“Lấy nông thôn vây thành thị” nhìn từ Shopee (Phần 2)
Khi thị trường TMĐT Mỹ và Trung Quốc đã định hình, chiến trường bây giờ nằm ở các nước “thứ 3”. Shopee đang nhanh chân đánh chiếm những nơi này.
>>“Lấy nông thôn vây thành thị” nhìn từ Shopee (Phần 1)
Khởi đầu trơn tru ở
Mỹ Latinh và châu Âu
Thị trường Đông Nam Á và Mỹ Latinh có nhiều điểm chung. Cả hai đều có nhiều nền kinh tế đang phát triển như Indonesia, Brazil, Việt Nam, hay Argentina; dân số trẻ và tỷ lệ sử dụng internet cao.
Với dân số hơn 212 triệu người, Brazil là nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh. Quốc gia này nhắm giữ gần 50% tổng lượng đầu tư công nghệ vào khu vực từ 2017 đến 2021. Chính vì vậy các nền tảng TMĐT ở Brazil cũng phát triển nhanh những năm gần đây. Theo thống kê, TMĐT Brazil có giá trị ước tính 22,8 tỷ USD năm 2019 và kỳ vọng tăng 9,3% năm 2023.
Tính đến bây giờ, Shopee hoạt động ở Brazil được hai năm và trở thành ứng dụng mua sắm được tải về nhiều nhất và được sử dụng nhiều nhất năm 2021, soán ngôi của ứng dụng Mercado Libre thành lập năm 1999 từ Argentina. Shopee Brazil chiếm khoảng 5.3% tổng lượng hàng hóa của Shopee, theo số liệu từ hãng nghiên cứu YipitData.
Không chỉ vậy, dữ liệu từ App Annie cho thấy Shopee cũng nhận được chú ý từ các nước Mỹ Latinh khác, trở thành ứng dụng mua sắm di động được tải về nhiều nhất Mexico, Chile và Colombia tính đến ngày 11/1.
Ở châu Âu Shopee hoạt động cũng khá ổn định. Họ trở thành ứng dụng mua sắm hàng đầu Ba Lan và Tây Ban Nha, cạnh tranh trực tiếp với những sàn khác như Allegro hay Lidl Plus.
Pháp là thị trường đông đúc nhất châu Âu. Nhiều công ty TMĐT như Amazon và AliExpress chiếm thị phần lớn tại đây. Tuy nhiên Shopee cũng không chịu thua kém khi nằm trong top 8 ứng dụng mua sắm phổ biến nhất nước Pháp.
Ấn phẩm năm 2020 của “The Forrester Readiness Index: eCommerce” chỉ ra rằng Brazil và Ấn Độ đều có tiềm năng bán lẻ rất lớn, cũng như là hai nền kinh tế triển vọng hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, chuyên gia phân tích Xiaofeng Wang của công ty Forrester nhận xét Shopee đã đúng khi mở rộng sang Mỹ Latinh và Ấn Độ. Ở châu Âu, thứ tự ra mắt của Shopee cũng rất phù hợp: bắt đầu từ Ba Lan, sau đó là Tây Ban Nha và Pháp - thị trường khó tính nhất trong khu vực.
Ông Wang cũng nhấn mạnh rằng thành công của các công ty đa quốc gia không phải chỉ đơn giản là bê nguyên mô hình từ thị trường này sang thị trường khác. Quan trọng là phải biết bản địa hóa, khiến nó phù hợp với cư dân của thị trường mới. Chẳng hạn sale lớn vào 11/11 và 12/12 rất phổ biến ở châu Á, nhưng ở các lục địa khác thì không hẳn. Do đó, có nhiều thứ phải điều chỉnh, từ sản phẩm cho đến thời gian khuyến mãi.
