4 cấp độ của hành vi kinh doanh
Mỗi hành vi kinh doanh, theo chúng tôi, đều có bốn cấp độ khác nhau, đó là các cấp độ Kinh tế, Pháp lý, Đạo Đức và Lý tưởng Thẩm mỹ.
Tuy nhiên, vì lý do khác nhau, như hoàn cảnh, tâm lý xã hội, và đặc biệt là giáo dục, người ta có thể chỉ chú trọng một hay một vài trong các cấp độ đó. Chúng tôi xin lấy một ví dụ rất đơn giản là công việc của người thợ xây.
CẤP ĐỘ KINH TẾ: Đây là cấp độ cơ bản, nhưng cũng là cấp độ thấp nhất và dễ đạt nhất. Một người thợ xây khi làm công việc xây nhà, chẳng hạn, có mục đích đầu tiên là kiếm tiền. Dĩ nhiên, với mục đích đó, như bất kỳ người lao động nào khác, anh ta mong muốn làm càng ít càng tốt và được trả công càng cao càng tốt. Anh ta thậm chí có thể không cần quan tâm đến chất lượng công việc, không quan tâm đến hậu quả trong tương lai, miễn là được người thuê chấp nhận và trả tiền.
CẤP ĐỘ PHÁP LÝ: Trong các hoàn cảnh cụ thể, người thợ xây luôn luôn phải thương lượng với cai thầu và cuối cùng chấp nhận một thỏa thuận khả dĩ với cả hai bên. Không những thế, anh ta phải tuân thủ một số quy định của nhà nước đối với từng loại công việc. Nghĩa là dù muốn hay không anh ta cũng buộc phải có trách nhiệm đáp ứng những yêu cầu tối thiểu do pháp luật đặt ra, chẳng hạn về chất lượng và thời gian. Trong trường hợp này, anh ta không chỉ quan tâm đến tiền công, mà còn cố gắng đáp ứng các quy định của pháp luật ở mức tối thiểu để tránh bị trừng phạt.
CẤP ĐỘ ĐẠO ĐỨC: Có những việc, mặc dù luật không cấm, nhưng người thợ biết rằng không nên làm, vì sẽ không tốt cho sản phẩm. Chẳng hạn, anh ta biết rằng nguồn nước mà chủ công trình sử dụng để trộn bê tông có lẫn hóa chất và cát xây dựng không đảm bảo, có thể làm giảm chất lượng bê tông. Khi đó, anh ta có thể lựa chọn cách lẳng lặng làm theo ý gia chủ, bởi vì đó không phải là việc của anh ta, luật không buộc anh ta phải góp ý, và công trình cũng không thể bị hư hại ngay.
Nhưng anh ta cũng có thể góp ý cho gia chủ, hoặc chủ động dùng nguồn nước khác, bởi vì công việc của anh ta không chỉ là xây nhà để kiếm tiền, bằng cách đáp ứng các yêu cầu của pháp luật, mà còn là xây nhà cho người khác ở. Khi đó, ngôi nhà còn thể hiện tấm lòng của anh đối với gia chủ: anh mong muốn cho họ được ở trong ngôi nhà tốt như chính anh muốn được ở trong một ngôi nhà tốt nhất có thể.
CẤP ĐỘ LÝ TƯỞNG - THẨM MỸ: là cấp độ cao nhất, trên cả cấp độ đạo đức. Một cách lý tưởng, mỗi hành vi của con người đều phải vươn đến sự hoàn mỹ. Bởi lẽ chúng ta là ai, nếu không phải làm chính những gì chúng ta làm? Khi sinh ra, tất cả chúng ta đều là nhưng sinh vật yếu ớt, bé bỏng, không có kinh nghiệm, không có thành tựu. Thế rồi chúng ta dần lớn lên, học hành, lao động, tương tác với những người khác. Chính những điều chúng ta học, những gì chúng ta làm, những mối quan hệ mà chúng ta xây đắp… sẽ làm nên chúng ta.
Xin trở lại với ví dụ của chúng ta. Nếu anh thợ xây xây một ngôi nhà đẹp, anh ta là người thợ xây ngôi nhà đẹp. Nếu ngôi nhà xấu, anh ta là người thợ xây ngôi nhà xấu. Anh thợ xây, cũng người trồng rau, nuôi lợn, hay bất kỳ ai, khi thực hiện bất cứ một hành vi gì, đều có quyền và buộc phải lựa chọn một, hai, ba hay cả bốn cấp độ nói trên.
