạo, không tốn kém nhiều chi phí nhưng để lại ấn tượng rất sâu sắc với người xem.
Còn theo quan điểm của ông Phan Minh Thông, sáng lập Học viện F&B Study with Thong cho rằng, một doanh nghiệp muốn làm thương hiệu thành công, tất cả các nhân viên đều phải tự hào và sẵn sàng lan tỏa thương hiệu. Trong đó, vai trò và tinh thần của người lãnh đạo doanh nghiệp là rất quan trọng.
“Rất nhiều CEO coi việc làm thương hiệu là trách nhiệm thuộc về riêng bộ phận PR-Marketing mà không nhìn nhận được đó là việc sống còn của doanh nghiệp, khiến hoạt động doanh nghiệp rơi vào ngõ cụt. CEO phải là người ‘lội xuống bùn’, là người đốc thúc, theo dõi và bắt tay cùng các bộ phận xây dựng thương hiệu”, ông Thông cho biết.
Là một doanh nghiệp xã hội hoạt động trong lĩnh vực xây dựng sân chơi sáng tạo cho trẻ em, những năm đầu, Tòhe gặp rất nhiều khó khăn khi phát triển thương hiệu và kinh doanh. Tuy nhiên, nhờ việc tận dụng nguồn lực bên ngoài, Tòhe sớm vượt qua được khủng hoảng và trở thành “cái hiệu được thương”.
Ông Nguyễn Đình Nguyên, CEO Tòhe cho biết, doanh nghiệp mình không đổ nhiều tiền để truyền thông. Thay vào đó, Tòhe kết hợp với các đối tác và tổ chức có cùng mục tiêu, lí tưởng để xây dựng một hệ sinh thái, kết hợp với họ để tạo ra giá trị cộng hưởng và lan tỏa.
“Mỗi lần tổ chức sự kiện, Tòhe kết hợp với khoảng 40 đơn vị khác nhau cùng trong hệ sinh thái. Mỗi sự kiện được tổ chức đều thu hút hàng chục nghìn người tham gia. Như vậy doanh nghiệp không tốn nhiều chi phí nhưng sức lan tỏa rất lớn”, ông Nguyên chia sẻ.
Ông Phan Minh Thông cho biết, trong lúc khó khăn như hiện tại, doanh nghiệp không nên đổ tiền chạy quảng cáo tràn lan hay các chiến dịch marketing rầm rộ để tiếp cận đến nhiều người nhưng mỗi sự tiếp cận lại yếu. Điều này vừa tốn tiền và ai có tiền cũng làm được, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp dùng nguồn lực không mạnh của mình đấu với nguồn lực mạnh của người khác.
“Doanh nghiệp cần chọn một vài ‘key word’ để làm thương hiệu: uy tín, tận tâm, sang trọng, vui vẻ, đột phá…, với mỗi loại ‘key word’ sẽ có cách tiếp cận khách hàng, truyền thông, cách bán sản phẩm khác nhau. Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại làm truyền thông cần tạo ra các ‘điểm chạm’, xuất phát từ việc thấu hiểu khách hàng và giải quyết vấn đề cụ thể cho khách hàng bằng sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp”, ông Thông nhấn mạnh.