Các thương hiệu lo ngại về lối đi mới của Twitter
Việc thay đổi cấu trúc lớn của Twitter sẽ khiến nhiều doanh nghiệp như General Motors và Ford ngừng quảng cáo đến khi họ xác định được tệp khách hàng của họ trong tương lai sẽ ra sao.
>>Tương lai “màu xám” của Twitter
Trong vài ngày qua, các thương hiệu xe nổi tiếng là General Motors và Ford đã lần lượt thông báo sẽ ngừng quảng cáo trên Twitter, nhưng vẫn sẽ dùng nền tảng này để tương tác với khách hàng.
Lý do được các thương hiệu đưa ra chính là Twitter hiện đã thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk và họ cần thời gian để “đánh giá hướng đi của mạng xã hội này dưới quyền sở hữu mới".
Lo lắng của General Motors và Ford không phải là không có cơ sở vì không phải quảng cáo nào trên các nền tảng mạng xã hội cũng sẽ giống nhau, rõ ràng nhất chính là Facebook và Twitter.
Đối với kênh truyền thông như Facebook với đặc điểm là lượng người dùng phổ thông rất đông, nên quảng cáo trên Facebook sẽ mang tính đại trà. Đa số quảng cáo sẽ là các vật dụng liên quan đến đời sống như đồ gia dụng, quần áo, đồ ăn, du lịch, game v.v..
Còn với Twitter từ trước tới nay vốn được biết đến là kênh truyền thông và nơi phát ngôn của nhiều người nổi tiếng và tầm cỡ trong giới chính trị, thể thao, công nghệ, tài chính v.v.. Twitter ít mang tính kết nối người dùng với người dùng hơn Facebook mà mang tính theo dõi, học tập và lấy thông tin là chủ yếu.
Vì vậy, quảng cáo trên Twitter thường hướng đến một tập khách hàng nhất định đã được định vị trước. Sản phẩm cũng sẽ có các đặc tính như cá nhân hóa, riêng tư và đắt tiền hơn, hàng hiệu và xe hơi là một ví dụ điển hình.
Chính sự khác biệt này mà các hãng sẽ phải xây dựng chiến lược quảng cáo riêng cho mỗi nền tảng mà họ sử dụng.
>>Musk - Twitter, màn PR tốn kém hay “trò mèo” thế kỷ?
Tuy nhiên, Elon Musk lại đang định vị một Twitter khác xa so với chiến lược hiện tại.
Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với các nhân viên Twitter vào tháng 6, Elon Musk cũng bày tỏ tham vọng biến mạng xã hội này trở thành siêu ứng dụng phổ biến, tương tự vị thế của WeChat tại Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, sức ảnh hưởng của WeChat lan rộng trong mọi hoạt động đời sống người dân, bao trùm các dịch vụ từ nhắn tin, gọi video, chơi game, chia sẻ chuyến đi, giao đồ ăn, thanh toán ngân hàng, mua sắm v.v..
Có thể thấy, định hướng mới của Elon Musk cho mạng xã hội Twitter lại đang hướng về việc liên kết và phục vụ các nhu cầu đại trà của người dùng nhiều hơn. Và điều này dường như không giống với con đường mà Twitter đang làm từ trước tới nay.
Và có vẻ như các thương hiệu như General Motors và Ford thì không mong muốn một tương lai như vậy, nhất là khi họ đã bỏ rất nhiều tiền để xây dựng tệp khách hàng riêng của họ.
NHƯ VẬY LÀ:
Việc thay đổi cấu trúc lớn của Twitter sẽ khiến nhiều doanh nghiệp như General Motors và Ford ngừng quảng cáo đến khi họ xác định được tệp khách hàng của họ trong tương lai sẽ ra sao. Các thương hiệu thà chấp nhận không quảng cáo một thời gian hơn là quảng cáo không đúng với tệp khách hàng của mình.
Có thể bạn quan tâm