Hai nguyên tắc “vàng” của “đế chế” Zara
Zara trở thành “đế chế” trong ngành thời trang là do được xây dựng dựa trên 2 quy tắc cơ bản, đó là “cung cấp cho khách hàng những gì họ muốn” và “mang đến cho họ nhanh hơn bất kỳ ai khác”.
Các sản phẩm thời trang mang thương hiệu Zara cung cấp trên toàn cầu đều phản ánh nhu cầu và mong muốn đặc biệt của khách hàng về thể trạng, khí hậu và văn hóa. Đơn cử, Zara cung cấp các kích cỡ nhỏ hơn ở Nhật Bản, quần áo đặc biệt dành cho phụ nữ ở các nước Ả Rập và quần áo theo mùa khác nhau ở Nam Mỹ.
Sự khác biệt trong việc cung cấp sản phẩm tại các quốc gia diễn ra thuận lợi, là nhờ sự tương tác thường xuyên giữa các quản lý cửa hàng địa phương của Zara và đội ngũ sáng tạo Zara.
Lắng nghe và thấu hiểu
Thực tế, trong thế giới thời trang, một xu hướng bắt đầu nhỏ nhưng phát triển nhanh chóng. Nhân viên của Zara được đào tạo để lắng nghe, quan sát và chú ý đến những tín hiệu, dù nhỏ nhất từ khách hàng của họ, vì đây có thể là dấu hiệu cho thấy một xu hướng mới đang hình thành.
Zara biết rằng, phản hồi càng nhanh thì càng có nhiều khả năng thành công trong việc cung cấp sản phẩm phù hợp vào đúng thời điểm trong chuỗi bán lẻ toàn cầu của mình.
Zara đã thiết lập các hệ thống quản lý công nghệ phức tạp, cho phép thông tin truyền nhanh chóng từ các cửa hàng trở về trụ sở chính ở Arteixo ở Tây Ban Nha, giúp đưa ra quyết định hành động nhanh chóng và phản ứng hiệu quả với xu hướng đang phát triển.
Các đội thiết kế của Zara thường xuyên đến thăm các khuôn viên trường đại học, hộp đêm và các địa điểm khác để quan sát các những người trẻ thời trang đang mặc.
Còn tại trụ sở chính, nhóm thiết kế sử dụng màn hình phẳng được liên kết bằng webcam với các văn phòng ở Thượng Hải, Tokyo và New York… là những thành phố hàng đầu về xu hướng thời trang, với vai trò là người tiên phong xu hướng mới. Nhóm “Xu hướng” không bao giờ tham gia show trình diễn thời trang nhưng luôn theo dõi các blogger và lắng nghe khách hàng của thương hiệu.
Việc các nhà thiết kế và khách hàng của Zara có mối liên hệ chặt chẽ với nhau là một phần quan trọng của chiến lược thương hiệu. Đội ngũ chuyên gia nhận được phản hồi liên tục về các quyết định mà khách hàng đang thực hiện tại mọi cửa hàng Zara và truyền cảm hứng sáng tạo không ngừng cho đội ngũ sáng tạo.
Chính sự thấu hiểu khách hàng đã trở thành “chén thánh” đưa đến thành công trong kinh doanh của Zara. Có rất nhiều yếu tố dẫn đến thành công của Zara, nhưng một trong những điều quan trọng góp vào thành công là việc đặt khách hàng lên hàng đầu. Zara bị ám ảnh bởi khách hàng của mình từ những ngày đầu thành lập.
“Cơn sốt” tại thị trường Việt Nam
Zara đã luôn là một thương hiệu thời trang hàng đầu được săn đón và ưu ái từ phía người tiêu dùng Việt Nam. Vậy tại sao Zara lại làm được điều này?
Đầu tiên, Zara “phát hiện” có một cộng đồng người Việt luôn tồn tại tâm lý “sính ngoại”. Mặc dù những năm gần đây, xu hướng “người Việt dùng hàng Việt” luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng mọi người đều muốn mua những món đồ gắn mác ngoại quốc bởi họ cho rằng, những sản phẩm này sẽ có chất lượng cao hơn, và khi sở hữu sẽ khiến bản thân cảm thấy có giá trị hơn so với việc sử dụng hàng nội địa.
