Vì sao Coffee House không lên app?
Một quyết định rất “biết mình, biết người” của Coffee House.
Thị trường giao đồ ăn đang phát triển vũ bão. Gần như hàng quán nào, từ to đến bé, cũng hợp tác với các app đồ ăn để tăng trưởng bán hàng. Nhưng giữa rất nhiều các nhà hàng hào hứng hợp tác, có Coffee House vẫn kiên quyết không “lên app”, bất chấp mùa dịch khiến người dân ngại ra quán, các cửa hàng của Coffee House phải giảm tốc độ mở rộng. Vậy tại sao Coffee House thà giảm tăng trưởng chứ không chịu “lên app”?
Sản phẩm khác nhau
Người dùng lên app là để mua đồ ăn, để ăn uống theo đúng nghĩa đen. Tiêu chí quan trọng nhất để chọn quán, chọn đồ ăn trên app là “ngon, bổ, rẻ”. Các tiêu chí còn lại như: không gian quán, chất lượng phục vụ, hình thức trình bày đồ ăn đồ uống… vốn rất quan trọng khi đi ra quán, nay bỗng trở thành thứ yếu. App đơn thuần là để bán đồ ăn, thức uống.
Coffee House chưa bao giờ mạnh về chất lượng đồ ăn, đồ uống. Sản phẩm thực sự của Coffee House là “một không gian thoải mái” tại quán. Khách vào sẽ có chỗ ngồi đủ rộng rãi, thoải mái, wifi mạnh, tha hồ ngồi lâu, nhân viên phục vụ dễ chịu. Cà phê chỉ là cái cớ để khách hàng đến quán hưởng thụ cái không gian. Hay nói cách khác, “không gian” mới là sản phẩm chính, “cà phê” chỉ là sản phẩm phụ của Coffee House.
Bởi vậy, nếu lên app, Coffee House trở thành chỉ còn bán cái đồ uống đơn thuần, mà không còn cái không gian, không còn vai trò của quán. Tức là Coffee House đã tự tay vứt bỏ sản phẩm chính mà đi bán sản phẩm phụ. Thành thử, nếu có lên app, đồ uống “chưa bao giờ mạnh” của Coffee House chắc chắn không thể cạnh tranh được với các đối thủ khác cùng phân khúc. Lên mà không hiệu quả thì chẳng thà không lên.
Tự mình làm chủ
Thời đại số, dữ liệu là một nguồn tài nguyên rất quan trọng. Bất cứ một doanh nghiệp nào cũng muốn tự mình làm chủ tất cả dữ liệu khách hàng của mình, nhưng thông thường bị vướng vào rào cản công nghệ.
Phải nói, Coffee House là một chuỗi đồ uống khá hiếm hoi đầu tư rất mạnh vào công nghệ ngay từ ngày đầu. Khách đến quán chỉ cần bắt wifi một lần, kể từ lần thứ hai sẽ tự động vào wifi tại mọi cửa hàng thuộc chuỗi mà không cần phải bận tâm tới password.
Có công nghệ trong tay, ngay từ thuở ban đầu, Coffee House đã rất chú trọng vào dữ liệu và phân tích dữ liệu để sử dụng trong kinh doanh.
Ông Trung Huỳnh - cựu Giám đốc công nghệ của The Coffee House - từng chia sẻ cách Coffee House nhìn vào 1 ‘order’ và thấu hiểu hành vi khách hàng như này: “Nếu họ mua hàng lúc 2 giờ chiều, họ có thể là freelancer hoặc khách sinh viên. Nếu thường xuyên gọi 1 ly chứng tỏ họ thường đi một mình, và đến The Coffee House để làm việc…”.
Như vậy, Coffee House rất hiểu tầm quan trọng của việc dữ liệu phải nằm trong tay. Họ cũng thừa hiểu lên app tức là mất dữ liệu khách hàng, và đồng thời, giao dữ liệu đó vào tay các app. Các app sẽ sử dụng chính dữ liệu đó để lớn mạnh, không loại trừ chèn ép lại chính Coffee House. Trong trường hợp này, lên app lợi bất cập hại.
Vừa không cạnh tranh được, vừa mất dữ liệu, vừa mất khả năng thấu hiểu hành vi khách hàng, vừa “nuôi ong tay áo” với các app, quyết định đứng ngoài cuộc chơi lên app của Coffe House quả là rất “biết mình biết người”.