TƯ DUY LÃNH ĐẠO TRONG CHIẾN LƯỢC CHUYỂN ĐỔI SỐ: “Cuộc chơi” sống còn

HOÀNG VIẾT TIẾN - PHÓ TỔNG THƯ KÝ HIỆP HỘI INTERNET VIỆT NAM 01/01/2021 15:22

Tiến trình chuyển đổi số không phải là một bản kế hoạch từ bộ phận marketing hay bộ phận IT mà người tiên phong phải là người lãnh đạo…

Sau hơn 10 năm triển khai Chính phủ điện tử, Việt Nam hiện cơ bản hoàn thành việc kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu không chuyển đổi số?

Tuy vậy, dù đã tiến 10 bậc theo đánh giá của Liên hợp quốc về Chính phủ điện tử thì thực tế, chúng ta chỉ khiêm tốn xếp ở vị trí thứ 6 trong ASEAN.

Theo báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company thì tốc độ tăng trưởng nền kinh tế số tại Việt Nam trong 5 năm tới sẽ cao thứ hai khu vực (29%), chỉ sau Philippines (30%). Tổng giá trị giao dịch nền
kinh tế số Việt Nam dự báo đạt 14 tỉ USD trong năm 2020, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 29%, nền kinh số của Việt Nam thậm chí có thể đạt tới con số 30 tỷ USD vào năm 2021.

Mục tiêu của Việt Nam là hướng tới

100.1 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030. Việc Chính phủ rất quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian qua đã hỗ trợ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế số trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0.

Khi chúng ta đã có chính phủ điện tử thì các doanh nghiệp cũng cần áp dụng và chuyển đổi số một cách tích cực và đồng bộ. Thực tế là nếu không chuyển đổi số thì các doanh nghiệp không những khó khăn trong việc duy trì các hoạt động sản xuất – kinh doanh hiện tại, và điều nguy hiểm

hơn là sẽ tụt hậu nhanh chóng do không thể bắt kịp xu thế phát triển. Đây là “tử huyệt” của bất kỳ doanh nghiệp nào trong thời đại 4.0 mà thậm chí chúng ta dễ dàng nhận thấy các bài học từ những “gã khổng lồ” như Nokia hay Yahoo.

Tư duy mới sẽ như thế nào?

Một khó khăn điển hình hiện nay là thị trường đang thiếu những đơn vị tư vấn tổng thể chiến lược về ứng dụng chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động của doanh nghiệp. Điều này dẫn tới việc các doanh nghiệp vẫn đang phải loay hoay trong việc đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi phổ biến như: “Chúng tôi biết được tầm quan trọng của công nghệ 4.0, nhưng doanh nghiệp đang không biết bắt đầu từ đâu? Thực hiện số hóa cái gì trước? Cái gì sau? Nên lựa chọn những ứng dụng công nghệ nào cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp, theo từng đặc thù của lĩnh vực ngành...”.

Quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp phải được bắt đầu từ chính nhu cầu của doanh nghiệp. Cụ thể hơn là ở chủ doanh nghiệp. Các bài học hay hình mẫu thành công từ các doanh nghiệp/ tổ chức khác có thể là những bài học quan trọng. Ứng dụng công nghệ có thể được áp dụng vào các hoạt động của doanh nghiệp ở cả 3 khu vực: Phổ biến nhất là khu vực kinh doanh – marketing – chăm sóc khách hàng, giúp doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng tiềm năng nhanh hơn, hiệu quả hơn, tăng tính tương tác và khả năng chốt đơn hàng.

Th đến các ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp theo từng lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp (core business). Ví dụ với ngành ngân hàng thì là các hệ thống quy trình nghiệp vụ core banking. Với các doanh nghiệp sản xuất thì là hệ thống quy trình kiểm soát sản xuất và chất lượng, tăng hiệu quả quản lý sản xuất. Với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, dịch vụ du lịch-nghỉ dưỡng thì đó là các giải pháp công nghệ hướng tối việc tối ưu vận hành các dự án, khai thác các khu nghỉ dưỡng, du lịch, tiết kiệm chi phí…

Cuối cùng đó là các ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý và kết nối toàn bộ nội bộ của doanh nghiệp từ tài chính-kế toán, nhân sự, kho vận, hậu cần, văn phòng điện tử…, giúp quá trình làm việc nội bộ doanh nghiệp trở nên hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Quá trình chuyển đổi số này chắc chắn còn tiếp diễn trong thời gian tới một cách mạnh mẽ hơn. Đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, sự quan tâm của các doanh nghiệp và khách hàng tới các giải pháp công nghệ trực tuyến càng trở nên rõ rệt.

Trên thực tế cũng cho thấy rằng, các doanh nghiệp biết chuyển hoá khó khăn thành cơ hội, tận dụng tốt thời điểm thị trường có sự chùng xuống, mạnh dạn đầu tư, nâng cấp hệ thống quản lý, hệ thống quản lý sản xuất, tăng năng xuất lao động, đặc biệt là các hệ thống tiếp thị, bán hàng và làm việc online đều đã mang lại những kết quả khả quan.

Rõ ràng là tiến trình chuyển đổi số không phải là một bản kế hoạch từ bộ phận marketing hay bộ phận IT, mà người tiên phong phải là người lãnh đạo, Ban lãnh đạo, Ban Tổng giám đốc, hay các cấp tương đương,… Chuyển đổi số phải được xem là một chiến lược sống còn của doanh nghiệp trong thời kỳ mới, cần phải được hoạch định cụ thể với các giai đoạn triển khai phù hợp với đặc thù và tiềm lực của doanh nghiệp.

Dựa trên đó, các bộ phận trong doanh nghiệp cần phối hợp chia sẻ thông tin và nghiệp vụ thì quá trình chuyển đổi số mới thành công. Chúng ta thấy quá trình này không phải là quyết định của một phòng ban nào, hay đơn vị nào mà cần hợp lực của tất cả phòng ban, bộ phận mới tạo thành vòng tròn khép kín và chuyển đổi số thành công.

Để làm được điều này thì trước tiên các doanh nhân, nhà quản lý cần phải được đào tạo và tự đào tạo để hiểu biết sâu hơn về chuyển đổi số. Không chỉ là trên lý thuyết mà cần hiểu về quy trình và phương pháp vận hành để có các chỉ đạo đúng đắn, tạo động lực cho cán bộ công nhân viên cùng thực hiện và thay đổi.

Có thể bạn quan tâm

  • Các quy tắc tạo tư duy chuyển đổi số ở cấp lãnh đạo

    Các quy tắc tạo tư duy chuyển đổi số ở cấp lãnh đạo

    16:01, 30/12/2020

  • Chuyển đổi số y tế: “Mảnh đất màu mỡ để khởi nghiệp”

    Chuyển đổi số y tế: “Mảnh đất màu mỡ để khởi nghiệp”

    14:25, 30/12/2020

  • Chuyển đổi số - “trụ đỡ” vượt COVID-19

    Chuyển đổi số - “trụ đỡ” vượt COVID-19

    18:17, 01/01/2021

HOÀNG VIẾT TIẾN - PHÓ TỔNG THƯ KÝ HIỆP HỘI INTERNET VIỆT NAM