Không có rất nhiều tiền thì đừng chạy Google Ads

HẢI VY 30/10/2020 06:28

Đây là kinh nghiệm “rút ruột” của một chuyên gia quảng cáo đã tiêu trên 100.000 USD vào Google Ads.

Joseph Mavericks có nhiệm vụ làm tăng “traffic” cho trang web của công ty. Anh đã tiêu hơn 100.000 USD và Google Ads, và đúc rút những kinh nghiệm xương máu khi làm Google Ads cũng như SEO để tăng “traffic” về cho website.

1. Hình ảnh là số một

Trong giới marketing online, mọi người thường nghe câu “nội dung là số một” (content is king). Dĩ nhiên điều này đúng, tuy nhiên chỉ đúng khi mọi người chịu bỏ thời gian đọc nội dung. Vậy thì nhờ đâu người xem mới bấm vào bài viết? Chính là nhờ hình ảnh!

Hình ảnh thể hiện được phong cách bài viết. Chỉ với vài hình ảnh, một người có thể chịu bấm vào bài viết, đọc nội dung và trở thành khách hàng; hoặc họ có thể ngó lơ và bỏ qua chỉ trong vài giây liếc mắt.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng con người cần ngắm nghía khoảng 7 lần trước khi có ý định tham khảo/mua sắm các dịch vụ được quảng cáo. Tuy nhiên với một (hoặc nhiều) hình ảnh bắt mắt, sản phẩm/dịch vụ có thể “hớp hồn” khách hàng ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Khi nhiều người đã biết cách đầu tư vào mặt hình ảnh, thì các chiến dịch marketing càng cần phải chính xác hơn để không trở thành một đoạn quảng cáo “không tên tuổi”. Vậy làm thế nào để tìm ra phương thức chính xác giúp người xem ấn tượng với quảng cáo ngay từ những lần đầu tiên? Câu trả lời nằm ở lời khuyên thứ hai

2. Không nên bỏ qua A/B testing

A/B testing là một thuật ngữ phổ biến trong giới chạy quảng cáo. Hình dung đơn giản, một đoạn quảng cáo thuộc cùng một chiến dịch sẽ được tạo ra thành 2 phiên bản. 50% khán giả tiếp cận phiên bản A, 50% tiếp cận phiên bản B. Dĩ nhiên, 2 phiên bản không phải là con số bắt buộc. Các marketer có thể tạo ra 3, thậm chí 4 phiên bản cho mỗi quảng cáo.

A/B testing là phương thức hiệu quả để loại ra những yếu tố không phù hợp. Kỹ thuật này được sử dụng rộng rãi không chỉ trong chạy quảng cáo mà còn ở các lĩnh vực như trang đích, tiêu đề bài viết,....

Một nhân viên chạy quảng cáo Google lâu năm chia sẻ câu chuyện về A/B testing. Theo đó, nhóm của anh này chạy quảng cáo một tài nguyên PDF để mọi người tải về. Họ tạo ra 3 phiên bản khác nhau: giống nhau tất cả nội dung, chỉ khác màu nền (1 xanh bình thường, 1 hồng lòe loẹt và 1 trắng đơn điệu). Nhân viên này nghĩ rằng 99% người dùng sẽ thích phiên bản hồng hơn. Tuy nhiên kết quả cho thấy trắng lại chiếm ưu thế. Ngay lập tức, nhóm của họ dừng ngay quảng cáo cho hai phiên bản còn lại, dồn kinh phí cho phiên bản trắng.

3. Không cần quá để tâm đến từ khóa

Google Ads có hàng trăm thuật toán. Vì vậy những người chạy Google Ads cũng có hàng nghìn việc phải chuẩn bị, sắp xếp.

Một trong số đó chính là xác định từ khóa. Nói một cách đơn giản, khi trả cho Google một khoản tiền quảng cáo một (hoặc một số) từ khóa nhất định, thì website/bài viết của doanh nghiệp sẽ xuất hiện ở những kết quả tìm kiếm đầu tiên khi người dùng nhập từ khóa đó trên thanh tìm kiếm. Dĩ nhiên, giá thầu từ khóa càng cao, thì vị trí xuất hiện website càng tốt.

Tuy nhiên, có những chuyên gia Google Ads cho rằng marketer quá xem trọng vào việc chọn ra những bộ từ khóa, đầu tư ít thời gian vào những thứ quan trọng hơn (chẳng hạn hình ảnh).

Hãy nhớ đến lời khuyên thứ nhất. Hình ảnh là số một. Từ khóa dĩ nhiên cũng quan trọng, nhưng đó không phải là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, đừng ngần ngại đặt giá thầu trên bộ từ khóa phù hợp với ngân sách và sử dụng thời gian tiết kiệm được cho việc sáng tạo, thiết kế hình ảnh.

