Bài học thành công và thất bại của TikTok rút ra cho nền tảng Việt
Trước khi lâm vào cảnh lao đao như hiện nay, TikTok đã trở thành một bài học kinh điển (case study) về thành công trên vai người khổng lồ mà các startup công nghệ Việt có thể học hỏi.
Vào Việt Nam từ khoảng năm 2018, TikTok với túi tiền không đáy của những nhà đầu tư Trung Quốc đã đè bẹp các ứng dụng tương tự của các startup Việt. Lần lượt những Umbala rồi Muvik đã phải rơi rụng trước sự nổi lên quá nhanh của TikTok khi nền tảng này mau chóng chiếm lấy 10 triệu người dùng Việt.
Giờ đây, khi TikTok thành ở Mỹ mà bại cũng ở Mỹ, một lần nữa câu chuyện về nền tảng video ngắn này lại trở thành chủ đề bàn tán, mổ xẻ của giới công nghệ.
Thành công: Tính dễ tiếp cận
Trong giới công nghệ, một thuật ngữ thường được sử dụng để đánh giá tính dễ hay khó tiếp cận của một nền tảng là khả năng giáo dục người dùng (educating user). Nó phải đến từ sự tự nhiên (độ dễ sử dụng) hoặc đến từ thói quen của người dùng với các nền tảng trước đó mà họ đã tiếp cận.
Lấy ví dụ về Android, người dùng Samsung, Xiaomi hay Vsmart có thể dễ dàng làm quen khi chuyển đổi qua lại giữa các dòng điện thoại của các hãng này. Nhưng khi chuyển sang iPhone, họ gần như không biết cách sử dụng. Ngược lại, điều tương tự cũng xảy ra khi từ iOS chuyển sang Android.
Đó là bởi Apple và Google đã giáo dục người dùng theo một thói quen mà càng thường xuyên sử dụng bao nhiêu, càng khó chuyển đổi sang sử dụng nền tảng khác bấy nhiêu. Điều tương tự cũng xảy ra với Facebook khi nền tảng này tái định nghĩa mạng xã hội phải có cấu trúc như thế nào, người dùng sẽ tương tác với bạn bè ra làm sao…
Hệ quả là những mạng xã hội ra đời sau, học theo và bắt chước Facebook đều không tìm ra hướng đi dẫn đến thành công. Trước đây là Zing Me, Tầm Tay, Go.vn và nay chính là bài toán khó mà Lotus, Gapo phải đối diện.
TikTok lại đi theo một hướng hoàn toàn khác biệt. Nền tảng này tự định nghĩa ra một tiêu chuẩn mới về mạng xã hội video là như thế nào bằng UI/UX khác biệt. Chính giao diện người dùng và trải nghiệm người dùng kiểu mới này đã tạo ra sức hút cho nền tảng video ngắn này và tạo ra cơn sốt trên toàn cầu.
Khác biệt ở đây là TikTok chỉ đưa ra hai thao tác duy nhất dễ học, dễ nhớ là ấn để dừng (pause) và vuốt lên xuống để cuộn lên xuống (scroll up/down). Các video đã được tối ưu để hiển thị tràn màn hình và người dùng không cần phải có thêm thao tác ấn vào đâu đó để phóng to.
Vì video quá ngắn, TikTok đưa ra thêm một thuật toán mang tính ép buộc người dùng nhưng lại hết sức thành công, đó là không thể tua lại. Chính vì thế, người dùng chỉ có hai lựa chọn, hoặc là xem tiếp, hoặc là vuốt xuống vô tận.
Thành công: Tính dễ sản xuất nội dung
Mạng xã hội muốn thành công luôn đứng trước bài toán hóc búa con gà và quả trứng. Các startup luôn trăn trở trước câu hỏi xây nền tảng có nội dung giá trị trước rồi thu hút người dùng, hay thu hút người dùng để xây nội dung cho nền tảng.
TikTok đã giải bài toán này bằng cách tối ưu hóa việc sản xuất nội dung video một cách cực kỳ đơn giản. Chỉ cần một chiếc điện thoại kết nối Internet trong tay, người dùng có thể tạo ra bất cứ nội dung gì một cách nhanh chóng, đơn giản mà vẫn cực kỳ thu hút nhờ các hiệu ứng (effect) mà nền tảng này cung cấp.
Việc dễ sản xuất nội dung kích thích người dùng tạo ra liên tục video mới. Nhờ đó, TikTok chỉ trong một khoảng thời gian ngắn đã lấp đầy "trang trại gà" (nền tảng) bằng số lượng "trứng đồ sộ" (nội dung).
Tiếp đó, TikTok bằng các thuật toán đề xuất đẩy người dùng tạo ra những trào lưu ngắn gây nghiện như nhảy lơ lửng, lau gương biến hình, lấy gối làm váy… từ đó kho nội dung TikTok ngày một dày lên, người dùng bắt đầu ở lại lâu hơn.
Biến người dùng thành người vừa sản xuất vừa tiêu thụ nội dung là điều mà nền tảng nào cũng hướng tới, nhưng không phải nền tảng nào cũng làm được. TikTok đã làm được điều này nhờ việc suy nghĩ vượt ra khỏi khuôn khổ thông thường (thinking out of the box). Đây là lối tư duy mà các nền tảng Việt nên học hỏi.
Thất bại: Dữ liệu người dùng
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, thông tin của người dùng là không biên giới. Hôm nay nó có thể được lưu trữ ở Việt Nam, ngày mai đã gửi một bản copy ra bên ngoài biên giới. Dữ liệu người dùng vì thế càng trở thành chủ đề nhạy cảm đối với căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, xung đột biên giới Trung-Ấn.
Và trong cuộc chiến này, TikTok là đối tượng nhạy cảm nhất trước những đòn tấn công của các đối thủ công nghệ, dẫn tới lần lượt rơi rụng ở Mỹ và Ấn Độ. Vì vậy, có thể thấy thu thập dữ liệu người dùng và sử dụng chúng ra sao vẫn là điều tối quan trọng.
Bởi nếu thuật toán không biết phân tích dữ liệu người dùng để đẩy nội dung đề xuất phù hợp, nền tảng đó hoàn toàn không hiểu gì về người dùng. Nhưng nếu lạm dụng dữ liệu quá đà chạm tới ‘vùng cấm’, không một ứng dụng nào có thể an toàn ở bất kỳ quốc gia nào.