Các nhà tiếp thị trong "vòng vây" của Apple
Với hơn 1 tỷ iPhone đang hoạt động, nhất cử nhất động của Apple đều khiến dân tiếp thị phải đứng ngồi không yên.
Sự kiện WWDC hằng năm của Apple đã kết thúc. Và như thường lệ, người ta được biết thêm về những cải tiến mới trong phần mềm, mà một trong số đó là iOS đời mới và cách mà nó sẽ tiếp tục hạn chế khả năng theo dõi người dùng của các ứng dụng.
Lấy ứng dụng Mail làm ví dụ, giờ đây dữ liệu thu thập về tỉ lệ mở thư điện tử của người dùng sẽ bị tác động không nhỏ. Các nhà tiếp thị qua thư điện tử giờ sẽ không còn biết được bao nhiêu phần trăm thư của mình có được đọc, hay bị xóa ngay vào thùng rác. Từ đó họ chỉ biết gửi thư đi mà không có được thông tin phản hồi, không biết được phản ứng của các đối tượng khách hàng tiềm năng.
Và trong khi các nhà tiếp thị qua thư điện tử ở khắp mọi nơi đều mau mắn “than trời” với bản cập nhật này (gần 50% thị trường ứng dụng email chạy trên iPhone), thực tế thì những thay đổi này chỉ thực sự ảnh hưởng đến ứng dụng Mail, tức là khoảng 13% tổng thị trường, theo số liệu của Litmus.
“Ngày tận thế” chưa tới, nhưng các vết nứt đang bắt đầu lộ ra và các nhà tiếp thị sẽ cần phải thích nghi với một thế giới mới, nơi mà quyền riêng tư của người dùng thông qua các động thái mạnh mẽ của Apple trở nên quan trọng hơn cả.
Quan điểm của Apple về quyền riêng tư từ trước đến nay vẫn rất rõ ràng: ngăn chặn các công ty khác (ngoại trừ chính họ) theo dõi và thu thập dữ liệu từ người dùng. Apple nói rằng không ai nên biết người dùng đang đọc gì trên iPhone, nhưng đồng thời lại học hỏi hành vi lắng nghe của người dùng để cung cấp các đề xuất Podcast được cá nhân hóa, cũng như giao dữ liệu đó cho các đối tác thứ ba. Có quá nhiều mâu thuẫn trong cách hành xử “bất nhất” của Apple.
Cũng trong sự kiện, Apple công bố khả năng chạy thử nghiệm trong App Store để giúp các nhà phát triển xác định thông điệp tối ưu và các tính năng nổi bật để quảng cáo ứng dụng tốt hơn. Tất nhiên, những gì có thể được kiểm tra bị hạn chế đáng kể, nhưng điều đó lại phản ánh một sự thật hiển nhiên - Apple muốn nắm trong tay dữ liệu về trải nghiệm người dùng trên mọi khía cạnh.
Các đối tác bên ngoài sẽ dần bị loại bỏ khi Apple tiếp tục phát triển sang các lĩnh vực kinh doanh mới như quảng cáo, giải trí trực tuyến và thậm chí cả tìm kiếm. Đầu tiên là Facebook, Twitter và các mạng xã hội, bây giờ là cả các nhà tiếp thị bình thường cũng bị Apple “chặn” mất đường sống.
Dĩ nhiên, Apple vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ. Tuần này, cơ quan cạnh tranh của EU thông báo sẽ buộc Apple phải cho phép một cửa hàng ứng dụng thứ hai trên nền tảng của họ để giảm bớt sự thống trị trên thị trường. Facebook cũng thông báo rằng họ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ kiếm tiền bên ngoài ứng dụng để thoát khỏi mức hoa hồng 30% của Apple.
Cả hai động thái này thực sự đã làm nổi bật vấn đề về sự thống trị của nền tảng iOS. Một khi một công ty kiểm soát phần cứng, hệ điều hành và thị trường, sự đổi mới sẽ đến ít hơn, các công ty khởi nghiệp cũng không còn mặn mà - người thiệt thòi nhất suy cho cùng vẫn là người dùng.
Có thể bạn quan tâm