“So găng” kết quả kinh doanh của FrieslandCampina và Nestlé tại Việt Nam

THEO VIETTIMES 30/10/2020 13:19

Màn “cà khịa” tại một ngã tư cách đây 2 năm suýt khiến Friesland Campina và Nestlé lao vào cuộc chiến pháp lý.

Nó cũng cho thấy cuộc ganh đua giành thị phần không khoan nhượng của các đại gia nước ngoài tại Việt Nam.

Năm 2018, không hẹn mà gặp, hai nhãn hiệu Ovaltine (Friesland Campina) và Milo (Nestlé) đã cùng chọn một ngã tư tại TP. HCM để treo biển quảng cáo, kèm theo thông điệp gắn với chiến dịch quảng cáo mới nhất.

Trong khi Milo chọn slogan "Nhà vô địch làm từ Milo", thì Ovaltine với slogan trái ngược "Chẳng cần vô địch, chỉ cần con thích", kèm theo hình ảnh người mẹ đang chỉ tay về phía "đối thủ".

Màn “cà khịa” dậy sóng cộng đồng mạng suýt khiến Friesland Campina và Nestlé lao vào cuộc chiến pháp lý, cho thấy cuộc ganh đua giành thị phần không khoan nhượng của hai đại gia nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Số liệu của Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA) cho biết, từ năm 2010 đến nay, mức tiêu thụ sữa các loại bình quân đầu người tại Việt Nam đã tăng hơn 2 lần, ước đạt 30 kg/người/năm. Dự báo đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 60 kg/người/năm.

Trong một báo cáo cập nhật ngành sữa mới đây, CTCP Chứng khoán SSI cho biết, trong nửa đầu năm 2020, tiêu thụ sữa vẫn chiếm 12% tổng sản lượng tiêu thụ hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), bằng mức tiêu thụ cùng kỳ năm 2019.

Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu các sản phẩm sữa trong nước chỉ giảm 4% về giá trị, thấp hơn nhiều so với mức giảm 7,3% trong tăng trưởng tiêu thụ hàng FMCG.

Có thể thấy, thị trường sữa Việt Nam còn rất nhiều triển vọng, như “thỏi nam châm” thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Trên thị trường, chỉ có một vài thương hiệu đang sở hữu thị phần sữa nước nổi trội hơn cả, như: Cô gái Hà Lan (Dutch Lady), Vinamilk, Milo và TH Truemilk.

Trong khi thương hiệu sữa Vinamilk của CTCP Sữa Việt Nam (Mã CK: VNM) vẫn đang xây chắc ngôi đầu, thì cuộc ganh đua của những doanh nghiệp đứng sau vẫn rất hấp dẫn. Một trong số đó là Dutch Lady và Milo.

Cụ thể, nhãn hiệu sữa Dutch Lady tại Việt Nam đang được phân phối bởi Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam (FrieslandCampina Việt Nam).

Theo tìm hiểu của VietTimes, FrieslandCampina Việt Nam là công ty liên doanh giữa Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade Corp) và Royal FrieslandCampina – tập đoàn sữa hàng đầu tại Hà Lan.

Chính thức được thành lập vào tháng 6/2008, cập nhật đến ngày 19/3/2019, FrieslandCampina Việt Nam có vốn điều lệ gần 295 tỉ đồng, trong đó Protrade Corp nắm giữ 30% cổ phần. 70% cổ phần còn lại được sở hữu bởi FrieslandCampina Vietnam Holding (có trụ sở tại Hà Lan).

Về kết quả kinh doanh, trong 4 năm gần đây, doanh thu và lợi nhuận của FrieslandCampina Việt Nam đang có xu hướng sụt giảm. Cụ thể, năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của doanh nghiệp này lần lượt đạt 7.152 tỉ đồng và 7.290 tỉ đồng, lãi thuần lần lượt là 1.147 tỉ đồng và 809 tỉ đồng.

Năm 2019, doanh thu thuần của FrieslandCampina Việt Nam đạt 6.632 tỉ đồng, tăng 2% so với năm trước; lãi thuần ở mức 758 tỉ đồng, trong khi năm 2018 lãi 792 tỉ đồng.

Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản của FrieslandCampina Việt Nam đạt 2.611 tỉ đồng, tăng 6% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu giảm nhẹ từ 1.087 tỉ đồng xuống mức 1.055 tỉ đồng.

Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Berend Martijn Van Wel (SN 1978, quốc tịch Hà Lan). Ông Berend Van Wel còn đang đứng tên cho Công ty TNHH FrieslandCampina Hà Nam (FrieslandCampina Hà Nam) – một thành viên khác của FrieslandCampina tại Việt Nam.

FrieslandCampina Hà Nam được thành lập vào tháng 9/2006, với mục đích quản lý và điều hành nhà máy của FrieslandCampina được đặt tại Cụm công nghiệp Tây Nam, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Trong 4 năm gần đây, doanh thu thuần của FrieslandCampina Hà Nam luôn đạt trên 3.000 tỉ đồng, lãi thuần cũng ở mức trên dưới 200 tỉ đồng mỗi năm. Năm 2019, doanh thu thuần của FrieslandCampina Hà Nam đạt 3.141 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 111 tỉ đồng, giảm lần lượt 4% và 35% so với năm 2018.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của FrieslandCampina Hà Nam đạt 1.057 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 322 tỉ đồng.

Ngoài thương hiệu Dutch Lady, FrieslandCampina còn cung cấp ra thị trường Việt Nam một số sản phẩm sữa khác như Fristi, Yomost, Hoàn Hảo và đặc biệt là Ovaltine.

Lãi lớn như Nestlé Việt Nam

Milo là thương hiệu sữa nước thuộc sở hữu của Nestlé. Tập đoàn đến từ Thuỵ Sĩ đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1912 khi thành lập văn phòng đại diện đầu tiên tại Sài Gòn.

Đến năm 1995, tập đoàn này thành lập Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (Nestlé Việt Nam) và khởi công xây dựng nhà máy cùng tên tại Khu công nghiệp Biên Hoà II, tỉnh Đồng Nai.

Hiện nay, Nestlé đang sở hữu 6 nhà máy tại Việt Nam, cung cấp hàng loạt sản phẩm chủ yếu trong ngành FMCG. Ngoài thương hiệu sữa Milo hay NAN, Nestlé còn cung cấp các mặt hàng khác như bánh kẹo, cà phê, kem, nước uống đóng chai, ...

Mới đây, Nestlé Việt Nam đã lọt vào danh sách 30 doanh nghiệp có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong việc chấp hành pháp luật Thuế và thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN), với tổng số tiền nộp NSNN trong giai đoạn 2015 - 2019 là 3.146 tỉ đồng.

Kết quả này không quá bất ngờ khi dữ liệu của VietTimes cho thấy, 4 năm trở lại đây, doanh thu của Nestlé Việt Nam luôn đạt trên chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, vượt trội hơn hẳn so với “đại đối thủ” FrieslandCampina Việt Nam.

Cụ thể, năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Nestlé Việt Nam lần lượt đạt 11.493 tỉ đồng và 13.154 tỉ đồng, lãi thuần tương ứng ở mức 1.107 tỉ đồng và 1.197 tỉ đồng. Năm 2019, 2 chỉ tiêu trên lần lượt là 15.967 tỉ đồng và 1.844 tỉ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 12% và 22% so với năm 2018.

Tính đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của Nestlé Việt Nam đạt 8.281 tỉ đồng, giảm 6% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng 12% lên mức 3.106 tỉ đồng.

Cập nhật đến ngày 14/10/2020, Nestlé Việt Nam có vốn điều lệ hơn 1.260 tỉ đồng. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Binu Jacob (SN 1971, quốc tịch Ấn Độ).

Nên nhớ, kết quả kinh doanh trên không phản ánh mức độ thị phần sữa tại Việt Nam của FrieslandCampina và Nestlé. Trong khi FrieslandCampina chỉ cung cấp các sản phẩm sữa thì Nestlé còn đánh vào các mảng khác của FMCG như bánh kẹo, cà phê, kem, nước uống đóng chai.

THEO VIETTIMES