Thiết kế cảm xúc

TRẦN XUÂN HẢI, CEO MISSIONIZER 05/12/2020 06:00

Trong doanh nghiệp, bạn cần xây dựng và nuôi dưỡng những hành động tốt, mở đầu bằng biết ơn, bằng cảm thông lắng nghe và bằng yêu thương cho đi…

Tôi đang viết và chia sẻ về việc làm sao thiết kế, xây dựng được doanh nghiệp phát triển vô hạn, thành lập và phát triển được những đội nhóm vô địch. Trong những nội dung tôi chia sẻ và viết nhiều năm qua, yêu thương, cảm thông, biết ơn luôn nằm ở vị trí then chốt nhất.

Những doanh nghiệp, tổ chức được xây dựng bằng yêu thương, cảm thông sẽ đem lại năng lượng mạnh mẽ, động lực để hành động. Ảnh: Hoạt động team building của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp, tổ chức được xây dựng bằng yêu thương, cảm thông sẽ đem lại năng lượng mạnh mẽ, động lực để hành động. Ảnh: Hoạt động team building của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

Những sai lầm tạo ra “rác tinh thần”

Chúng ta hiểu sai về nó quá nhiều năm và vì thế chúng ta triển khai sai hướng. Điều này vô cùng có hại, làm mòn đi tinh thần đồng đội, giảm tính cam kết, tiêu diệt sự tự hào, tan rã ý muốn gắn kết với doanh nghiệp và cuối cùng tạo thêm căng thẳng, xung đột, trầm cảm và bất hạnh.

Các trường dạy về kinh doanh và quản lý thường đi rất sâu về logic, về cách phân tích các tình huống, số liệu, phân tích quy trình, tính toán làm sao để có lợi. Đây là hướng đúng nhưng không đủ. Doanh nghiệp không chỉ tồn tại từ những con số, phân tích. Doanh nghiệp trước hết là để phục vụ con người - khách hàng, và hoạt động nhờ những con người khác - nhân viên, nhà cung cấp, nhà đầu tư. Việc thiếu thấu hiểu con người và việc tập trung quá sâu vào phân tích các con số làm chúng ta lãng phí, tạo nhiều độc hại và chậm phát triển.

Vào khoảng hơn 30 năm trước, tôi được đọc cuốn sách “Những điều người ta không dạy bạn ở trường kinh doanh Harvard” (What They Don’t Teach You at Harvard Business School - 1984) của tác giả Mark McCormack. Phần đầu tiên của cuốn sách này nói về mối quan hệ giữa người với người. Về những điều mà chẳng trường nào đưa vào môn học, cách chúng ta đối xử, nuôi dưỡng mối quan hệ bền chặt để hướng đến hạnh phúc và thành công.

Ngày nay, sau gần 40 năm kể từ lúc cuốn sách được viết ra, dù các kiến thức về con người đã được vô số các tác giả nêu và phân tích rằng chúng ta đang sai như thế nào và hướng đi đúng là gì. Tuy vậy, chúng ta vẫn tiếp tục sa vào những phương thức kinh doanh quản lý gây nhiều độc hại: thưởng phạt, phân nhiều tầng quản lý, đo lường hiệu quả chỉ trên góc nhìn tài chính, mỗi người chỉ cần biết phận sự của mình... Hơn thế nữa, rất nhiều người trong doanh nghiệp, tổ chức của bạn sẽ tin rằng xây dựng được hạnh phúc, yêu thương, cảm thông, biết ơn trong doanh nghiệp là không cần thiết, thậm chí là sai lầm. Nhưng chính những điều đó mới đem lại năng lượng mạnh mẽ, động lực để hành động. Cảm xúc tạo ra hành động. Lý trí giúp hành động đi đúng hướng. Khi chỉ phân tích lý trí, thiếu góc nhìn cảm xúc, chúng ta thường sai hướng và tạo thêm rác tinh thần, sự mệt mỏi căng thẳng, kiệt sức.

Khi yêu thương và được yêu thương, cảm thông với người khác và được cảm thông, biết ơn với người khác và được biết ơn, chúng ta cảm thấy hạnh phúc, tràn đầy năng lượng.

