Năng lực lãnh đạo trong chuyển đổi số: Bài 2 - Tư duy hệ thống và tầm nhìn chiến lược
Lãnh đạo với tầm nhìn chiến lược, với năng lực thấu hiểu, đoán biết nhu cầu và khát khao chinh phục thị trường của mình sẽ có động lực quyết liệt hơn cho việc đầu tư và thực thi chuyển đổi số.
Tư duy hệ thống, đó là sự thấu hiểu tổng thể và sâu sắc đối với quy trình làm việc của công ty và tư duy, kỹ năng sắp xếp các quy trình để có được sự gắn kết, hỗ trợ và bổ sung cho nhau trong cả quá trình vận hành doanh nghiệp.
Với mỗi yêu cầu đòi hỏi của công việc chuyên môn, các phòng ban nghiệp vụ và mỗi cá nhân có xu hướng làm việc theo ý mình, cho sự tiện lợi của riêng mình mà không quan tâm đến công việc của người khác.
Sự chuyên biệt này có thể hữu hiệu trong phạm vi công việc đặc thù nhưng có thể tạo thêm việc hoặc thiếu sự chia sẻ với đồng nghiệp ở các mảng khác nhau. Tư duy hệ thống giúp lãnh đạo nhìn nhận những giao điểm và sự kết nối tại các giao điểm này giữa các phòng ban trong công ty và sắp xếp để tạo ra sự liên kết hiệu quả nhất.
Tư duy hệ thống cũng giúp lãnh đạo doanh nghiệp định hình và tổ chức workflow (luồng công việc) trong công ty được khoa học, tinh gọn và giảm thiểu các xung đột, loại bỏ các điểm “thắt cổ chai”. Sự liên kết có hệ thống của các luồng công việc cho phép doanh nghiệp tối ưu được nguồn lực, thời gian, kinh phí và nhân lực.
Không có chương trình máy tính nào được xây dựng mà không dựa trên một hệ thống quy trình cụ thể. Chuyển đổi số và tự động hóa hoạt động của doanh nghiệp đòi hỏi tổ chức phải có hệ thống quy trình làm việc tối ưu. Hệ thống quy trình làm việc tối ưu phải được xây dựng và dẫn dắt từ tư duy hệ thống của lãnh đạo doanh nghiệp.
Chuyển đổi số không chỉ giải quyết các vấn đề tức thời của doanh nghiệp, đây còn là chiến lược để thay đổi mô hình kinh doanh, thích ứng, đón đầu và thậm chí là tạo ra cách làm mới cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo với tầm nhìn chiến lược, với năng lực thấu hiểu, đoán biết nhu cầu và khát khao chinh phục thị trường của mình sẽ có động lực quyết liệt hơn cho việc đầu tư và thực thi chuyển đổi số.
Thực tế những năm gần đây cho thấy sự dịch chuyển mạnh mẽ trong nhu cầu của khách hàng về sản phẩm và phong cách phục vụ. Càng ngày khách hàng càng đòi hỏi cao hơn về tốc độ, chất lượng, sự tận tâm, sự minh bạch trong sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, các mong đợi và đòi hỏi từ phía cổ đông cũng cao hơn ở hiệu quả quản trị, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, hiệu quả kinh doanh và mở rộng thị trường. Để thỏa mãn được cả 2 yêu cầu này, con đường khả thi nhất là ứng dụng công nghệ để chuyển đổi phương thức quản lý, mô hình kinh doanh.
Tất cả những điều này đều cần một tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo để định hướng và dẫn dắt đội ngũ của mình. Thiếu tầm nhìn chiến lược, công cuộc chuyển đổi số nếu thành công cũng chỉ dừng ở bước số hóa ở một vài khâu, vài quy trình hoặc ứng dụng được công nghệ để giải quyết một số nhu cầu tức thời của doanh nghiệp mà không tạo ra được nhiều sự khác biệt so với trước khi chuyển đổi.
(Còn nữa)
Có thể bạn quan tâm
Năng lực lãnh đạo trong chuyển đổi số: Bài 1 - Nhận thức về chuyển đổi số
05:00, 10/06/2021
Chuyển đổi số ngân hàng: Khi nào hết “nửa chừng xuân”?
14:00, 30/05/2021
Đâu là mô hình chuyển đổi số hiệu quả nhất?
11:00, 30/05/2021
Chuyển đổi số - doanh nghiệp cần chú trọng những gì?
01:44, 28/05/2021
Nền kinh tế trong thời kỳ COVID-19: Quan điểm pháp lý về việc tăng tốc chuyển đổi số
09:21, 26/05/2021
Chuyển đổi số giúp thương hiệu thời trang Việt tồn tại giữa đại dịch COVID-19
04:00, 15/05/2021