Tương lai mới của các phương tiện truyền thông xã hội

THEO THELEADER 13/10/2020 14:39

Gaming mang lại so với các kênh giải trí truyền thống đã trở thành “cánh cửa” rộng mở cho các thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng

Từ góc độ của nhà quảng cáo, khả năng tương tác cao và thường xuyên vượt bậc mà Gaming mang lại so với các kênh giải trí truyền thống đã trở thành “cánh cửa” rộng mở cho các thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng.

Ngành công nghiệp trò chơi điện tử đã và đang là một trong những ngành có sức ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại, thu hút sự chú ý của nhiều thế hệ, đặc biệt là Millennials và Gen Z - nhóm tiêu dùng ưu tiên hàng đầu của các thương hiệu hiện nay.

Cùng với sự phát triển của kỹ thuật công nghệ, gaming đã được thúc đẩy để phát triển và trở thành một "sân chơi" để mọi người gặp gỡ, giao lưu và kết nối không kém gì những nền tảng xã hội phổ biến khác.

Thêm vào đó, sự thay đổi trong thói quen và cách tương tác với trò chơi của người dùng trong thị trường game ngày nay cũng tạo ra những phát triển phong phú không ngừng của "nền văn hóa" Gaming.

Từ góc độ của nhà quảng cáo, khả năng tương tác cao và thường xuyên vượt bậc mà Gaming mang lại so với các kênh giải trí truyền thống đã trở thành “cánh cửa” rộng mở cho các thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng.

Tạo trải nghiệm quảng cáo tích cực

Báo cáo thực hiện bởi Adsota mới đây chỉ ra, quảng cáo in-game luôn chiếm một vị trí nổi bật hơn những phương tiện khác trong chiến lược truyền thông bởi sự đa dạng về hình thức và khả năng hiển thị, cùng tương tác người dùng cao, có thể đo lường cụ thể.

Định dạng này tạo ra tỷ lệ click cao nhất trong số các định dạng quảng cáo video, theo nghiên cứu từ nền tảng quảng cáo di động Smaato.

Bên cạnh lựa chọn hiển thị nhắm mục tiêu theo vị trí địa lý, nhân khẩu như quảng cáo thông thường, quảng cáo in-game có thể thu hút sự chú ý và tăng khả năng tương tác của người dùng bằng các lợi ích như chơi thử, tặng thưởng khi xem quảng cáo (Playable-ads, Rewarded-ads).

Một yếu tố quan trọng khác của hình thức quảng cáo này chính là người chơi được chủ động lựa chọn. Khi nhìn thấy quảng cáo in-game, người chơi có thể tự chọn lựa tương tác với quảng cáo để nhận thưởng hoặc bỏ qua không xem.

Những điều này đã tạo cho người dùng tâm lý và thái độ tích cực với thương hiệu hơn hình thức quảng cáo chèn ngang thông thường. Ngoài ra, nền tảng định dạng video của trò chơi điện tử cũng đem lại cho thương hiệu nhiều hình thức quảng cáo đa dạng.

Nhà phát triển game có thể tận dụng những không gian ảo trong game để khéo léo đưa vào hình ảnh thương hiệu (Product Placement). Billboards trong các game thể thao là một ví dụ phổ biến, Adidas đã từng đặt biển quảng cáo tại sân bóng ảo trong game Fifa.

Những hình thức quảng cáo này mô phỏng khá giống với bối cảnh mà người chơi thường thấy ngoài đời thực. Do đó, sự sáng tạo của người lập trình game trong phương thức quảng cáo có thể tạo nhận biết thương hiệu mà không gây ảnh hưởng hay gián đoạn đến trải nghiệm của người dùng.

Thúc đẩy tương tác và "giữ chân" khách hàng

Việc tạo ra các hoạt động mang tính giải trí trong chiến dịch quảng cáo nhằm tăng mức độ tương tác của khách hàng đang dần trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của thương hiệu.

Do vậy, nhờ vào đặc tính sôi nổi vốn có của game, Gamification đang ngày càng được nhiều nhà quảng cáo sử dụng trong những năm gần đây bởi khả năng tạo động lực và thúc đẩy tương tác của người tiêu dùng.

Gamification là phương pháp mà thương hiệu ứng dụng các yếu tố Gaming (nhiệm vụ, điểm thưởng,..) vào các hoạt động của chiến dịch nhằm khuyến khích người dùng tích cực tham gia tương tác hơn.

Không chỉ vậy, phương pháp này cũng có thể giúp doanh nghiệp thu thập dữ liệu để tạo nên những trải nghiệm cá nhân hóa cho khách hàng.

Bên cạnh đó, những phát triển của ngành công nghiệp trò chơi điện tử đã khiến Gamification đã trở nên phong phú, đa dạng và thu hút hơn rất nhiều, bao gồm cả về yếu tố nội dung và yếu tố hình ảnh, đồ họa.

Kết hợp với tính chất chia sẻ và hướng đến cộng đồng của những người chơi game, Gamification mở ra con đường mới tăng khả năng lan tỏa cho thương hiệu. Phương pháp này cũng là sự lựa chọn phù hợp và khá phổ biến đối với những thương hiệu thương mại điện tử, F&B, ứng dụng di động…

Một Case Study nổi bật sử dụng công cụ này đó là chiến dịch "Lắc Xì 2020" của Momo triển khai vào mùa Tết 2020. Momo đã tạo ngay một phiên bản minigame trong chính ứng dụng của mình, lồng ghép vào đó những hoạt động nhằm đạt các mục tiêu như tăng số lượng người dùng, tăng tỷ lệ và thời gian sử dụng app,..

Ứng dụng những yếu tố văn hóa truyền thống như "Linh thú" vào hình ảnh và thiết kế lối chơi đơn giản nhưng mới lạ, đa dạng cùng phần thưởng hấp dẫn đã giúp Momo thu hút được nhiều người dùng tham gia trò chơi.

Khoảng 100.000 lượt khách hàng tham gia game chỉ sau một giờ ra mắt; hơn 6 triệu người sử dụng tính năng Chuyển tiền/Lì Xì; ghi nhận hơn 1,6 triệu thảo luận trong đó, 81,25% thảo luận đến từ lượt share tự nhiên của người dùng.

Những kết quả này đã đem đến cho Momo vị trí số một trong bảng xếp hạng chiến dịch mùa Tết nổi bật nhất trên mạng xã hội 2020.

THEO THELEADER