Cuộc chiến giao đồ ăn thêm nóng giữa đại dịch
Trong đại dịch, giao đồ ăn nổi lên như một lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận cho các công ty logictics. Đồng thời, cũng là chiếc phao cứu sinh cho những nhà hàng truyền thống.
Cuộc chiến giữa các ông lớn
Theo Nikkei Asian Review, giao đồ ăn đã nhanh chóng phát triển mở rộng qui mô trên phạm vi toàn cầu, khi con người ở nhà nhiều hơn. Các thị trường trọng điểm trong lĩnh vực giao đồ ăn gồm có Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác.
Theo LEK Consulting, thị trường giao đồ ăn của Mỹ trong năm 2019 đạt 53 tỉ USD và dự kiến con số này sẽ tăng lên mức 88 tỉ USD vào năm 2023.
Edison Trends đưa tin, mới đây một ông lớn trong ngành là DoorDash đã bỏ ra số tiền khoảng 400 triệu USD để thâu tóm đối thủ Caviar. Bằng việc mua lại Caviar, hiện DoorDash chiếm 45% thị phần giao đồ ăn tại Mỹ.
Đứng thứ hai là Uber với mảng kinh doanh Uber Eats chiếm 28% thị phần. Trong tháng 7, Uber cho biết họ đang lên kế hoạch mua lại Postmate, hiện đang nắm giữ 7% thị phần.
Một hãng giao đồ ăn có tên là Just Eat Takeaway.com, trụ sở chính đặt tại Hà Lan, cũng thông báo họ sẽ mua lại Grubhub, đơn vị hiện chiếm 17% thị phần giao đồ ăn của Mỹ.
Tại Trung Quốc, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này là Meituan Dianping gần như không phải lo lắng gì về đối thủ, khi họ đang chiếm tới 70% thị phần. Doanh nghiệp này đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư đến từ Alibaba Group Holding và Tencent Holdings với tư cách là một nền tảng mới nổi. Chiến lược của nó là tập trung phát triển một "siêu ứng dụng", tích hợp nhiều tính năng như đặt phòng khách sạn, tìm đường,... ngoài việc chỉ dùng để đặt đồ ăn.
Tại Đông Nam Á, các siêu ứng dụng đã xây dựng cho mình một hệ sinh thái độc đáo. Trong đó, dịch vụ giao đồ ăn được phát triển từ các ứng dụng gọi xe như GoFood của Gojek tại Indonesia và GrabFood của Việt Nam.
Việc xe máy được sử dụng phổ biến ở các quốc gia này cho phép việc giao trở nên thuận tiện hơn khi địa điểm nằm trong những con ngõ nhỏ hẹp.
Tương tự tại Nhật Bản, cuộc cạnh tranh giữa những ông lớn trong ngành giao đồ ăn đang nóng lên với phát súng đầu tiên đến từ Uber. Hãng gọi xe đã ra mắt dịch vụ giao đồ ăn một giá.
Doanh nghiệp nội địa Nhật Bản là Demae-can cùng các startup khác đang tăng cường sự nhận diện thương hiệu bằng cách phủ sóng tại các nhà hàng cao cấp và ở phân khúc bình dân. Đồng thời sẵn sàng chi tiền thuê nhân viên giao chất lượng.
"Kế hoạch chúng tôi đặt ra trong vòng 5 năm, thì nay đã hoàn thành chỉ trong đúng 1 năm", một nhân viên Demae-can cho biết.
Năm 2019, Demae-can đã về dưới trướng của Line, khi Tập đoàn này đã mua lại khoảng 20% cổ phần đồng thời đầu tư thêm 280 triệu USD để biến Demae-can thành công ty con của mình.
Một Giám đốc phụ trách của Line, ông Hideo Fujii đã trở thành Chủ tịch của Demae-can vào tháng 6 vừa qua.
Line cũng đã cử 50 kĩ sư tin học đến làm việc tại công ty con mới. Tập đoàn này có kế hoạch hợp nhất mảng giao đồ ăn của Line Delima vào Demae-can thành một, dưới cùng một thương hiệu là Demae-can.
Tập đoàn Line đặt mục tiêu tận dụng tối đa công nghệ và nguồn lực tài chính dồi dào để nâng cao tính sử dụng của dịch vụ và mở rộng các địa điểm giao.
Ứng dụng nhắn tin Line hiện sở hữu 84 triệu người dùng và đây được đánh giá là tệp khách hàng tiềm năng cho dịch vụ giao đồ ăn, mảng kinh doanh mà công ty định vị sẽ đóng vai trò cốt lõi trong thời gian tới.
Line đang gửi lời "tuyên chiến" với Uber Eats tại Nhật Bản. Hiện Uber đang hợp tác hơn 30.000 nhà hàng, và là một trong những dịch vụ giao đồ ăn hàng đầu Nhật Bản.
Ngày 6/8, Uber đã giới thiệu dịch vụ giao đồ ăn không giới hạn đồng giá, với chi phí ít đóng theo tháng là 980 yên.
