Xây dựng chiến lược xuất khẩu lao động chất lượng cao
Chuyên gia đề xuất cần xây dựng quy hoạch, chiến lược đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài theo hướng tập trung phát triển lao động chất lượng cao.
>>>Tăng năng suất lao động: Bắt "bệnh" để "điều trị"
Ngày 16/3, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - Thực trạng và giải pháp”.
Trong những năm qua, công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng, thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt, thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… gia tăng đáng kể.
Nhiều thị trường mới đã được mở ra như Australia, New Zealand, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Rumani, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm. Trong giai đoạn từ 2013 đến 2021 đã đưa được gần 1 triệu lao động lao động đi làm việc ở nước ngoài. Lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước. Đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích luỹ và cải thiện đời sống người lao động và gia đình.
Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế và trong nước liên tục biến động, công tác đưa người lao động Việt Nam còn một số tồn tại, bất cập.
Bà Anna Engblom, Cố vấn trưởng, Giám đốc dự án Tam giác khu vực ASEAN, Văn phòng ILO khu vực Châu Á Thái Bình dương đánh giá, các lao động đi xuất khẩu thường làm các nghề đơn giản, có nguy cơ rủi ro bị bóc lột và lạm dụng, bị hạn chế tự do vì bị người sử dụng thu giữ giấy tờ.
Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng hé lộ thực trạng điều kiện nhà ở tồi tàn mà người sử dụng lao động cung cấp cho người lao động ở một số quốc gia.
>>>Quận Hồng Bàng (Hải Phòng): Kết nối doanh nghiệp và người lao động
>>>Năng suất lao động là thách thức lớn nhất của top 500 doanh nghiệp tư nhân
"Theo khảo sát của ILO được thực hiện với lao động từ Campuchia, Lào và Myanmar đang làm việc tại Thái Lan cho thấy chỉ có 38% lao động nhập cảnh qua các kênh chính thức, các kênh chính thức được coi là cồng kềnh, mất thời gian, tốn kém chi phí. Tuy nhiên người lao động cũng phải đánh đổi nếu đi làm việc nước ngoài theo kênh không chính thức, vì có thể họ sẽ nhận thu nhập ít hơn, điều kiện việc làm kém hơn, ít được bảo vệ hơn", bà Anna Engblom nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cũng cho rằng, hiện nay Việt Nam đa số chỉ tiếp cận thị trường lao động thấp, không có đột phá trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó, còn tình trạng lao động bỏ ra ngoài sống bất hợp pháp. Do đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh cần xây dựng quy hoạch, chiến lược đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài.
"Cần có giải pháp tổng thể, chương trình xuất khẩu lao động trong giai đoạn 2022-2030. Việc đưa lao động đi nước ngoài ở thị trường nào, ngành nghề nào, trình độ nào, quốc gia nào cũng cần có chiến lược dài hơi trong 5 năm, 10 năm và giao các bộ ngành triển khai", ông Dũng đề xuất và cho rằng cần xây dựng đề án theo hướng tập trung phát triển lao động chất lượng cao.
Bên cạnh việc xây dựng đề án chiến lược, Đại diện Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng cần áp dụng chuyển đổi số cho hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Trong đó, cần xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu quốc gia nhằm theo dõi biến động của lao động và chuyên gia sinh sống, làm việc ở nước ngoài; phân tích các ngành nghề, lĩnh vực chuyên môn để định hướng, giải pháp trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề phù hợp; kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp tuyển dụng, sử dụng lao động trong và ngoài nước.
Đặc biệt, mỗi lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần được quản lý bằng mã định dang cá nhân để cập nhật biến động công việc tại nước sở tại. Từ đó, có thể tránh những vấn đề xảy ra như tình trạng lao động trốn ở lại nước sở tại, bị lừa hoặc mua bán bởi những kẻ buôn người, giúp người lao động tìm hiểu điều kiện lao động và mức lương tại các doanh nghiệp sử dụng lao động.
Có thể bạn quan tâm
Tăng năng suất lao động: Bắt "bệnh" để "điều trị"
04:00, 15/08/2022
Quận Hồng Bàng (Hải Phòng): Kết nối doanh nghiệp và người lao động
07:09, 14/08/2022
Năng suất lao động là thách thức lớn nhất của top 500 doanh nghiệp tư nhân
01:00, 14/08/2022
Các tình huống pháp luật: Cách tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động?
03:00, 11/08/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Trước 15/8 phải có giải pháp xử lý, đôn đốc giải quyết hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động
20:15, 09/08/2022