Thử đồ “ảo” bằng AR - Cứu tinh của bán lẻ
Năm 2001, Leonard Lauder đặt ra thuật ngữ “chỉ số son môi” để mô tả khả năng phục hồi của doanh số mỹ phẩm trong thời kỳ khó khăn.
Ông cho rằng doanh số bán son môi (hay nhìn rộng ra là toàn ngành mỹ phẩm) tỉ lệ nghịch với sức khoẻ của nền kinh tế. Khi tài chính khó khăn, người phụ nữ có xu hướng cắt giảm chi tiêu những món đồ đắt tiền như giày hay túi xách, mà chuyển qua mua các sản phẩm rẻ hơn như son.
Nhưng có lẽ ông không đoán được sẽ có thời điểm mà các đôi môi đánh son bị “che” bởi… khẩu trang! Trong đợt bùng phát đầu tiên của Covid-19, nhu cầu về son môi và phấn nền giảm tới 70%.
Giờ đây, Perfect Corp và ứng dụng làm đẹp YouCam đang tham gia vòng gọi vốn Series C với số tiền 50 triệu USD để tái định nghĩa quy trình mua và dùng thử mỹ phẩm trong đại dịch.
Theo một báo cáo của McKinsey, doanh thu tại cửa hàng chiếm 85% doanh số bán mỹ phẩm trước khi dịch xảy ra. Khi lối vào các cửa hàng đóng lại cũng là lúc 30% của thị trường làm đẹp 500 tỷ USD bị “đóng băng”. Toàn ngành dự kiến bị giảm 20-30% doanh thu trong năm 2020.
Về phần mình, công ty Perfect Corp có trụ sở tại Đài Loan đang làm hết khả năng để tái hiện trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng. Ứng dụng làm đẹp YouCam của họ có hơn 40 triệu người dùng hàng tháng. Họ sử dụng công nghệ AR của ứng dụng để “dùng thử” sản phẩm của 300 nhãn hàng, bao gồm Estee Lauder và L’Oreal.
Ngoài ra, công ty này còn cung cấp dịch vụ tư vấn từ xa, hướng dẫn trang điểm từ người nổi tiếng được trình chiếu trực tuyến, cũng như một công cụ chẩn đoán da được bác sĩ da liễu chứng nhận mà các thương hiệu có thể dùng để giới thiệu sản phẩm
AR cũng là xu hướng chung của các gã khổng lồ như Google, YouTube cũng như Snapchat. Khi trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp tận dụng thế mạnh công nghệ để mang trải nghiệm đó tới tận nhà thông qua các thiết bị di động.
Với Snapchat, họ cung cấp các bộ lọc mà người dùng có thể sử dụng lên video để “ướm thử” đồ và chia sẻ ra cộng đồng. Bạn có thể dùng bộ lọc để đi giày hay mặc áo, và người xem có thể góp ý về lựa chọn của bạn. Chính Snap cũng cộng tác với Perfect Corp để giới thiệu các hiệu ứng làm đẹp.
Không chỉ riêng thời trang, ngay cả đồ nội thất cũng có thể được “thử” tại nhà. Các doanh nghiệp như Home Depot và Amazon là những đơn vị khai thác mạnh tính năng này để thúc đẩy mua sắm và duy trì doanh thu trong thời gian khó khăn. Khi không được thử đồ thật, thì doanh nghiệp đành phải tìm mọi cách để cho khách hàng thử - kể cả là - đồ “ảo”.
Có thể bạn quan tâm