Phương thức kinh doanh mới thời dịch
Đại dịch buộc con người phải hạn chế tiếp xúc, chính vì vậy kinh doanh cũng phải chuyển sang phương thức hạn chế tiếp xúc hoặc không tiếp xúc.
Các nhu cầu mới thời đại dịch đã thay đổi cách cung cấp sản phẩm và dịch vụ, thúc đẩy sự đổi mới công nghệ, và thay đổi nhanh chóng phương thức kinh doanh thời dịch và hậu dịch, một phương thức kinh doanh không tiếp xúc hoặc hạn chế tiếp xúc.
Đại dịch thay đổi phương thức kinh doanh
Đại dịch buộc con người phải hạn chế tiếp xúc, chính vì vậy kinh doanh cũng phải chuyển sang phương thức hạn chế tiếp xúc hoặc không tiếp xúc.
Mua hàng trực tuyến phát triển nhanh chóng, cách mọi người tiêu tiền cũng thay đổi. Thị trường cũng nhanh chóng thay đổi theo nhu cầu. Chưa dự đoán được thời điểm kết thúc của đại dịch nhưng cho dù có kết thúc, hành vi mua bán sau đại dịch như thế này sẽ không thay đổi. Người ta sẽ mua trực tuyến tất cả hàng hóa, bao gồm các loại hàng hóa trước đây phải chạm, sờ, nhìn, ngửi,... một cách trực tiếp để tránh tiếp xúc.
Hầu hết các giao dịch hiện đều có xu hướng chuyển sang hình thức trực tuyến cho phù hợp với tình trạng cách ly, giãn cách ở khắp mọi nơi. Khi mà đi học, đi làm, gặp mặt, tiệc tùng, thậm chí cầu nguyện tại nhà thờ hay đi chùa đều thực hiện trên môi trường trực tuyến, không có lý do gì để việc kinh doanh, mua bán hàng hóa không thực hiện trên mạng.
Tại các nước phát triển, mua bán hàng trực tuyến đã dần thay đổi thói quen và hành vi của người tiêu dùng nhiều năm nay, nhưng đại dịch góp phần nhanh chóng thúc đẩy mạnh hành vi và nhu cầu mua hàng trực tuyến của mọi người.
Tại Việt Nam, phương thức mua bán hàng trực tuyến mặc dù manh nha phát triển trong vài năm gần đây nhưng đại dịch thực sự là một “nhà cải cách” hành vi người tiêu dùng từ mua hàng trực tuyến mọi thứ, cho đến tiêu dùng không dùng tiền mặt sử dụng các phương thức thanh toán mới: ví điện tử, QR code, chuyển khoản, thẻ tín dụng,...
Mua sắm trực tuyến ra đời vào năm 1979 khi Michael Aldrich sử dụng Teletext nhắn tin hai chiều đánh dấu thời điểm cách mạng hóa hoạt động kinh doanh. Nhưng phải đến năm 1995 khi Amazon ra mắt một cửa hàng sách trực tuyến và đã trở thành nhà bán lẻ sách trực tuyến lớn nhất thế giới trải nghiệm mua sắm trực tuyến mới bắt đầu bùng nổ. Còn đại dịch lần này “giúp” mua sắm trực tuyến bùng nổ hoàn toàn.
Nhiều nhà phân tích dự đoán thói quen chi tiêu và mua sắm trong đại dịch sẽ giữ nguyên sau đại dịch trong một thời gian dài, tạo ra sự thay đổi hoàn toàn hành vi. Kỳ vọng của người tiêu dùng là bất cứ thứ gì họ cần mua đều có thể thực hiện một cách đơn giản trên thiết bị di động hoặc máy tính. Tiếp đó, việc giao hàng phải thuận tiện, nhanh chóng và an toàn. Khách hàng đang lựa chọn mua hàng ở những địa chỉ trực tuyến, nơi có sự thuận tiện và an toàn, từ bất kì đâu, thậm chí ngay cả khi bị nhốt trong nhà. Tất cả vì mục tiêu: hạn chế tiếp xúc.
Hạn chế tiếp xúc nhờ ứng dụng công nghệ
Ở Mỹ, nơi mà cho dù mua sắm trực tuyến đã phát triển mạnh, nhưng những thứ như ô tô mọi người đều mua bán và trải nghiệm trực tiếp. Tesla, một hãng sản xuất ô tô mới nổi với những chiếc xe điện và tự lái, đã nhanh chóng nắm bắt nhu cầu, họ không có đại lý mà bán ô tô trực tuyến và các cửa hàng của họ nằm ở trung tâm thương mại.
Việc đặt mua một chiếc Tesla thường được thực hiện trên điện thoại chỉ trong vài phút. Năm 2019 họ bán được 367500 xe, năm 2020 - đỉnh điểm đại dịch, họ bán được 499550 chiếc. Tesla hoàn toàn nắm bắt và hòa vào phương thức kinh doanh không tiếp xúc này, thông qua mua bán trực tuyến, đã thay đổi và biến nó thành đúng đắn.
Amazon, trang thương mại điện tử hàng đầu thế giới, ngoài bán hàng trực tuyến, công ty này đã thử nghiệm rất nhiều công nghệ thanh toán kiểu mới trong đó có Amazon One, sử dụng công nghệ "chỉ cần bước ra ngoài", chạm vào cảm biến và máy ảnh để theo dõi những mặt hàng mà khách hàng lấy từ các kệ hàng và sau đó tự động tính phí thông qua một ứng dụng, hạn chế tối đa việc tiếp xúc.
Tại Việt Nam các ví điện tử như Moca, vnpay,... đều đã cung cấp giải pháp thanh toán bằng QR code. Người dùng có thể quét mã QR để kiểm tra thông tin sản phẩm, gửi đường dẫn đến website, gọi điện thoại, gửi tin nhắn, xem video, đặt mua hàng hoặc thanh toán. Đây là một phương thức thanh toán an toàn và tiện dụng, hạn chế dùng tiền mặt, giảm tiếp xúc
Đầu năm 2021, Việt Nam hứng chịu làn sóng covid mới. Hải Dương là tỉnh chịu tấn công nặng nề nhất. Nông sản thừa mứa chờ giải cứu. Giải pháp đã được đưa ra rất nhanh, đưa mọi thứ lên mạng bán trực tuyến thay thế các điểm giải cứu vỉa hè. Thay vì đến các điểm giải cứu bộc phát, mọi người có thể giúp giải cứu bằng cách mua hàng trực tuyến tại trang voso.vn.
Một gian hàng, một hình ảnh sản phẩm trên chợ mạng sẽ có giúp triệu người, ở khắp cả nước cùng tham gia giải cứu. Hiệu quả sẽ tức thì nếu cùng lúc hàng chục ngàn người đặt mua, hàng trăm tấn rau quả được giải phóng. Những gian hàng trên mạng sẽ là hướng mở cho nông sản không chỉ giải cứu trước mắt mà là hướng đi lâu dài bền vững, giảm tiếp xúc tối đa.
Đại dịch mang đến cơ hội mới cho những doanh nghiệp đã chuẩn bị tốt và kịp thời thích nghi. Ứng dụng công nghệ trong kinh doanh để giảm tiếp xúc thời dịch và hậu dịch không mới nhưng là hướng đi hoàn toàn phù hợp.
Có thể bạn quan tâm