Uber hiện nhận về 35% doanh thu từ các nhà hàng và 10% chi phí giao, do đó lãnh đạo doanh nghiệp này ước tính chi phí hoạt động của họ có thể tăng lên với chiến lược mới. Tuy nhiên, Uber kì vọng họ sẽ được bù đắp khi nhu cầu sử dụng dịch vụ giao đồ ăn tăng cao trong đại dịch.
Doanh nghiệp nhỏ tìm lối đi riêng
Trong khi các doanh nghiệp lớn đang thống trị ngành giao đồ ăn, các công ty startup cũng ngày càng chứng tỏ sự hiện diện của họ.
Công ty Menu có trụ sở đặt tại Tokyo trong năm ngoái đã ra mắt một ứng dụng cung cấp thông tin về các cửa hàng bán đồ ăn mang về, và cũng đã bước chân vào thị trường giao đồ ăn trong tháng 4 vừa qua.
Trên cơ sở dữ liệu khách hàng cũ, đến nay Menu đã có 15.000 nhà hàng là đối tác thành viên, biến Menu trở thành một đối thủ tiềm năng cho các ông lớn như Uber hay Line.
Không những thế, thậm chí Menu còn áp dụng chính sách thuê bao hàng tháng cho khách hàng, trước cả Uber, với mức phí cũng 980 yen từ ngày 1/7. Phí giao tiêu chuẩn của Menu là 300 yen.
Người sử dụng dịch vụ thuê bao hàng tháng sẽ được giảm giá 5% khi mua hàng trên 1.500 yên, và có thể nhận được các phiếu giảm giá từ 500 - 10.000 yên.
"Đây sẽ là một năm quan trọng để chúng tôi bứt phá. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tăng lượng khách hàng, chứ không phải là lợi nhuận ngắn hạn", Makoto Yamashiki, trưởng bộ phận xúc tiến của Menu nói.
Đến nay, nhiều người tiêu dùng vẫn hoài nghi về chất lượng của dịch vụ giao đồ ăn. Tại các thị trường nước ngoài, trường hợp chất lượng nhân viên giao thấp đã trở thành một vấn đề cho các hãng.
"Đội ngũ nhân viên giao của chúng tôi là những người giàu kinh nghiệm. Đơn cử, họ có thể đặt khăn chèn vào trong túi để súp không bị bắn ra ngoài trong quá trình vận chuyển", người phát ngôn của Menu cho hay.
Kawamura, một người đã thực hiện hàng ngàn chuyến giao cho Menu, nói rằng: "Khi nói đến giao đồ ăn, không phải người nào cũng có năng lực như nhau. Tôi rất vui khi được làm việc tại Menu bởi kĩ năng của mình được công ty coi trọng".
Menu cũng thường xuyên giảm giá chi phí giao. Nếu hai người trở lên gọi món từ cùng một nhà hàng, sẽ không phải trả phí giao. Công ty có thể tiết kiệm chi phí cho nhân viên giao bằng cách kết hợp các đơn hàng với nhau, để sao cho chỉ một nhân viên có thể giao tất cả.
Phao cứu sinh cho nhà hàng truyền thống
Sự phát triển của dịch vụ giao đã dẫn tới sự ra đời của một hình thức dịch vụ ăn uống mới. Trong đó, các "nhà hàng ma" chỉ cần chuẩn bị thức ăn chứ không phải đón khách.
Một trong những mô hình như vậy nằm tại khu vực Nishiazabu, trung tâm Tokyo. Nhà bếp tại đây chỉ đảm nhiệm vai trò nấu nướng và chuẩn bị đồ để nhân viên đi giao. Họ đã phát triển được 10 món ăn, tất cả đều được làm từ súp và salad.
Có rất nhiều biến thể của mô hình này. Như tại Mỹ, một hoạt động điển hình đang được phát triển là "bếp chung", nơi các đầu bếp từ những nhà hàng khác nhau tập trung nấu nướng tại đó để giao.
Điều này tương đối hiếm tại Nhật Bản, nơi các đầu bếp chưa cởi mở với ý tưởng dùng chung bếp. Và nhiều người có "nhà hàng ma" riêng. Seven & i Food Systems, công ty điều hành chuỗi Denny's, đã mở một nhà hàng như vậy tại quận Oimachi ở Tokyo trong tháng 5.
Theo Hiệp hội dịch vụ ăn uống Nhật Bản, tổng doanh thu 38.000 nhà hàng thành viên đã giảm 22% trong tháng 6 so với cùng kì năm ngoái. Mặc dù đã cải thiện so với mức giảm 40% trong tháng 4 trước đó, nhưng làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ hai đã dẫn tới một sự sụt giảm khác về doanh số bán hàng.
Chủ tịch của một doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà hàng, bao gồm các quán bar tại Nhật Bản cho biết tình hình đang rất nghiêm trọng: "Cách duy nhất mà chúng tôi có thể tồn tại được là nhờ vào dịch vụ giao".
Thị trường giao đồ ăn của Nhật Bản được dự báo sẽ tăng lên 150 tỉ yên vào cuối năm nay. Sự tồn tại của các nhà hàng phụ thuộc vào việc họ có thể sử dụng các dịch vụ giao để thay đổi thói quen của người tiêu dùng hay không.