Vượt khó ở
Ấn Độ
Hành trình của Shopee ở Ấn Độ không dễ thở như các thị trường khác. Một tháng sau khi tiến vào Ấn Độ, Shopee đã gặp phải thử thách đầu tiên khi Liên đoàn Thương nhân Ấn Độ kêu gọi Bộ Tài Chính cấm cửa công ty này.
Luận điểm chính của tổ chức này là Shopee có “nguồn gốc Trung Quốc”. Người sáng lập Sea Group, công ty mẹ của Shopee, là ông Forrest Li, một người lớn lên tại Singapore nhưng sinh ở Thiên Tân, Trung Quốc. Tập đoàn Tencent (Trung Quốc) cũng nắm giữ 18,7% cổ phần. Như vậy, nếu một công ty “nguồn gốc Trung Quốc” vào thị trường Ấn Độ sẽ vi phạm Thông Cáo Báo Chí FDI năm 2020. Văn bản này nêu rõ các khoản đầu tư từ những quốc gia có chung biên giới với Ấn Độ chỉ có thể thông qua chính phủ.
Ngoài ra, Shopee cũng bị cáo buộc sử dụng “chiến lược định giá trước” để cạnh tranh không công bằng.
Mặc dù vậy, Ấn Độ vẫn là một thị trường hấp dẫn, độ bao phủ TMĐT chưa cao. Tức là còn nhiều tiềm năng để Shopee khai thác. Tuy nhiên trước Shopee đã có một số nền tảng khác như Flipkart, Snapdeal hay Amazon.
Nhưng chính Amazon cũng gặp rắc rối tại thị trường Ấn Độ từ năm ngoái. Các bên cáo buộc Amazon thực hiện có hệ thống các chiến dịch đạo nhái sản phẩm và thao túng kết quả tìm kiếm để thúc đẩy sản phẩm của mình tại Ấn Độ. Cơ quan chống độc quyền của Ấn Độ cũng đang điều tra Amazon về các hành vi chống cạnh tranh.
>>Tham vọng phía sau kế hoạch đốt tiền của Shopee
Nhà phân tích Kristine Lau của Third Bridge cho biết vì Shopee tập trung vào thời trang và những mặt hàng giá thấp, do đó không thể so sánh trực tiếp với Amazon. Tuy nhiên động lực từ sự thống trị của Amazon và Flipkart ở Ấn Độ, cũng như sự thành công ở các thị trường khác, có thể giúp Shopee quyết tâm hơn ở thị trường này.
Nhìn chung, các chiến lược của Shopee khi khai phá thị trường mới đều khá nhất quán. Họ sẽ bắt đầu với những những sản phẩm ít phổ biến và giá rẻ, chẳng hạn phụ kiện điện tử, để có chỗ đứng nhất định. Từ đó thiết lập nền tảng người dùng trước khi chính thức ra mắt các nhà bán địa phương, nâng mức độ cao cấp của hàng hóa và cuối cùng trở thành nền tảng chính thống.
Quy trình này hoạt động rất hiệu quả ở Đông Nam Á vì các quốc gia có nhiều điểm chung về văn hóa lẫn kinh tế. Tuy nhiên Ấn Độ và Pháp lại khác hoàn toàn, vậy nên Shopee không thể áp dụng quy trình tương tự.
Những chiến lược của Shopee ở Đông Nam Á cho thấy họ không ngại đốt tiền để gầy dựng danh tiếng. Năm 2021 Sea Group rót 6 tỷ USD, do đó Shopee vẫn sẽ tiếp tục mở rộng đến các thị trường khác mà không cần bận tâm quá nhiều về việc kiếm lại lợi nhuận nhanh chóng.
Tuy nhiên marketing liều lĩnh không phải là giải pháp kinh doanh bền vững, đặc biệt với những thị trường quy định ngặt nghèo. Do đó Shopee cần làm nhiều hơn để chứng minh mình có thể bắt kịp và cạnh tranh với những đơn vị khác đã có sẵn tại các thị trường mới.
Có thể bạn quan tâm