Chọn cấp độ nào?
Nếu chọn dừng ở cấp độ một, người ta làm vì tiền, nghĩa là hành vi của anh ta bị đồng tiền chi phối. Khi đó, anh ta không quan tâm đến chất lượng. Khi cần, anh ta có thể vi phạm pháp luật và các tiêu chuẩn đạo đức. Anh ta lại càng không quan tâm đến giá trị thẩm mỹ của sản phẩm. Hành vi của anh ta khi đó thường bị quy kết là ích kỷ nhưng thật chỉ là vì tiền. Anh ta đơn thuần là nô lệ của tiền.
Nếu dừng ở cấp độ hai, ngoài tiền, hành vi của anh ta còn bị chi phối bởi pháp luật. Anh ta cố gắng để chấp hành ở mức tối thiểu các quy định của pháp luật để tránh bị trừng phạt: anh ta là nô lệ của nỗi sợ quyền lực nhà nước. Tuy vậy, hành vi của anh ta đã ít nhiều hướng tới xã hội và mang ý thức trách nhiệm.
Ở cấp độ thứ ba, hành vi của anh ta còn được điều chỉnh bởi ý thức cá nhân về đạo đức. Khi đó, công việc của anh ta không chỉ là kiếm tiền trong khuôn khổ của pháp luật nhà nước, mà còn hướng tới những người khác trong xã hội. Hành động của anh ta đã có tính vị tha.
Ở cấp độ cao nhất, cấp độ Lý tưởng - Thẩm mỹ, hành vi của người thợ mới thực sự là ích kỷ - ích kỷ theo nghĩa tốt đẹp. Anh ta cố gắng làm ra sản phẩm tốt, đẹp, hoàn thiện vì việc đó đồng thời cũng chính là cố gắng hoàn thiện bản thân, hoàn thiện cuộc đời anh ta. Cuộc đời anh ta, hay nói cách khác là bản thân anh ta, sẽ hoàn hảo nếu mọi công việc anh ta đều hoàn hảo: anh ta làm việc không chỉ vì tiền, không chỉ vì ý thức chấp hành luật pháp, mà còn với ý thức đạo đức và hướng tới những giá trị lý tưởng – thẩm mỹ cao cả.
Nhìn vào thực tế, chúng ta thấy rất đáng buồn là nhiều người Việt, xin nói là hàng triệu người Việt, trong các hoạt động của mình, chỉ dừng ở cấp độ thứ nhất. Vì thế mà tình trạng chụp giật, gian dối, tranh giành… tràn lan – điều mà chúng ta ít thấy ở các nước khác, cả những nước phát triển như Mỹ, Pháp, Đức... lẫn những nước nghèo hơn như Lào, Myanmar…
Về vấn đề này, có lẽ người Nhật đáng cho chúng ta ngưỡng mộ nhất. Giáo sư Ikujiro Nonaka, trong cuốn sách nổi tiếng Managing Flow (bản tiếng Việt: Quản trị dựa vào tri thức) có kể một câu chuyện rất hay.
Vào những năm 1970- 1980, chính phủ Hoa Kỳ đưa ra những quy định mới rất ngặt nghèo về khí thải và tiêu thụ năng lượng đối với xe hơi khiến cho phần lớn các hàng chế tạo xe hơi phản đối. Ban lãnh đạo tập đoàn Honda quyết định tập trung nhiều kỹ sư giỏi để cải tiến động cơ. Cuối cùng, Honda trở thành hãng đầu tiên đáp ứng được các tiêu chuẩn đó.
Trong buổi lễ công bố và ăn mừng thành công, đại diện ban lãnh đạo tập đoàn cám ơn các kỹ sư và tuyên bố rằng với những thành tựu công nghệ mới, họ sẽ đánh bại được các tập đoàn xe hơi của Hoa Kỳ. Lập tức, các kỹ sư đứng dậy phản đối. Họ nói, họ cải tiến động cơ để con người được sử dụng những chiếc xe tốt, bền, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường, chứ không vì mục đích đánh bại các tập đoàn Hoa Kỳ. Ban lãnh đạo Honda đã phải xin lỗi các kỹ sư tuyệt vời của họ.
Có lẽ, chính nhờ những con người lý tưởng như vậy mà gần như bất kỳ cái gì liên quan đến người Nhật cũng được hiểu là tinh tế, chất lượng, là hoàn thiện.