Bài học kinh doanh từ các bộ phim "bom tấn" (Kỳ3): “Quỷ sứ vận đồ Prada”
“Quỷ sứ” trong tựa đề bộ phim này là Miranda Priestly, tổng biên tập ‘khét tiếng’ của một tạp chí thời trang. Nhưng dưới góc độ lãnh đạo, bà có phải là một “quỷ sứ”?
Thực sự, Miranda Priestly có thể không phải là là một người sếp thân thiện, nhưng chắc chắn là một người sếp không hề tồi.
“Quỷ sứ vận đồ Prada” là một bộ phim nổi tiếng dựng theo cuốn tiểu thuyết cùng tên về hai nhân vật Miranda Priestly và Andy Sachs. Miranda là tổng biên tập tạp chí thời trang hàng đầu Runway và là một người khó tính có tiếng. Còn Andy là tay mơ về thời trang, phỏng vấn vị trí trợ lý của Miranda. Như mọi cốt truyện quen thuộc, Andy được nhận vào làm. Sau những khởi đầu chật vật, Andy dần quen và làm việc ổn với văn hóa ngành thời trang.
Có thể câu chuyện xoay quanh nhân vật Andy, thế nhưng Miranda vẫn có sức hấp dẫn cực độ đối với người xem bởi sự cầu toàn, khó tính của mình. Nhưng có lẽ vì vậy Miranda mới có thể dẫn đầu ngành công nghiệp tỷ đô này.
Bà tạo dựng nên một tập đoàn có một văn hóa rất rõ ràng: Chỉn chu đến từng chi tiết; Làm (đừng nói suông); Công việc là trên hết; và cuối cùng, mọi nhân viên đều phải trông “trai xinh, gái đẹp”.
Nếu ai không thích, xin mời sang công ty khác.
Miranda không dễ chịu. Nhưng công việc của bà là điều hành một tập đoàn tỷ đô, đầy tính chính trị và cạnh tranh. Và bà làm tốt công việc của mình, không cần nhân viên phải yêu quý.
Và đây là 3 bài học lãnh đạo thú vị nhất đến từ Miranda
Cầu toàn không sai
Miranda luôn yêu cầu mọi nhân viên làm việc hết sức có thể, vì bà biết mình muốn gì và không e ngại bày tỏ sự thất vọng nếu nhân viên làm không tốt. Nhiều người có thể không tán thành, bởi họ nghĩ trong công việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ và hoàn thành đúng như mong đợi.
Tuy nhiên cách nghĩ của Miranda lại không như vậy. Trong một khoảnh khắc quyết liệt nào đó, Miranda đã khiến Andy phải bật khóc. Dù nhiệm vụ Miranda giao cho Andy là bất khả thi, nhưng đó là trách nhiệm của Andy. Và khi Andy không hoàn thành, Miranda có quyền lên tiếng chê trách. Tuy nhiên (vì là phim nên…) sau đó Andy đã hoàn thành được, thậm chí tốt hơn cả mong đợi.
Ở đây Miranda cho thấy rằng một người lãnh đạo phải biết cách yêu cầu nhân viên chịu trách nhiệm và hoàn thành công việc. Trong suốt sự nghiệp, chắc chắn sẽ có lúc những người lãnh đạo phải thất vọng vì hiệu quả công việc của nhân viên. Tuy nhiên người lãnh đạo cần biết cách kích thích nhân viên để giúp họ đạt nhiều thành tựu hơn. Và khi nhân viên đạt thành tựu, thì chính lãnh đạo cũng sẽ đảm bảo được thành công của mình.
Biết nghĩ cho nhân viên thì họ sẽ nghĩ lại cho mình; nếu “lạm dụng” quá mức, họ sẽ rời đi
Công ty có tỷ lệ nghỉ việc thấp nhất là công ty khiến nhân viên hài lòng nhất. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào cách người lãnh đạo sử dụng các cách thức khen thưởng tích cực thay vì suốt ngày gây áp lực. Tờ Wall Street chỉ ra rằng nếu không muốn nhân viên nghỉ việc nhiều, thì doanh nghiệp cần phải xây dựng một môi trường lành mạnh. Một người sếp tốt phải là người biết quan tâm đến nhân viên và xem họ là một phần có giá trị của doanh nghiệp.
Tuy nhiên Miranda đã thất bại ở điểm này. Cô luôn khiến nhân viên sợ hãi và tạo ra một bầu không khí độc hại ở nơi làm việc. Có lẽ Miranda thích không khí này, nhưng chắc chắn chẳng có nhân viên nào thích cả.
Vì vậy không khó hiểu khi nhân viên tại đây nghỉ việc thường xuyên. Miranda quá nghiêm khắc, quá khắc nghiệt, đến nỗi nhiều người cảm thấy căng thẳng và từ bỏ. Ai sẽ chịu được một người chủ chỉ biết gây áp lực mà không biết đưa ra những chính sách động viên để nhân viên hoàn thành tốt công việc?
Lời nói quyền lực luôn nhẹ nhàng
Trong phim, không có lần nào Miranda phải to tiếng cả. Vì hễ mỗi khi cô cất giọng, mọi người phải tập trung chú ý và lắng nghe từng từ. Đó chính là tầm ảnh hưởng của người đứng đầu.
Miranda nói nhỏ, nhẹ nhàng vì bà biết tất cả sẽ phải lắng nghe mình. Dù rằng có thể Miranda biết đây có thể chỉ vì nhân viên ai cũng sợ bà. Thế nhưng ít nhất cách này hiệu quả.
Ở ngoài đời cũng như vậy. Khi một người bắt đầu to tiếng thì âm lượng ấy sẽ ngăn cản thông điệp họ muốn truyền tải. Vậy nên khi nói, người chủ cần bình tĩnh và nhẹ nhàng. Như vậy nhiều người sẽ lắng nghe hơn. Và những lãnh đạo nói nhỏ nhẹ lại là những người được tôn trọng nhất.
Có thể bạn quan tâm