COVID-19 - Cột mốc mới của chuyển đổi số
Xu hướng chuyển đổi số đã bắt đầu nhen nhóm từ những năm 90 của thế kỷ trước, với cột mốc đầu tiên là “bong bóng dot com”.
Theo một nghiên cứu của tập đoàn Tư vấn Quản trị Toàn cầu McKinsey, Covid-19 đã thúc đẩy tương tác số nhanh hơn từ 3 đến 4 năm, thúc đẩy phát triển các sản phẩm số nhanh hơn đến 7 năm, và hơn hết là nâng cao nhận thức về tích hợp công nghệ vào kinh doanh.
Những cột mốc của chuyển đổi số
Xu hướng chuyển đổi số đã bắt đầu nhen nhóm từ những năm 90 của thế kỷ trước, với cột mốc đầu tiên là “bong bóng dot com”.
Netscape - trình duyệt web đầu tiên - phát hành cổ phiếu ra công chúng vào tháng 8, 1995. Sự kiện có thể coi là khởi nguồn của chuyển đổi số, khi ngay trong đêm đó, làn sóng đầu tư mạo hiểm vào công nghệ được gỡ nút thắt, các sản phẩm internet bùng nổ. Thương mại, giải trí, phương tiện truyền thông, tìm kiếm thông tin… bắt đầu được đưa lên trên chiếc màn hình chỉ hơn chục inch.
Nhưng rồi khi bong bóng vỡ vào năm 2000, các công ty internet sụp đổ hàng loạt. Tiến trình chuyển đổi số bị khựng lại trong một khoảng thời gian.
Mãi cho đến năm 2002, cột mốc thứ 2 xuất hiện với sự cạnh tranh gay gắt giữa Mac OS X của Apple và Window XP của Microsoft, làm máy tính cá nhân bùng nổ. Phần mềm soạn thảo văn bản và trang tính điện tử thay cho bút và giấy, email thay cho máy fax và điện tín, lưu trữ trên ổ cứng thay cho những tập tài liệu dày cộm, các phần mềm kế toán, quản trị khách hàng ra đời… Chuyển đổi số diễn ra trên diện rộng nơi các doanh nghiệp.
Rất nhanh sau đó, cột mốc thứ 3 đánh dấu bằng sự kiện Steve Job cho ra mắt chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007. Mọi hoạt động trong cuộc sống dần dần gắn với chiếc điện thoại thông minh vài inch nằm trong túi - từ trò chuyện với bạn bè đến việc đọc tin tức và giải trí. Chuyển đổi số diễn ra trên diện rộng nơi từng người dân bình thường.
Khi mọi thứ đã sẵn sàng, lịch sử chỉ cần một cú hích để thay đổi một lần và mãi mãi. Cột mốc thứ 4 của chuyển đổi số được gây ra bởi hai cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu - 2008 và 2012. Khi nền kinh tế đời thực đã quá bế tắc, làn sóng chuyển dịch lên mạng diễn ra mạnh mẽ.
AirBnb và Uber xuất hiện, kéo theo sự bùng nổ của nền kinh tế chia sẻ. Những hình thức kinh doanh trên mạng và marketing số hiệu quả hơn cách làm truyền thống. Xu hướng “kết nối vạn vật” (IoT) giúp cuộc sống tiện lợi hơn bao giờ hết. Tất cả quy tụ dưới cái tên “cách mạng 4.0”.
Kỳ lân internet được tạo ra càng ngày càng nhanh, khiến mô hình chuyển đổi số trở thành công thức kinh điển để thành công. Công nghệ số phát triển với tốc độ khó tin và dường như có thể giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống.
Nhưng... khi người ta bắt đầu mơ về một tương lai với những chính phủ số, ngân hàng số, giao dịch không tiền mặt, học trực tuyến, làm việc từ xa, quản trị số, nhà thông minh, v.v.. thì “bong bóng 4.0” dường như bị xì hơi như cái cách bong bóng dot com bị xì hơi 20 năm trước đó.
Năm 2019, hàng loạt những startup 4.0 lộ ra yếu điểm và phá sản. Tiến trình chuyển đổi số đột ngột chững lại.