Cảm xúc tạo ra hành động

Việc bỏ qua góc nhìn về con người, đầy cảm xúc và dễ sai lầm, mới đẩy chúng ta đi sai hướng, dễ thất bại và đổ tại con người nhiều hơn. Khi hiểu được những điều này, chúng ta dễ thấu hiểu, dễ gắn kết, dễ cảm thông, dễ thành công và càng yêu thương, biết ơn nhau hơn.

Yêu thương nhau thật khó vì chúng ta chưa từng học yêu thương đích thực không điều kiện. Cảm thông nhau thật khó vì từ bé ta chỉ quan sát từ con mắt của chính mình nên khó cảm nhận được người khác đang cảm thấy ra sao. Biết ơn thật khó vì ta chưa học cho đi bằng cả trái tim để rồi nhận ra giá trị của việc nhận lại. Đã đến lúc phải học những điều thật mới mẻ này.

Khi người khác mắc lỗi với mình, dường như chúng ta sẽ rất khó để yêu thương. Nhưng vào lúc này, chúng ta hiểu rằng ai cũng có thể sai, và chẳng ai muốn sai, chẳng ai muốn người khác buồn bực mình. Khi người khác mắc lỗi, chúng ta cần yêu thương họ hơn.
Khi càng nổi giận với họ, chúng ta càng dễ ngăn cản sự tiến bộ, ước muốn thay đổi nơi họ, làm họ xa cách ta hơn. Điều chúng ta cần làm khi họ mắc lỗi là hướng dẫn họ, cho tới lúc họ không còn mắc lỗi.

Đó mới là yêu thương đích thực

Giúp đỡ đúng cách, cho đi năng lực của mình càng giúp chúng ta có năng lực mạnh mẽ hơn. Càng cho đi như vậy, chúng ta càng mạnh mẽ thêm, càng có nhiều mối quan hệ sâu sắc hơn. Lần cuối cùng bạn giúp một người trong doanh nghiệp mình hết mắc một lỗi nào đó bằng cách hướng dẫn họ cụ thể, để rồi họ biết ơn bạn là khi nào?

Cảm thông với người khác dường như rất khó khi chính chúng ta cũng đang kiệt sức, mệt mỏi, căng thẳng. Lúc này ta cần nhớ rằng, con người càng mạnh mẽ hơn khi gắn kết với nhau, và việc cảm thông vô cùng đơn giản. Hãy bắt đầu bằng quan sát, điều gì làm mọi người quanh ta có những hành động như họ đã hành động, hoặc không hành động như ta dự đoán. Điều gì là động lực của họ, điều gì hình thành lên quan điểm sống của họ. Hãy đặt câu hỏi và lắng nghe. 

Trong rất nhiều tình huống, ngay cả trước mặt đông người, những người cùng làm việc với mình, rất nhiều người đã bật khóc khi tôi đặt câu hỏi “bạn đang có nỗi đau gì?” Rất nhiều người sẵn sàng cởi mở khi ta hỏi, thể hiện sự quan tâm thật sự, lắng nghe thật sự. Mọi người có rất nhiều nỗi đau. Đáng tiếc là có quá ít người hỏi, quá ít người lắng nghe. Lần cuối cùng bạn lắng nghe người khác dốc hết trái tim tâm sự, không có rào cản, không có mặt nạ, và có cả những giọt nước mắt rơi là khi nào? 

Biết ơn không chỉ là nói lời cảm ơn hờ hững. Chúng ta cần thể hiện chúng ta thực sự trân trọng những gì người khác đã làm cho mình. Bạn đã từng cảm ơn mà người nhận được lời cảm ơn của bạn nhớ mãi trong lòng không? Tôi nhận được rất nhiều thư cảm ơn. Nhưng lá thư mà tôi quý nhất, tôi để ở ngay chân màn hình máy tính làm việc của mình, là lá thư từ vợ tôi. Chỉ với một câu cảm ơn viết trong mảnh giấy nhỏ, cô ấy làm trái tim tôi rung động. Cứ mỗi lần mệt mỏi, kiệt sức, tôi lại lấy lá thư đó ra đọc. Rồi tôi bừng bừng sức sống để chiến đấu tiếp. Cảm ơn người khác nêu rõ được là chúng ta xúc động ra sao, cảm ơn vì hành động gì, và hành động đó ảnh hưởng với chúng ta như thế nào. 

