Kinh doanh, quan trọng nhất là may mắn?
Jack Ma - ông chủ Alibaba cũng phải thừa nhận điều này.
Với nhiều người, may mắn là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp nên thành công của một doanh nghiệp. Và sau năm 2020 đầy biến động, vừa là thử thách cho một số ngành như du lịch, vừa là cơ hội cho một số ngành như thương mại điện tử, thì may mắn lại tỏ rõ vai trò hơn bao giờ hết
Những kẻ may mắn
Zoom: 2020 có vẻ là năm “thiên thời địa lợi nhân hòa” của nền tảng hội họp video này. Kể từ tháng 3 khi dịch bệnh bùng phát toàn thế giới, nhiều người đã phải làm việc tại nhà và Zoom trở thành một công cụ không thể thiếu. Trong quý 3, doanh thu của Zoom tăng 367% so với năm trước, giá trị cổ phiếu cũng tăng 600% trong năm nay.
Peloton: Khi các phòng gym bị cấm cửa, mọi người bắt đầu tự tập ở nhà. Và đó chính là thời điểm vàng cho những doanh nghiệp kinh doanh thiết bị thể thao như Peloton. Không chỉ vậy, các chương trình hướng dẫn luyện tập từ xa của Peloton cũng trở nên đắt khách cực kỳ. Theo thống kê đến ngày 30/6, số lượng người đăng ký dịch vụ này đạt 1.1 triệu người so với con số hơn 886 ngàn người vào cuối tháng 3.
Fiverr: Đại dịch khiến các công việc freelancer trở nên phổ biến hơn. Khi đó, sàn thương mại việc làm freelancer Fiverr đã chứng tỏ được chỗ đứng của mình. Fiverr cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu tìm kiếm nhân công và việc làm bán thời gian từ xa.
Novavax: Trước năm 2020, doanh nghiệp công nghệ sinh học này chẳng có gì, không lợi nhuận, không sản phẩm nào được FDA chấp nhận. Thế nhưng khi dịch bệnh bùng phát và Novavax có loại vaccine đang được phát triển, thì ngay lập tức cổ phiếu của doanh nghiệp này đã tăng lên đến 2700% trong năm nay.
Dù vậy đôi khi may mắn cũng là con dao hai lưỡi.
Chẳng hạn Zoom. Dịch bệnh đem đến cho Zoom nhiều người dùng, nhưng đồng thời cũng mang lại cực nhiều đối thủ. Thay vì thong thả, giờ đây họ bắt buộc phải tập trung vào yếu tố bảo mật và độ tin cậy để chạy đua với các đối thủ mới. Đồng thời, dù doanh thu tăng lên, thế nhưng quỹ đạo phát triển cũng chưa thực sự ổn định.
Còn với Peloton, doanh số tăng nhanh đã làm lộ những điểm yếu trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Gần đây doanh nghiệp này đã phải thu hồi 27.000 bàn đạp vì các lý do an toàn.
Tuy nhiên nói gì thì nói, có doanh thu và tăng trưởng là điều quý hơn vàng trong thời kỳ nền kinh tế tụt dốc.
Những người xui xẻo
Trái ngược với những Zoom hay Peloton, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ buộc phải đóng cửa mặc dù việc kinh doanh rất suôn sẻ trước đại dịch
Các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực là những người trực tiếp chịu ảnh hưởng từ các cuộc phong tỏa, cách ly. Dữ liệu cho thấy tỷ lệ mất việc trong ngành dịch vụ đạt đến 82% kể từ tháng 2. Tại California, Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia dự đoán có khoảng 43% nhà hàng sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn
Không chỉ doanh thu, một số đơn vị ẩm thực cũng gặp các tình huống oái oăm vì dịch. Chẳng hạn Fat Radish - một nhà hàng cao cấp tại New York - đã buộc phải đóng cửa vào tháng 7 vì không có không gian đủ rộng để giãn cách. Trong khi đó nhà hàng Loulou Petit Bistro - chỉ cách một khu phố - lại sống “khỏe re” vì có 80 chỗ ngoài trời rộng rãi.
Và những nơi dở khóc dở cười
Ngoài may mắn và xui xẻo, có những doanh nghiệp vừa chớp được thời cơ, vừa chịu cả những tổn thất. Và ví dụ điển hình nhất là Disney
Năm nay, Disney phải khóc ròng vì doanh thu công viên giải trí sụt giảm kinh khủng, thua lỗ tận 81 triệu USD. Trong khi đó năm 2019, lĩnh vực này đem về tận 6.8 tỷ USD lợi nhuận.
Bù lại, dịch vụ Disney+ đã giúp Disney thoát khỏi cơn ác mộng 2020. Nếu chẳng có những người cha người mẹ mắc kẹt ở nhà với những đứa con của mình, thì chắc hẳn chẳng có con số 86 triệu người đăng ký dịch vụ Disney+. Tuy nhiên đây cũng là nhờ Disney đã biết nhìn ra trông rộng khi ra mắt Disney+ để cạnh tranh với Netflix. Giờ đây, với Disney+, cổ phiếu của Disney đã ở mức cao nhất mọi thời đại.
Máu, mồ hôi, nước mắt, thiên tài? Tất cả cũng chẳng là gì nếu không may mắn - sai thời điểm!
Có thể bạn quan tâm