Hãng bia Nhật Sapporo làm… quần bò để bảo vệ môi trường
Hãng bia Nhật Sapporo Breweries tận dụng những chất thải từ quá trình làm bia để sản xuất những chiếc quần jean. Một xu hướng “bảo vệ môi trường” đang lên.
>>Nghệ nhân Nguyễn Văn Cường chia sẻ về loại bia cho người "sành"
Những chiếc quần này của Sapporo có thương hiệu Black Label Malt & Hop JEANS, được tạo thành từ nguyên liệu bỏ đi trong quá trình chế biến bia Black Label của họ, bao gồm malt lees (phần hỗn hợp được tạo ra sau khi cho các hạt ngũ cốc ươm mầm làm thành bia), lá và thân hoa bia. Họ hợp tác cùng Shima Denim Works, một công ty chuyên sản xuất quần áo bằng bã mía, để tạo nên những chiếc quần độc đáo này.
Ý tưởng khá lạ kỳ này lại được hưởng ứng rất tốt. Giá mỗi chiếc quần trên cửa hàng online là 41.800 yên (tầm 310 USD). Hiện tại hồi tháng 4 Sapporo chỉ mới làm ra thêm 30 chiếc quần để bày bán trên cửa hàng online, trong khi các suất đặt trước đã lên đến 1.600. Hay nói cách khác, vấn đề duy nhất mà Sapporo phải giải quyết là làm như thế nào để có thêm nhiều “chất thải” để sản xuất quần.
Tại sao người ta lại muốn mua một sản phẩm được làm từ những thứ thường chỉ để cho gia súc ăn? Có một cách lý giải là vì những chiếc quần này được sản xuất theo kiểu “upcycling”, tức là biến những thứ bỏ đi thành một món đồ có giá trị.
Đối với Sapporo, việc sử dụng upcycling là để thu hút khách hàng đến với thương hiệu bia Black Label của họ. Theo cách giải thích từ Aiko Saito, đại diện marketing của Black Label, “khi khách hàng sử dụng những sản phẩm quần này, thì thương hiệu sẽ trở thành một phần trong cuộc sống thường nhật của họ, kết quả là họ sẽ càng gắn bó với thương hiệu hơn”.
Upcycling cũng được nhiều đơn vị sản xuất đồ uống - thực phẩm khác của Nhật để mắt đến.
>>Cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia và rượu lên 85%
Chẳng hạn công ty bia Asahi Group Holdings ra mắt sản phẩm bia Sayama Green sản xuất từ vỏ cây trà kebacha nổi tiếng của vùng trồng trà ở Saitama. Asahi sẽ đi thu mua lại vỏ cây trà này sau khi đã được ủ thành trà từ các nông dân và thương lái. Nếu không có sản phẩm của Asahi, thì bã trà này thường sẽ bỏ đi hoặc dùng làm phân bón. Công ty cho biết những sản phẩm bia gắn kết với một khu vực hoặc một cộng đồng cụ thể có thể thu hút nhiều người dùng. Đồng thời họ dự tính sẽ khởi động thêm nhiều dự án upcycling trên khắp Nhật Bản.
Hoặc Sakaeya Seipan, một cửa hàng bánh mì ở Kanagawa, cũng tận dụng 400kg phần rìa bánh họ cắt ra mỗi ngày khi sản xuất bánh sandwiches để bán cho những bên sản xuất một loại bia mới. Trước đó phần rìa này chỉ được dùng làm thức ăn gia súc. Các hãng bia Number Nine Brewery (Yokohama), Jokun Brewing Lab (Niigata), và Oriental Brewing (Kanazawa) là những đối tác tiêu biểu sử dụng rìa bánh từ Sakaeya Seipan để sản xuất bia.
Theo chia sẻ từ Kenichi Yoshioka, giám đốc quản lý dự án upcycling của Sakaeya Seipan, hiện tại các khách hàng đều muốn quy trình sản xuất đồ ăn có câu chuyện đằng sau. Vậy nên họ muốn tạo nên một sản phẩm gì đó có giá trị hơn, thay vì chỉ đơn thuần là ngon miệng hay đẹp mắt.
Tại Nhật Bản, khối lượng thức ăn bỏ đi từ các nhà bán lẻ và nhà hàng lên đến 2,75 triệu tấn trong năm 2020. Mặc dù đây là con số đã giảm 11% so với năm trước, thế nhưng vẫn có đến 53% lượng thực phẩm bỏ đi là từ các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh các công ty cố gắng khắc phục tình trạng này, thì upcycling có thể là một giải pháp. Khi đó, số lượng thực phẩm bỏ đi lại trở thành một “kho tàng” để các doanh nghiệp khám phá và tìm tòi, tạo nên những sản phẩm, thương hiệu gây được tiếng vang, nếu họ biết cách upcycling phù hợp.
Có thể bạn quan tâm