Yêu cầu tất yếu về năng lực số của người lao động
Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu dành cho các doanh nghiệp trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên, sau quá trình chuyển đổi thì có không ít những thất bại của các doanh nghiệp.
>>>Thúc đẩy yếu tố đa dạng và bao trùm trong kinh doanh bền vững thời đại số hóa
Cơ hội đi kèm rủi ro
Không chỉ các doanh nghiệp lớn tham gia chuyển đổi số mà ngay cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ và vừa hay thậm chí là doanh nghiệp siêu nhỏ cũng có thể thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế trong thị trường.
Các chuỗi trà sữa, café hay thậm chí bánh mì có thể thực hiện việc chuẩn hóa và sau đó là số hóa các quy trình hoạt động để cải thiện hiệu quả hoạt động như thế nào. Với sự ứng dụng của công nghệ thì các doanh nghiệp đó vẫn có thể theo dõi được tần suất mua hàng, thói quen mua hàng của khách hàng một cách có hệ thống… Từ đó giúp gia tăng các quyết định quản trị nội bộ và chính sách bán hàng.
Những cơ hội lớn mang lại từ chuyển đổi số là thế tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào chuyển đổi số cũng thành công, ngược lại tỷ lệ thất bại đang rất cao.
Theo số liệu thống kê từ Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, tính đến hiện nay có đến khoảng 90% doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại. Có rất nhiều khó khăn, rào cản mà doanh nghiệp phải đối mặt khi thực hiện chuyển đổi số khiến cho doanh nghiệp chuyển đổi số không thành công. Và yếu tố “con người” chính là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Số liệu thống kê từ VCCI cho thấy việc thiếu năng lực số để ứng dụng công nghệ số luôn nằm trong top các lý do khiến quá trình chuyển đổi số gặp khó khăn và thất bại.
Quá trình chuyển đổi số cần những “con người số”
Chưa bàn đến những vấn đề người lao động trong thực tế có tâm lý chống đối việc chuyển đổi số do những thói quen cũ đã hình thành từ rất lâu, việc khai thác một cách hiệu quả các kết quả số hóa của hoạt động kinh doanh cũng là một thách thức không nhỏ. Người lao động thường rất bối rối về việc sẽ khai thác các kết quả từ quá trình số hóa, thực hiện phân tích như thế nào và quan trọng nhất là làm sao biến những kết quả số hóa trở thành một động lực hỗ trợ quá trình vận hành.
Chính vì vậy, kỹ năng số được coi là yếu tố sống còn trong quá trình chuyển đổi số. Kỹ năng số được định nghĩa là các kỹ năng cần thiết để "sử dụng các thiết bị số, ứng dụng công nghệ để truy cập và quản lý thông tin", từ cơ bản như tìm kiếm thông tin, gửi email trực tuyến... đến nâng cao như lập trình, phân tích, khoa học dữ liệu... Nếu không có kỹ năng số, người lao động sẽ không có cách nào đổi mới, duy trì tính cạnh tranh trên thị trường lao động, đồng thời cũng sẽ gây cản trở lớn đến quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Sự hạn chế về năng lực số của lao động sẽ khiến quá trình chuyển đổi số của người lao động trở nên nửa vời và mang tính chất đối phó. Điều đó dần tạo nên một áp lực vô hình đè nặng lên hoạt động của cả doanh nghiệp và cả thái độ của người lao động. Doanh nghiệp thường chỉ có khuynh hướng thuê các đơn vị tư vấn đề xây dựng các phần mềm số hóa nhưng ít khi quan tâm đến việc tư vấn phát triển năng lực số của người lao động cho tương thích với quá trình chuyển đổi số.
>>>VCCI tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số
Tư duy số và kỹ năng số là những khái niệm rất mới mẻ đối với người lao động khi phần lớn những kiến thức này gần như chưa được đào tạo bài bản trong quá trình đào tạo chính quy. Doanh nghiệp cũng chỉ có chức năng kinh doanh thay vì chức năng đào tạo nên việc trang bị và thay đổi tư duy số của người lao động trở thành một thách thức khủng khiếp đối với doanh nghiệp trong bối cảnh này.
Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện của riêng doanh nghiệp mà nó sẽ còn cấu thành vào yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của quốc gia trong dài hạn. Yếu tố chính quyết định năng lực sản xuất và cung ứng dịch vụ của người lao động Việt Nam trong thập niên tới sẽ phụ thuộc vào khả năng gia tăng năng suất của người lao động, mà trong đó việc khai thác tốt những nền tảng số hóa hiện tại của nhân loại là một yêu cầu tiên quyết. Theo số liệu từ WEF năm 2019, Việt Nam xếp thứ 97/141 là vị trí thấp so với các quốc gia trong cùng khu vực khác về tiêu chí năng lực số của người lao động. Thứ hạng của Việt Nam thậm chí còn thấp hơn cả người lao động Philippines và Lào.
Quá trình số hóa suy cho cùng cũng chỉ phục vụ cho mục tiêu gia tăng năng suất của người lao động, do đó cái cốt yếu vẫn là con người. Người lao động trong quá trình số hóa cần phải được nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm cũng như những thay đổi cần có để có thể biến quá trình số hóa tất yếu của doanh nghiệp trở thành cơ hội thay vì thách thức.
Có thể bạn quan tâm