Có thể nhận thấy rằng, với những trang phục cùng chủng loại, giá tiền gần như nhau, nhưng cái tên Zara luôn đem lại giá trị cảm xúc cao hơn là của Hanosimex hay Made in Vietnam.
Thứ hai, bên cạnh những mẫu riêng thì phần lớn quần áo của Zara được mô phỏng từ các thiết kế của các nhãn hiệu cao cấp. Với chiến lược “tái hiện” thời trang chứ không “tạo ra” thời trang này, bất cứ ai từng đặt chân tới Zara mua đồ đều thấy choáng ngợp vì tốc độ cập nhật thời trang của hãng.
Mỗi năm, Zara tung ra thị trường hơn 11.000 mẫu thiết kế, gấp nhiều lần so với đối thủ của họ. Hơn nữa, do Zara không phải chi nhiều tiền cho những thiết kế độc đáo, khách hàng của họ luôn hạnh phúc khi có thể mặc những bộ trang phục luôn hợp “mốt” mà giá không đắt như những hãng khác. Và tại Việt Nam, Zara đã thâm nhập thị trường với một chiến lược gần như tương tự với đa dạng chủng loại sản phẩm và số lượng có hạn.
Thứ ba, lựa chọn điểm bán tinh tế. Zara luôn chú trọng đầu tư vào các điểm bán hàng của mình. Họ luôn chọn địa điểm đẹp nhất trong mọi thành phố mà hãng có mặt, bày những hàng đẹp nhất qua cửa sổ còn bên trong bày biện một cách tinh vi và khoa học.
Chính vì vậy, Zara đã không ngẫu nhiên chọn Vincom với mặt bằng rộng rãi, nổi bật và bắt mắt. Với trải nghiệm khách hàng tuyệt vời, Zara không cần chi quá nhiều tiền cho các hoạt động quảng cáo, PR nhưng vẫn có thể lôi kéo lượng khách hàng lớn tới các cửa hàng bán lẻ.
Từ chiến lược Marketing đưa đến sự thành công của Zara tại Việt Nam, có thể đúc kết được rằng, thương hiệu - đặc biệt là các thương hiệu đa quốc gia luôn phải nắm bắt thật rõ tâm lý và thói quen của khách hàng theo quốc gia hay vùng miền cung cấp sản phẩm. Từ đó, thương hiệu mới có thể tác động đến nhu cầu của khách hàng.
Nhu cầu của khách hàng luôn thay đổi, nếu không bắt kịp được xu hướng, chắc chắn thương hiệu đó sẽ luôn kém hơn đối thủ. Hãy đặt mình vào vị trí khách hàng tại thời điểm đó để biết họ muốn gì. Hãy luôn đổi mới bản thân để trải nghiệm khách hàng luôn được tốt nhất.
Thương hiệu cần luôn chú trọng điểm phân phối mặt hàng. Trải nghiệm của người mua tại cửa hàng sẽ ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, như địa điểm, cách bày trí kệ và mặt hàng.
Có thể bạn quan tâm
Hải Dương: Bắt quả tang một doanh nghiệp làm giả các thương hiệu nổi tiếng
00:05, 08/09/2020
7 thương hiệu nổi tiếng cùng những pha marketing "lật kèo" cực đỉnh
14:39, 12/06/2020
TP.HCM: Thu giữ nhiều thương hiệu nổi tiếng không rõ nguồn gốc
00:10, 23/05/2020
Startup tỷ đô cho thuê trang phục từ các thương hiệu nổi tiếng
04:16, 15/08/2019
Doanh nghiệp Việt thiếu gì để trở thành thương hiệu nổi tiếng thế giới?
04:06, 15/11/2018
Ý nghĩa đằng sau tên gọi của các thương hiệu nổi tiếng
06:52, 26/06/2018