Doanh nghiệp trực tuyến lại “xuống đường”
Xu hướng bán hàng liên kênh (omnichanel) lên ngôi khiến nhiều doanh nghiệp bán hàng trực tuyến sừng sỏ cũng phải “xuống đường” mở cửa hàng thực địa.
>>Bán hàng trực tuyến có làm suy vong chuỗi cửa hàng bán lẻ?
Cửa hàng mới ở Los Angeles của Glossier là một thiên đường được trang trí bằng đá cẩm thạch màu hồng - một không gian chắc chắn sẽ được giới trẻ yêu thích và “sống ảo” trên Instagram và TikTok. Câu hỏi ở đây là tại sao thương hiệu làm đẹp này lại mở cửa hàng trở lại sau khi đã đóng cửa tất cả để bán hàng trực tuyến?
Câu trả lời nằm ở trải nghiệm khách hàng. Doanh số bán hàng trực tuyến tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 39% vào quý 1 năm 2021, theo Digital Commerce 360. Nhưng một số công ty “trùm” thương mại điện tử như Allbirds hay Warby Parker lại thấy rằng việc mở cửa hàng thực địa sẽ thúc đẩy thêm doanh thu.
“Người tiêu dùng không muốn đến các cửa hàng chỉ để mua sắm - họ khao khát có được những trải nghiệm ý nghĩa và đáng nhớ mà mua sắm trực tuyến không có”, Kristy Maynes, giám đốc bán lẻ của Glossier, nói với tờ The Hustle.
Địa điểm mới ở Seattle của Glossier đã thu hút hơn 35.000 khách hàng trong 2 tháng đầu tiên. Phong cách kiến trúc ở đây cũng là tâm điểm của các bài đăng trên Instagram. Cửa hàng mới nhất tại Los Angeles hứa hẹn tiếp tục là điểm đến của giới trẻ với đài phun nước hình quả cầu mạ crôm cùng một con đường được trang trí đẹp mắt.
>>9 chiêu tăng doanh số bán hàng trực tuyến
Khách hàng giờ đây không chỉ quan tâm tới sản phẩm đơn thuần, mà còn muốn trải nghiệm ý nghĩa và trải dài trên nhiều kênh, kể cả mua sắm tại cửa hàng hay qua mạng. Đối với Glossier, điều đó có nghĩa là khách hàng trông đợi nhiều hơn ở mọi khía cạnh mua hàng như dùng thử mẫu tại cửa hàng, đưa ra quyết định mua hàng trực tuyến, sau đó quay lại lấy hàng và uống cà phê, hoặc nghiên cứu sản phẩm trên website, sau đó thử nghiệm và mua chúng tại cửa hàng.
Nhóm khách hàng như vậy đã chi tiêu nhiều hơn 1,5 lần tại Allbirds, cho thấy đây là nhóm tiềm năng mà các công ty cần lưu tâm.
Tình hình cũng tương tự ở Việt Nam. Theo nghiên cứu của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), xu hướng bán hàng liên kênh (omnichanel) sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Công ty này cũng dự báo thương mại điện tử sẽ không thay thế các cửa hàng vật lý. Các cửa hàng không còn là một địa điểm chỉ để trưng bày các mặt hàng, mà có vai trò trong tích hợp vào quy trình mua hàng trực tuyến khi xu hướng hướng mô hình trực tuyến - hợp nhất - ngoại tuyến (OMO) sẽ tiếp tục phát triển. Thành thử, các thương hiệu sẽ tiếp tục con đường mở cửa hàng thực địa, ngay giữa thời đại 4.0.
Có thể bạn quan tâm