Để tiếp tục chuyển đổi số, thế giới cần thêm một cú huých nữa, một cú huých mạnh mẽ tương đương khủng hoảng kép nhiều về năm trước. Và đó là:
Cột mốc Covid-19
Cú huých Covid-19 có tác động sâu sắc và diễn ra một cách rất thúc ép. Việc hạn chế tiếp xúc xã hội khiến sự chuyển dịch số diễn ra mạnh mẽ trong các mọi người tương tác, giải trí, học tập, và thanh toán. Khủng hoảng kinh tế đi kèm đại dịch khiến các doanh nghiệp phải chú trọng nhiều hơn tới Big data và phân tích dữ liệu nếu muốn tồn tại.
Chuyển đổi trong giao tiếp công sở: Làm việc từ xa là sự lựa chọn duy nhất trong đại dịch. Không chỉ vậy, 40% công ty nói rằng họ vẫn muốn để nhân viên làm việc kết hợp (cả từ xa lẫn tại văn phòng) sau khi đại dịch. Mô hình làm tự do cũng lên ngôi, theo Upwork, khoảng 2 triệu người Mỹ đã chuyển sang làm tự do trong năm 2020.
Chuyển đổi trong học trực tuyến: Năm 2020 là năm bùng nổ của các khoá học trực tuyến. Các nền tảng học trực tuyến lớn nhất như Coursera, edX, Udacity, Future-learn, v.v.. có thêm 60 triệu lượt đăng ký mới, nâng tổng số tài khoản học trực tuyến toàn cầu (trừ Trung Quốc) lên con số 180 triệu.
Chuyển đổi trong mua sắm & giải trí trực tuyến: Theo Nielsen, năm 2020, Việt Nam có lượng người mua sắm trực tuyến tăng lên 25%, đặc biệt trong đó 44% nói rằng họ sẽ chỉ mua hàng online kể cả khi Covid-19 kết thúc.
Theo báo cáo của Google, lượng người trực tiếp tới nhà hàng, cafe, và rạp chiếu phim giảm 52%, thay vào đó các hình thức giải trí số như mạng xã hội, Netflix, game và các nền tảng stream game tăng trưởng đột biến.
Chuyển đổi trong giao dịch không tiền mặt: Khi tiền mặt và thẻ ngân hàng có thể là phương tiện lây truyền virus, thì các phương thức thanh toán không tiếp xúc là giải pháp: ví điện tử, ngân hàng số, Samsung Pay, Apple Pay, v.v... bùng nổ.
Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trong 2020, giao dịch di động tăng 125% về số lượng và 130% về giá trị. Đặc biệt, lượng người dùng của ví điện tử MOMO đã tăng gấp đôi - từ 10 triệu lên 20 triệu, chỉ sau 1 năm.
Cuộc “di cư” số & Khoa học dữ liệu: Trong xu hướng số hoá mọi mặt của cuộc sống, các doanh nghiệp cũng chịu chi nhiều hơn cho những giải pháp thông minh, cho tự động hoá quy trình, phân tích dữ liệu lớn, và “di cư” dữ liệu lên các đám mây trực tuyến.
Không chỉ vậy, tư duy của doanh nghiệp đã thay đổi hoàn toàn: Năm 2017, 50% doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi số là để giảm chi phí vận hành. Trong đại dịch, gần 70% cho rằng chuyển đổi số để tạo ra giá trị cạnh tranh.
Có thể thấy Covid-19 là một cột mốc quan trọng của chuyển đổi số. Ngay trước đại dịch, mọi người thường nói tới những câu chuyện như “làm việc từ xa”, “học trực tuyến”, “ngân hàng số” ở thì tương lai xa xăm. Nhưng khi Covid xảy đến, rất nhanh chóng, những thứ tương lai này bỗng chốc trở thành những điều “bình thường mới”. Cũng giống như mọi biến cố lớn khác, Covid-19, bên cạnh những khía cạnh đau buồn và tiêu cực, thì cũng thúc đẩy mọi sự tiến bộ đi nhanh hơn.
Có thể bạn quan tâm