FDI và tư duy nông nghiệp công nghệ cao

HOÀNG PHI 30/11/2020 08:00

Một trong những nút thắt của FDI vào nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam là tư duy nông nghiệp.

Đến năm 2019, nông nghiệp chiếm tới 40% lực lượng lao động, nhưng chỉ đóng góp khoảng 14% trong GDP (số liệu 2019), là một trong những khó khăn về hiệu suất của sự phát triển kinh tế Việt Nam. Vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao được coi là giải pháp, tuy nhiên tư duy nông nghiệp chưa bắt kịp đang là rào cản lớn.

Nông nghiệp công nghệ cao là một thuật ngữ rất rộng, bao gồm từ nông nghiệp chính xác (tưới tiêu, phân bón), đảm bảo tiêu chuẩn đầu ra (thực phẩm sạch, đẹp, tiêu chuẩn VietGap), tự động hoá trong nuôi trồng, công nghệ biến đổi gen giúp giảm sâu bệnh và tăng năng suất, kết hợp trong nội bộ nông nghiệp hoặc lĩnh vực khác (như nhà kính kết hợp sản xuất điện mặt trời).

Nông nghiệp công nghệ cao được kỳ vọng sẽ giải quyết được các vấn đề: (1) Tiết kiệm tài nguyên (đất, nước, nhân công), (2) Đầu ra chất lượng (ngon, sạch, độc lạ), (3) Sản lượng đầu ra (nạn đói, khủng hoảng lương thực).

Các nước phát triển có lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp rất thấp, tuy nhiên đóng góp vào GDP lại rất ấn tượng - Mỹ: 0.7% lực lượng lao động và chiếm 1% GDP. Mấu chốt ở chỗ nông dân Mỹ làm nông nghiệp như các nhà khoa học làm nghiên cứu - chia lô thử nghiệm giống, thử nghiệm phân bón, lên công thức chính xác cho tưới tiêu, áp dụng máy móc hiện đại - hệ thống tưới tiêu, máy bay bón phân…

Năm 2020, Việt Nam được các mặt báo lớn của thế giới gọi là điều thần kỳ, khi quản lý dịch bệnh rất tốt (dưới 01 người tử vong trên một triệu người) mà vẫn giữ được GDP tăng trưởng khả quan (3%). Trước đó, hai năm liên tiếp 2018 và 2019, Việt Nam đều đạt mức tăng trưởng GDP hơn 7%. Theo đà phát triển này, nước ta được kỳ vọng sẽ có một giai đoạn phát triển bùng nổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài loan, và Trung Quốc.

Góp phần nhiều trong đà phát triển này là nhờ nguồn vốn FDI, mà chủ yếu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài loan, và Trung Quốc; tác giả Ruchir Sharma của tờ New York Times nhận xét “những nền kinh tế thần kỳ cũ đang góp sức để viết tiếp một câu chuyện thần kỳ mới”.

FDI không chỉ là nguồn vốn, quan trọng hơn tiền là công nghệ, nhân lực, chuyển giao chuyên môn, đối tác xuất khẩu, và thay đổi tư duy xưa cũ của người dân Việt. Nhờ FDI trong lĩnh vực công nghiệp, từ một nước thuộc thế giới thứ ba, Việt Nam hiện đã tiến gần hơn tới các nước phát triển trong một số mảng sản xuất và công nghệ thông tin.

Điều tương tự được kỳ vọng sẽ xảy ra trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo theo số liệu cuối năm 2018, dòng vốn FDI vào khu vực nông nghiệp ở nước ta chỉ chiếm 1,02% tổng vốn FDI, và cũng chỉ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn gia súc - các dự án nông nghiệp công nghệ cao vẫn rất khan khiếm, mặc dù ưu đãi cho FDI vào lĩnh vực nông nghiệp không phải là nhỏ - thuế và quỹ đất, cũng như tiềm năng nông nghiệp nước ta cũng không cần phải bàn, một ví dụ là giống gạo ST25 được công nhận là “gạo ngon nhất thế giới năm 2019” tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Philippines.

Một trong những nút thắt của FDI vào nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam là tư duy nông nghiệp. Nếu như người công nhân đã quen với quy chuẩn khắt khe trong các nhà máy, thì người nông dân Việt vẫn còn rất cảm tính và dễ dãi trong việc nuôi trồng.

Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Trà My, chủ tịch Panfarm: “Khi chúng tôi đưa kỹ thuật của người Nhật vào việc trồng hoa, dặn bạn trông nhà kính rằng sau đêm nay thì nâng cái lưới lên để cây mọc thẳng, bạn trả lời lại rằng là không cần thiết, xưa giờ vẫn để vậy có sao đâu. Hai ngày sau bạn mới nâng, lúc này thì cái đoạn mới mọc đã bị cong rồi. Chỉ vì sơ suất rất nhỏ này, chúng tôi đã không thể xuất khẩu được cả lô hàng.”

Mô hình chủ yếu của các doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay là “nuôi trồng theo hợp đồng” (contract farming). Chuyển giao quy trình và tiêu chuẩn cho bà con nông dân để sản xuất nông sản - tận dụng được nguồn lực hiện có. Tuy nhiên cái khó là bà con nông dân vẫn chưa có tư duy của một nền nông nghiệp công nghệ cao.

Nhìn lại trong lĩnh vực công nghiệp, nếu như những FDI đầu tiên vào Việt Nam ngày đó như Samsung đã bỏ rất nhiều công sức giúp đào tạo một thế hệ công nhân đạt chuẩn quốc tế. Thì trong lĩnh vực nông nghiệp, câu hỏi liệu sẽ có FDI nào quyết tâm đầu tư vào Việt Nam như vậy vẫn còn bỏ ngỏ, vì rõ ràng giá trị của nông nghiệp không thể nào bằng công nghiệp được.

Trách nhiệm thay đổi tư duy nông nghiệp, vì vậy, có lẽ sẽ phải được đặt lên vai những doanh nghiệp trong nước trước. Rồi FDI mới thấy tiềm năng mà gia nhập theo sau, gỡ nút thắt cho nền kinh tế Việt Nam.

Tin vui là xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang thu hút nhiều doanh nghiệp trẻ ở Việt Nam, từ tiêu chuẩn Vietgap ngày càng được lan rộng, tới áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, nhà kính nuôi trồng chính xác. Những thương hiệu nông sản Việt cũng bắt đầu được chú ý hơn trên trường quốc tế, như nước mía Việt hay gạo Việt.

Điều quan trọng là giữ được xu hướng này, cùng với việc thúc đẩy và hỗ trợ phát triển nhanh hơn nữa, người nông dân Việt mới có thể bắt kịp với thế giới.

HOÀNG PHI