4. Đơn giản hóa quy trình nhắm mục tiêu theo đối tượng

Cũng giống từ khóa, nhiều marketer lãng phí thời gian vào việc lựa chọn đối tượng mục tiêu cho quảng cáo. Tuy nhiên con số tiếp cận ước tính của Google bao giờ cũng cao hơn chỉ số thật của các chiến dịch.

Dĩ nhiên, lựa chọn các tệp đối tượng cơ bản vẫn cần thiết. Chẳng hạn, marketer chỉ cần xác định khách hàng ở độ tuổi từ 30 - 50, hứng thú với công nghệ tài chính, sống ở châu Âu. Không cần quan tâm đến những vấn đề như con cái, kinh nghiệm làm việc, địa chỉ sống,.... Đừng khiến việc nhắm mục tiêu theo đối tượng trở nên khó khăn, trong khi chúng chỉ cần một vài biến số quan trọng.

5. Quy trình gửi và chấp nhận quảng cáo rất nghiêm ngặt

Google Ads không thích hợp với những người thích mọi thứ nhanh chóng. Đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, Google đã sử dụng robot để xem xét quảng cáo (thay con người), do đó rất nhiều lỗi xảy ra, chẳng hạn những chiến dịch quảng cáo đột ngột bị hủy bỏ, không được chấp nhận,....

Khi nhận được thông báo quảng cáo không được chấp nhận, các marketer cần đọc và tìm hiểu lý do vì sao. Sau đó, đoán xem Google áp dụng những nguyên tắc như thế nào, có phải từ lý do hình ảnh hay không. Tiếp theo tiến hành các thay đổi dựa trên suy đoán này và gửi lại quảng cáo.

Thời gian chờ có thể là vài giờ, thậm chí vài ngày. Nếu được Google chấp thuận, chiến dịch có thể tiếp tục. Ngược lại, các marketer phải lặp lại quy trình trên một lần nữa.

6. Không có nhiều kinh phí, đừng chạy Google Ads

Một đội chạy quảng cáo Google Ads hiệu quả cần ít nhất hai người: một lo các vấn đề kỹ thuật, một lo thiết kế hình ảnh. Dĩ nhiên vẫn có những “siêu nhân” một mình gánh hai trách nhiệm, thế nhưng điều này cực kỳ tốn thời gian và công sức.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu ngân sách doanh nghiệp dưới 1.000 USD mỗi tháng thì đừng tơ tưởng đến Google Ads. Đây là cỗ máy ngốn tiền khủng khiếp với tốc độ rất nhanh, đặc biệt trong quá trình A/B testing. Nhiều khi các doanh nghiệp chỉ chạy quảng cáo 1 tuần cũng đã cạn vốn. Chính vì vậy, marketer cần tạo ra những hình ảnh thu hút người xem và đem đến tỉ lệ chuyển đổi tốt nhất. Và mặc dù không cần bận tâm quá nhiều đến tệp khách hàng và bộ từ khóa, tuy nhiên marketer vẫn cần thỉnh thoảng điều chỉnh các chỉ số này, ít nhất trong thời gian đầu.

Cuối cùng, marketer và chủ đơn vị cần chuẩn bị tinh thần cho việc “tiền thì vẫn mất nhưng quảng cáo không đem đến khách hàng mới”. Đó không phải là chuyện hiếm. Điều quan trọng là phải biết rút kinh nghiệm từ những thất bại này để đưa ra các chiến dịch quảng cáo phù hợp hơn.

Kết luận

Có 3 điều quan trọng các marketer cần nhớ về Google Ads

  • Giữ mọi thứ đơn giản, đừng suy nghĩ quá nhiều về các chỉ số mục tiêu. Chỉ cần xác định các chỉ số, đưa vào chiến dịch và thực hiện các thay đổi khi cần thiết.
  • Hình ảnh là số một. Một bức ảnh đẹp có thể thay cho trăm nghìn câu chữ. Sử dụng A/B testing để xác định những hình ảnh nào phù hợp nhất với quảng cáo
  • Có rất nhiều kênh khác để kéo traffic, chẳng hạn Pinterest, Facebook, Instagram, LinkedIn, Twitter,.... thậm chí cả quảng cáo trên Reddit hoặc Quora. Những kênh này đôi khi sẽ cực kỳ phù hợp với một số ngành nghề nhất định.

Google không phải là kênh kéo traffic duy nhất, nhưng là kênh phổ biến nhất, phức tạp nhất, tốn tiền và tốn thời gian nhất. Và nên nhớ rằng một khi người xem đã bấm vào bài viết, thì đây chính là đất dành cho nội dung. Hãy đảm bảo nội dung thú vị, có giá trị với người xem. Nếu không, họ sẽ rời đi chỉ trong vài giây.

HẢI VY