Singapore Airlines "đón lõng" sự hồi phục hàng không Đông Nam Á

QUÂN BẢO 30/06/2021 04:08

Thương hiệu con, giá rẻ Scoot của Singapore Airlines đã ra mắt đội máy bay Airbus A321neo đời mới, nhằm nhanh tay chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, Thái Lan và Philipines, đón đầu hồi phục sau dịch.

Đội máy bay đời mới này sẽ cất cánh từ thứ 2 tuần tới, bắt đầu từ chặng Singapore - Băng-cốc. Sau đó sẽ là bay tới Thành phố Hồ Chí Minh và Cebu (Philipines), dự định vào tháng 8 tới.

Đây là nỗ lực nhằm định vị thương hiệu cho làn sóng phục hồi sau dịch tại thị trường du lịch châu Á của Scoot. Vào năm 2019, Scoot đã từng cam kết làm mới đội bay của mình với các máy bay phản lực. Tuy nhiên dịch bệnh đã khiến ngành hàng không và du lịch thế giới trải qua quãng thời gian cực kỳ ảm đạm. May mắn thay, vì những chiến dịch tiêm chủng vắc-xin, thị trường hàng không đã có dấu hiệu khởi sắc.

Vậy nên Scoot đã kích hoạt các kế hoạch chuẩn bị cho sự phục hồi này tại thị trường Đông Nam Á cũng như các khu vực khác. Hiện tại, đội bay của Scoot có 16 chiếc Airbus, trong đó họ mua 6 chiếc và đang thuê 10 chiếc.

Theo thông tin, máy bay Airbus A321neo sẽ tiết kiệm đến 12% nhiên liệu, cho phép tăng phạm vi chuyến bay lên đến 6 giờ đồng hồ, đồng thời cũng trang bị thêm 50 chỗ so với máy bay A320neo mà Scoot đã sử dụng.

CEO Campbell Wilson của Scoot cho biết công ty của ông rất lưu tâm đến những chi phí cắt giảm trong thời điểm này. Bởi hiện tại ngành hàng không và du lịch thế giới chưa thể phục hồi trên diện rộng, do đó họ chỉ mới có thể khai thác chặng bay trong khu vực. Đầu tiên là Philippines và Việt Nam, sau đó dựa theo tình hình để mở rộng thêm.

Nếu như ở Hoa Kỳ, việc tiêm chủng mở rộng giúp hàng không khôi phục, thì ở thị trường châu Á, việc phục hồi không đồng đều giữa các lãnh thổ và quốc gia khiến hàng không vẫn còn đang lao đao.

Chẳng hạn công ty mẹ Singapore Airlines đã báo cáo khoản lỗ ròng kỷ lục 3.2 tỷ USD của năm 2020 vào tháng 3/2021. Vietnam Airlines ngấp nghé bờ vực phá sản. Hoặc Thai Airlines International cũng phải tiến hành tái cấu trúc năm ngoái, với khoản nợ phải trả vượt quá số tài sản 4.1 tỷ USD. Còn AirAsia Group, đối thủ của Scoot có trụ sở tại Malaysia, dự kiến mất khoảng 2 năm để bình thường hóa.

Các hãng hàng không luôn phải gánh chi phí cố định cao, bao gồm nhân công và phí thuê máy bay. Khi việc kinh doanh bị đình trệ do dịch, họ phải vay lãi để đảm bảo hoạt động.

Cũng giống nhiều hãng hàng không khác, trong đó có Vietnam Airlines, Scoot đã tìm được đường sinh tồn bằng việc xoay trục sang kinh doanh chuyên chở hàng hóa. Hãng này cũng cấu trúc lại khoang hành khách, cắt bớt ghế hành khách để dành không gian cho hàng hóa. Họ đã thực hiện hơn 1000 chuyến bay như vậy trong 15 tháng qua, đem về khoảng 20% tổng thu nhập.

Vậy nên khi hàng không ở những thị trường khác đang dần ổn định, ít nhất Scoot vẫn có chút nền tảng tài chính để làm mới đội bay của mình. Có vẻ như những Vietnam Airlines, Vietjet của Việt Nam trong khi vẫn còn đang gồng mình trong khó khăn vì dịch thì đã nhìn thấy một đối thủ khó chịu nhăm nhe đe dọa thị phần đứng trước cửa nhà mình.

Có thể bạn quan tâm

  • Singapore Airlines: Biến máy bay thành nhà hàng, thực khách đặt kín bàn

    Singapore Airlines: Biến máy bay thành nhà hàng, thực khách đặt kín bàn

    06:28, 13/10/2020

QUÂN BẢO