Quảng cáo… trên vũ trụ
Ngành hàng không vũ trụ đã ra đời được khoảng 6 thập kỉ, nhưng quảng bá thương hiệu trên không gian mới chỉ xuất hiện lác đác trong khoảng 30 năm trở lại đây do chi phí quá cao.
Tuy nhiên ngày nay, các tập đoàn công nghệ không gian tư nhân như SpaceX… đã cắt giảm đáng kể chi phí phóng tên lửa. Điều này hứa hẹn quảng cáo trên không gian vũ trũ sẽ rất tiềm năng.
Bên cấm, bên mở
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính có thể thu được khoảng 100 triệu USD từ tiếp thị trên không gian. Đây là một con số lớn, nhưng không hấp dẫn. Vì số tiền này chỉ tương đương một phần nhỏ so với toàn bộ chi phí nghiên cứu, chế tạo, vận hành những gì liên quan đến vũ trụ. Riêng Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã tốn 4 tỉ USD mỗi năm.
Quan trọng hơn, do NASA là một cơ quan chính phủ Mỹ, các thành viên của NASA không được phép công khai ủng hộ hay quảng bá bất kì sản phẩm, dịch vụ nào để tránh vi phạm quy định chung cho các cơ quan chính phủ tại xứ cờ hoa.
Chẳng hạn như thương hiệu kẹo sô-cô-la M&M, ngay từ khi bắt đầu chương trình du hành vũ trụ, loại
kẹo đủ màu này đã được gửi ra ngoài không gian cho các phi hành gia Mỹ thưởng thức, nhưng họ chỉ được gọi bằng cái tên rất chung chung là “kẹo bọc chocolate”, chứ không được nói thẳng tên M&M.
Ngược lại, người Nga chẳng có quy định hạn chế quảng cáo nào dành cho các phi hành gia, và họ cũng không “ngại” giúp đỡ các đối tác tăng độ phủ sóng qua vũ trụ. Trong đó, vào năm 2006, một phi hành gia Nga đánh một quả bóng golf trong lúc du hành không gian để quảng bá cho công ty sản xuất thiết bị chơi golf Element 21 của Canada. Quả bóng này đã bay quãng đường ước tính là 1 triệu dặm quanh Trái đất trước khi bị đốt cháy trong quá trình tiếp xúc với bầu khí quyển…
Bước đi táo bạo của Pizza Hut
Đến năm 2000, đội ngũ tiếp thị của chuỗi nhà hàng Pizza Hut có một ý tưởng cực kì độc đáo: họ dự định sẽ dùng công nghệ laser để chiếu hình ảnh logo của hãng lên… Mặt trăng. Ý tưởng táo bạo đến nỗi một nhóm các nhà khoa học và vật lí cũng tham gia dự án này để cung cấp những thông tin xác đáng về mặt kĩ thuật.
Sau một thời gian bàn thảo cặn kẽ, tất cả mọi người đều nhận ra rằng đây là một ý tưởng bất khả thi. Bởi vì, việc chiếu một tấm logo lên Mặt trăng sao cho người ở Trái đất có thể thấy được đòi hỏi công nghệ laser có năng lượng cực lớn và độ chính xác cực cao, đồng nghĩa với chi phí thực hiện lên tới hàng trăm triệu USD - quá nhiều đối với một chuỗi nhà hàng tại thời điểm bắt đầu thiên niên kỉ mới.
Vì thế, đội tiếp thị Pizza Hut quay sang cách “truyền thống” đơn giản và tiết kiệm hơn rất nhiều: giống như đài TBS của Nhật trước đó 10 năm, Pizza Hut cũng “mua vé” 1 triệu USD để logo to bản của hãng được dán rõ ràng lên thân tên lửa. Điểm khác biệt là lần này tên lửa Proton của Nga chở những chiếc bánh pizza cỡ nhỏ, chứ không phải hành khách, và đích đến là trạm ISS chứ không phải trạm Mir.
Đoạn phim quảng cáo chiếu cảnh các phi hành gia Nga tận hưởng những miếng pizza nhỏ xinh ngon lành, trong khi các đồng nghiệp đến từ xứ cờ hoa thì không ăn miếng nào - thậm chí không xuất hiện trong đoạn quảng cáo, vì quy định chống quảng cáo của Mỹ như đã đề cập ở trên.
Nhìn về tương lai
Bẵng một thời gian khá dài, đến nay đã có một số ít ỏi ý tưởng mới về đưa thông tin tiếp thị lên không gian. Năm 2019, một công ty khởi nghiệp ở Nga đã đề xuất phóng một loạt các vệ tinh nhỏ và có thể phản quang để ghép lại thành những biển quảng cáo trong không gian - các biển quảng cáo này sẽ nằm ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp nên vẫn có thể nhìn thấy từ Trái đất; sau một năm, các vệ tinh sẽ rời quỹ đạo và bị đốt nóng khi trở lại khí quyển. Ý tưởng này sau đó nhận rất nhiều chỉ trích từ giới khoa học vì không mang lại tác dụng gì ngoài quảng cáo đơn thuần.
Trong khi đó, những tập đoàn công nghệ không gian tư nhân như SpaceX (do tỉ phú Elon Musk thành lập năm 2002) đã thành công trong việc cắt giảm đáng kể chi phí phóng tên lửa. Với những động thái truyền thông rầm rộ và lượng người xem phóng tên lửa trực tuyến ngày càng tăng, các tập đoàn không gian tư nhân có thể đồng ý hợp tác quảng cáo trong thời gian tới - đổi lại họ sẽ nhận những khoản tài trợ cho các chương trình không gian của họ (tương tự như những tấm vé triệu USD mà TBS hay Pizza Hut đã “mua” trước đây). Vì thế, quảng cáo trên vũ trụ hứa hẹn trở thành một kênh tiếp thị rất hấp dẫn sau này.