Bao giờ hết hàng lậu trên sàn thương mại điện tử?
Không chỉ có Amazon, mà Youtube cũng đã từng dung túng phim lậu. Ở Việt Nam, VNG cũng vừa kiện Tiktok ra tòa vì sử dụng các bản nhạc thuộc bản quyền của Zing.
Công ty TNHH Văn Hóa Sáng Tạo First News - Trí Việt (FN) đã khởi kiện Công ty TNHH Recess, chủ sở hữu của sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lazada Việt Nam tiếp tay bán sách giả. Liệu điều này có là một dấu mốc cho việc “quét sạch” hàng giả trên các nền tảng TMĐT Việt Nam?
Lậu là… phổ thông
Dung túng hàng lậu từ lâu đã là một chiêu kinh doanh của hầu hết các nền tảng công nghệ để nhanh chóng tăng tương tác, tăng người sử dụng hòng chiếm lĩnh thị trường.
Đối với sàn TMĐT, hay nền tảng mạng xã hội, nền tảng chia sẻ video, âm nhạc,... thì mục đích chính là phải thu hút được thật nhiều tương tác, nhiều giao dịch. Các sàn luôn cần thật nhiều người bán để thu hút được nhiều người mua hàng. Khi có nhiều người mua hàng, thì lại thu hút được nhiều người bán hàng. Cứ thế tạo thành vòng xoáy bất tận.
Nhưng làm sao để khởi động được vòng xoáy đó?. Lịch sử cho thấy, một trong những vũ khí rất mạnh mà các nền tảng sử dụng chính là… hàng giả.
Amazon giữ vị thế “thống trị” trong làng xuất bản sách, nhưng ai cũng biết trước đây Amazon lại chính là kẻ tiếp tay cho hàng lậu, hàng nhái.
Không chỉ có Amazon, mà Youtube cũng đã từng dung túng phim lậu. Ở Việt Nam, VNG cũng vừa kiện Tiktok ra tòa vì sử dụng các bản nhạc thuộc bản quyền của Zing.
Sẽ còn kéo dài
Các nền tảng số sẽ dung túng hàng lậu cho đến khi nền tảng của họ bước sang giai đoạn lớn mạnh, lượng người dùng đủ lớn. Lúc đó, họ sẽ không cần hàng giả để câu kéo người dùng.
Khi vươn lên thành sàn TMĐT hàng đầu thế giới, Amazon đã liên tục triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn sách lậu, hàng giả. Hay như Youtube, Tiktok, Facebook,... cũng tung ra nhiều giải pháp để hạn chế đồ lậu, đạo nhái khi các nền tảng này trở lên lớn mạnh trên toàn thế giới.
Các sàn TMĐT ở Việt Nam có vẻ đang đi con đường giống các ông lớn Amazon, Youtube… Trong đó, Lazada vừa bị First News kiện ra tòa dung túng cho sách lậu. First News nói rằng suốt 2 năm qua, Lazada trực tiếp và gián tiếp tiêu thụ sách giả của First News. First News liên tục cảnh báo Lazada bằng nhiều bài báo, truyền hình chỉ đích danh Lazada. Thậm chí, First News gửi cả văn bản trực tiếp tới Tổng Giám đốc Lazada nhưng hoàn toàn bị phớt lờ.
Có thể Lazada sẽ thiện chí giải quyết trường hợp của First News lần này. Nhưng dựa vào những gì đã diễn ra trong lịch sử phát triển của các nền tảng thế giới, có lẽ hàng giả vẫn sẽ tiếp tục lan tràn trên các nền tảng, cho đến khi luật pháp ra tay thật mạnh, hoặc đến khi các nền tảng đó lớn mạnh như Amazon...