Martin Seligman có chia sẻ trong bài nói chuyện của ông, là chúng ta nên viết một lá thư cảm ơn khoảng 300 chữ, cho một người mà chúng ta thực sự thấy chưa từng cảm ơn đủ. Rồi cầm lá thư đó, gặp người đó rồi đọc cho họ nghe. Ông ấy nói, lúc đó cả hai, ai cũng sẽ khóc. Lần cuối cùng bạn cảm ơn một người nào đó đến mức cả bạn lẫn người đó đều khóc là khi nào?

Những con sói trắng

Doanh nghiệp, là một tập hợp người đang nỗ lực hoàn thành một nhóm nhiệm vụ có ý nghĩa, có giá trị, có ảnh hưởng đến xã hội. Chúng ta không phải là những con số, chúng ta là những con người có cảm xúc, có ý chí, có lý trí, có phi lý, có mắc sai lầm, có giận hờn và có cả yêu thương, gắn kết, biết ơn, giúp đỡ lẫn nhau. 

Như câu chuyện cổ của người da đỏ, trong mỗi con người đều có hai con sói. Con sói đen đại diện cho mọi điều xấu xa, độc ác, nổi giận, ích kỷ, ghen ghét,... Con sói trắng đại diện cho mọi điều tốt, cảm thông, yêu thương, điềm tĩnh, rộng lượng, từ bi... Hai con sói này luôn chiến đấu với nhau. Vậy con nào sẽ thắng? Con sói mà bạn cho nó ăn. 

Trong doanh nghiệp cũng vậy, bạn cần xây dựng và nuôi dưỡng những hành động tốt, mở đầu bằng biết ơn, bằng cảm thông lắng nghe, và bằng yêu thương cho đi. 

Doanh nghiệp của bạn, chính bạn sẽ là tập thể của những con sói trắng!

Bạn thử tự hỏi trong lòng và tự trả lời nhanh vài câu hỏi để đánh giá về doanh nghiệp của mình dưới đây.

Liệu mọi người...

01- Có thể tự thiết kế công việc của mình?

02 - Có thể tự đặt mục tiêu cá nhân?

03 - Có thể tự lập kế hoạch cho bản thân?

04 - Có cơ hội phát triển năng lực mỗi ngày?

05 - Có thách thức và dám chấp nhận rủi ro?

06 - Có tinh thần đồng đội và mối quan hệ thân thiết với nhau?

07 - Có tinh thần máu lửa, chịu trách nhiệm và không đổ lỗi?

08 - Có môi trường làm việc thuận lợi, đầy đủ nguồn lực, công cụ cho công việc?

09 - Có thể tập trung toàn lực cho công việc mà không mất thời gian vào “chính trị”?

10 - Có cảm thấy được ghi nhận, lắng nghe, tôn trọng?

11 - Có các ý tưởng sáng tạo được lưu trữ, đánh giá nghiêm túc và triển khai thường xuyên?

12 - Có cảm thấy được bảo vệ, được yêu thương, được giúp đỡ, được hỗ trợ?

13 - Có thu nhập và các lợi ích vượt hơn những nơI khác?

14 - Có hiểu rõ ý nghĩa, hướng đi, biết điều mình được kỳ vọng hoàn thành và tin tưởng, cam kết toàn diện với tổ chức?

15 - Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, mọi người đồng lòng giúp đỡ, nỗ lực, thậm chí giảm thu nhập, giảm lợi ích cá nhân?

16 - Vào đầu và cuối mỗi ngày, mọi người có cảm giác tràn đầy sức sống, năng lượng, niềm tin và hy vọng trước khi bước vào và rời khỏi công ty?

TRẦN XUÂN HẢI, CEO MISSIONIZER