Âm nhạc - vũ khí marketing của hãng bay
Vietnam Airlines vừa hợp tác với SpaceSpeakers Group, quyết tâm trẻ hóa bằng âm nhạc. Trên thế giới, từ lâu, âm nhạc đã là một vũ khí marketing đáng chú ý cho các hãng hàng không.
>>Vietnam Airlines "lấn sân" thương mại điện tử
Mới đây, Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng thỏa thuận với công ty giải trí SpaceSpeaker Group - nơi quy tụ nhiều gương mặt nổi tiếng của giới giải trí Việt Nam như Soobin, Touliver, Binz, Rhymastic, v.v..
Theo bản ký kết, SpaceSpeaker sẽ là cố vấn âm nhạc cho Vietnam Airlines. Cụ thể hơn, SpaceSpeaker sẽ sản xuất bài hát chủ đề và tư vấn chiến lược sử dụng âm nhạc trong marketing và làm thương hiệu (branding) cho Vietnam Airlines. Còn Vietnam Airlines sẽ trình chiếu những sản phẩm âm nhạc của SpaceSpeaker trên đội tàu bay của mình.
Theo chia sẻ của đại diện Vietnam Airlines, đây là lần đầu tiên công ty này chính thức bắt tay với một đơn vị trong ngành giải trí. Mục đích của Vietnam Airlines là trẻ hóa thương hiệu, đem đến những trải nghiệm hiện đại hơn cũng như lan tỏa văn hóa đến khách hàng. Trước đó, Vietnam Airlines cũng từng trình chiếu MV Nàng thơ xứ Huế do Hồ Hoài Anh sáng tác và Thùy Chi trình bày trên các chuyến bay của mình để giới thiệu nét đẹp xứ Huế.
Việc sử dụng âm nhạc để làm marketing - branding không còn là chuyện xa lạ. Đối với các hãng bay, âm nhạc không chỉ để làm thương hiệu, mà còn là một trong những thành phần cực kỳ quan trọng trong trải nghiệm khách hàng.
>>Singapore Airlines: Biến máy bay thành nhà hàng, thực khách đặt kín bàn
Đơn cử, Singapore Airlines vừa nâng “âm nhạc thương hiệu” lên một tầm cao mới khi ra mắt Bản giao hưởng Batik. Đây là những giai điệu lấy cảm hứng từ các loại hoa có nguồn gốc từ Singapore và nghề nhuộm vải batik thủ công truyền thống - loại vải tạo nên trang phục sarong kebaya truyền thống của phi hành đoàn.
Bản giao hưởng Batik gồm những bản nhạc nhỏ hơn, chia ra làm bài hát khi cất cánh, bài hát khi hạ cánh và bài hát trong phòng chờ.
Đại diện Singapore Airlines chia sẻ rằng họ dùng di sản của Singapore để làm nguồn cảm hứng trong quá trình khám phá âm nhạc. Những nhà soạn nhạc sáng tác giai điệu này đều có biệt tài nhìn màu sắc nghe ra âm thanh. Điều này để đảm bảo rằng mỗi khi khách hàng nghe nhạc, họ đều cảm thấy thoải mái và mường tượng ra một Singapore độc đáo.
Hoặc chẳng hạn hãng bay Qantas của Úc đã quyết định phát hành những bản nhạc nền của mình lên Spotify hoặc Apple Music. Đây đều là những giai điệu được sáng tác rất chỉn chu, phù hợp với mục đích, giúp khách hàng xoa dịu, khai thác cảm xúc và kết nối với thương hiệu. Giám đốc Trải nghiệm Khách hàng Stephanie Tully của Qantas cho biết Qantas làm như vậy như một cách đồng hành cùng khách hàng - những người đã không thể bay trong gần hai năm qua.
Hay ví dụ như hãng bay United Airlines. Bài hát chủ đề kinh điển mà họ đã sử dụng trong nhiều thập kỷ là Rhapsody In Blue của George Gershwin. Bài hát ghi dấu ấn rất sâu đậm trong tâm trí khách hàng của hãng này. Tuy nhiên đến giữa năm nay, hãng đã quyết định đổi nhạc chủ đề trên một số chuyến bay nhất định để “cải thiện không khí trên máy bay và nâng tầm trải nghiệm khách hàng”. Đại diện United Airlines cho biết họ sẽ định kỳ cập nhật nhạc hai tháng một lần.
Với những ví dụ trên đây, có thể thấy âm nhạc từ lâu đã trở thành một yếu tố rất được các hãng hàng không chú ý. Tại Việt Nam, các hãng bay có vẻ chưa sử dụng vũ khí marketing này nhiều. Ngoài dự án lần này của Vietnam Airlines, có thể kể đến Vietjet Air cũng dùng bài hát “Xin chào Việt Nam” (Hello Vietnam) để làm thương hiệu.
Tuy nhiên ngoài “Xin chào Việt Nam”, thì vẫn chưa có một chương trình âm nhạc marketing nào thật sự nổi bật từ các hãng hàng không Việt Nam. Hay nói cách khác, các hãng hàng không chưa để tâm nhiều đến mảng âm nhạc. Vậy nên với sự hợp tác mới mẻ với SpaceSpeaker, hãy chờ xem Vietnam Airlines sẽ trẻ hóa như thế nào.
Có thể bạn quan tâm