“Thuê bao” cả… quần áo
Khách hàng của chuỗi cửa hàng J.Front (Nhật Bản) có thể thuê đến 3 món đồ mỗi tháng với chi phí chỉ khoảng 100 USD.
Với nhiều người, thời trang là không trùng lặp. Vậy nên họ sẵn sàng xếp xó một bộ cánh chỉ sau 1 - 2 lần mặc. Và dĩ nhiên, chi phí cho một món đồ chẳng rẻ chút nào, đặc biệt là thời trang cao cấp.
Giờ đây mọi chuyện có lẽ sẽ dễ thở hơn với các tín đồ thời trang khi chuỗi cửa hàng bách hóa Nhật Bản J.Front đã cung cấp gói dịch vụ cho thuê đồ. Chỉ với khoảng 11.000 yên (103 USD) mỗi tháng, khách hàng có thể thuê đến 3 món đồ cao cấp từ những thương hiệu trong nước và quốc tế.
J.Front đặt kỳ vọng có khoảng 30.000 khách hàng đăng ký gói dịch vụ này, đạt doanh số 5.5 - 6 tỷ tên trong vòng 5 năm dưới sự chủ quản của công ty con Daimaru Matsuzakaya.
Trước mắt, dịch vụ này sẽ cung cấp sản phẩm đến từ khoảng 50 thương hiệu trong và ngoài nước, bao gồm những thương hiệu phổ biến như Marni (Ý) và See By Chloe (Pháp). Những thương hiệu Nhật nổi tiếng như Epoca, Adore cũng có mặt.
Sau khi đăng ký dịch vụ, trả phí hàng tháng, khách hàng được quyền chọn tối đa 3 món đồ, chẳng hạn áo khoác hoặc áo kiểu, từ một website và yêu cầu ship về tận nhà.
Về phần mình, Daimaru Matsuzakaya chịu trách nhiệm làm sạch và bảo quản những món đồ. Theo quy trình, họ sẽ mua sản phẩm thời trang cho dịch vụ của mình từ những thương hiệu đối tác. Dĩ nhiên, hai bên sẽ chia sẻ các dữ liệu khách hàng cũng như mức độ được yêu thích của món đồ. Ngoài ra, đây còn là những số liệu giúp cải thiện quy trình phát triển sản phẩm và đưa ra các chương trình ưu đãi thúc đẩy bán hàng.
Trước J.Front, đã có hai đơn vị là airCloset và Stripe International triển khai dịch vụ này. Tuy nhiên vì giá trị món đồ không cao, cho nên dịch vụ của cả hai nhanh chóng thất bại. Trong khi đó, J.Front có nhiều cơ hội hơn vì họ hướng đến việc sử dụng mối quan hệ của mình với những thương hiệu thời trang cao cấp để mở rộng dịch vụ đăng ký.
Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Yano (Tokyo), thị trường nội địa của dịch vụ đăng ký dự báo sẽ chạm mốc 1,2 nghìn tỷ yên vào tháng 3 năm 2025, cao gấp 1,8 so với con số 683.5 tỷ yên vào tháng 3 năm 2020. Bên cạnh thời trang, các dịch vụ đăng ký nội dung phát trực tuyến, chẳng hạn Netflix, cũng nhanh chóng phổ biến tại Nhật Bản.
Với người Nhật, dịch vụ thuê đồ hàng tháng là cách giảm thiểu lãng phí sản phẩm. Mỗi năm ngành may mặc tại quốc gia này sản xuất 2,8 tỷ mặt hàng thời trang, tuy nhiên có đến gần một nửa phải tồn kho. Con số này dấy lên nhiều tranh cãi và chỉ trích trong thời kỳ con người mong muốn phát triển bền vững, không ảnh hưởng nhiều đến môi trường và tự nhiên.
Với những cửa hàng bách hóa tại Nhật Bản, quần áo và thực phẩm là hai ngành hàng chủ lực. Đại dịch ảnh hưởng nặng nề, nhiều người ở nhà làm doanh số sụt giảm. Vì vậy, J.Front hi vọng sẽ duy trì nguồn khách của mình thông qua dịch vụ đăng ký thuê trang phục, đồng thời kéo họ đến cửa hàng sau khi đại dịch kết thúc.
Có thể bạn quan tâm