Bài học marketing mãi không cũ

THANH XUÂN 21/10/2020 11:23

Đầu thế kỷ 20, khi Việt Nam là xã hội phong kiến nửa thuộc địa lại có những nhà kinh doanh sử dụng kiến thức, phương pháp của thế kỷ 21. Rõ ràng, họ đi trước thời đại rất xa.

Ông Sơn ở đây chính là doanh nhân dân tộc Nguyễn Sơn Hà, khác với nhiều doanh nhân cùng thời, ông Hà lớn lên trong gia đình nghĩa sĩ, cha ông là chí sĩ yêu nước, tổ chức chống Pháp kịch liệt.

Ông Nguyễn Sơn Hà

Ông Nguyễn Sơn Hà

Sự ra đời của “đứa con Resistanco”…

Mười bốn tuổi tự kiếm sống, nhưng nhờ biết chữ Nho và chữ Quốc ngữ nên ông được nhận làm cho một hiệu buôn giấy của người Pháp, thù lao không đủ sống, ông Hà bỏ sang làm việc cho hãng sơn dầu Sauvage Cottu. Mọi thứ bắt đầu từ đây.

Một kịch bản khởi nghiệp giống y hệt trong nghệ thuật điện ảnh, nhờ làm sơn, tiếp xúc với sơn, ông Hà học được công thức pha chế, nhưng mọi tài liệu đều viết bằng tiếng Pháp, để học hiểu ngoại ngữ không còn cách nào khác phải học.

Từ công thức sơ của người Pháp, Nguyễn Sơn Hà nhận thấy, ở trong nước cũng có nguyên liệu dễ kiếm, chế được sơn đó là nhựa thông, dầu của các loại cây nhiệt đới. Đặc biệt là nguyên liệu này sản xuất ra loại sơn không “đụng hàng” với ông chủ cũ.

Không lâu sau, mẻ sơn đầu tiên ra đời, ông đặt tên là Resistanco - tiếng Pháp có nghĩa là “bền vững”. Kể từ đây, tên tuổi Nguyễn Sơn Hà chính thức gắn với ngành công nghiệp sản xuất sơn tại Việt Nam.

… và nghệ thuật làm thương hiệu

Nguyễn Sơn Hà marketing sản phẩm bằng cách nào? Ông đã cho quảng cáo rộng rãi khắp nơi, biếu hàng mẫu cho các cai thầu, gửi sơn cho các hãng buôn lớn bán với lãi suất cao mà lại không phải trả tiền hàng ngay. Hãng sơn của ông lấy tên là Gecko với logo là hình con tắc kè xanh đang cong đuôi bám bốn chân vào thân cây cổ thụ.

Hóa ra, những gì doanh nhân Nguyễn Sơn Hà làm cách đây hơn 1 thế kỷ hiện nay vẫn còn áp dụng. Các công ty phân phối sơn hiện nay vẫn cho nhân viên tiếp thị đến từng công trình, tiếp cận cai thầu, tuyển đại lý và khuyến mãi tiền mặt gói bọc kẽm nổi lềnh bềnh trong thùng sơn.

Như vậy có nghĩa, tư duy marketing của Nguyễn Sơn Hà đã đi trước thời đại hàng thế kỷ, và hiện nay vẫn chưa thấy phương pháp bán hàng nào khác hơn tiền nhân đã làm!

Tầng 2 ngôi biệt thự của gia đình Nguyễn Sơn Hà nay là di tích được Nhà nước xếp hạng để bảo tồn.

Tầng 2 ngôi biệt thự của gia đình Nguyễn Sơn Hà nay là di tích được Nhà nước xếp hạng để bảo tồn.

Cơ cấu sản phẩm sơn cũng rất đa dạng, phù hợp với nhiều phân khúc, sau khi thành công với thương hiệu Resistanco, ông không bỏ qua cái tên này mà tiếp tục thêm ký hiệu chữ cái đằng sau nó, tạo ra Resistanco A, Resistanco B, C, Durolac để sơn ôtô, Ideal để sơn đa dụng. Đó là nghệ thuật khai thác thương hiệu.

Thêm một điều đặc biệt là từ tên công ty đến tên thương hiệu đều được đặt theo tiếng Pháp, đó là cách để đối phó với sự phân biệt đối xử với hàng hóa do người An Nam làm ra, đã từng có người đến cầm sản phẩm của ông mà nói khinh bỉ “hàng hóa An Nam bẩn thỉu”.

Ngày nay, rất nhiều doanh nghiệp chọn cách Tây hóa tên thương hiệu để dễ dàng hội nhập, nhưng thế kỷ trước doanh gia Nguyễn Sơn Hà đã biết cách làm điều này.

Sơn ông Hà đứng vững được là nhờ nhân công rẻ, khai thác, tạo dựng được nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước nên có giá thành thấp hơn sơn ngoại và chất lượng đảm bảo nên dần dần đã chiếm được sự tín nhiệm của khách hàng.

Đây cũng là bài học kinh doanh rõ ràng mà hiện nay không mấy doanh nghiệp nội áp dụng được, kết quả là thị trường Việt Nam tràn ngập hàng Trung Quốc, không có sự tin tưởng đủ lớn nên người Việt đua nhau sính hàng ngoại.

Suốt một đời chỉ gắn bó với sơn, nhưng công lao của gia đình ông cho cho cách mạng và chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh khó ai sánh được, ngoài hiện vật là tiền, vàng, cơ sở vật chất, đóng góp thiêng liêng nhất của Nguyễn Sơn Hà là người con cả Nguyễn Sơn Lâm - Đội trưởng Tự vệ Hải phòng có vinh dự kéo lá cờ đỏ sao vàng trong buổi lễ mừng Độc lập 2/9/1945 tại đất cảng.

Sau tất cả, toát lên ở doanh nhân dân tộc thế hệ đầu tiên là tinh thần ham học hỏi, chủ động hội nhập, dám đương đầu với khó khăn, đồng thời “máu” kiếm tiền được nung nấu trên ý chí yêu nước.

THANH XUÂN