Gỡ “điểm nghẽn” tăng năng suất lao động

Ngọc Xen 18/02/2023 01:00

Không thể phủ nhận năng suất lao động của nước ta đang cải thiện tích cực theo từng năm, tuy nhiên xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực thì vẫn ở mức thấp.

>>Thúc đẩy năng suất lao động giúp hiện thực hóa khát vọng vươn cao

 Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn về bắt kịp mức năng suất lao động của thế giới.

Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn về bắt kịp mức năng suất lao động của thế giới.

Tính đến nay, năng suất lao động của Việt Nam đang được cải thiện theo chiều hướng tăng qua các năm. Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Số liệu thống kê cho thấy, năng suất lao động giai đoạn 2016 - 2020 đạt tốc độ tăng bình quân 5,88%/năm, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) không ngừng cải thiện (giai đoạn 2011 - 2015, TFP đóng góp khoảng 32,8% vào tăng trưởng kinh tế cả nước, đến giai đoạn 2016 - 2020, con số này đã vượt lên trên 45%).

Hai vấn đề cần khắc phục

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Điều này đồng nghĩa, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước trong thời gian tới. Với mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở mức 7% và yếu tố tiên quyết vẫn là duy trì và tăng trưởng về năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo. Do vậy, theo TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), để tăng năng suất lao động của quốc gia, Việt Nam cần khắc phục được hai vấn đề sau:

Thứ nhất, sự dịch chuyển lao động từ ngành có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao. Trong các giai đoạn phát triển trước, đóng góp chủ yếu của tăng năng suất lao động của Việt Nam là do dịch chuyển cơ cấu. Lao động dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp có năng suất lao động thấp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Tuy nhiên, đây sẽ không thể là động lực phát triển bền vững của năng suất lao động và thực tế cho thấy vai trò của chuyển dịch cơ cấu trong tăng trưởng năng suất lao động đã giảm dần trong những năm gần đây.

Thứ hai, tăng trưởng TFP còn thấp dẫn đến hạn chế tốc độ tăng năng suất lao động. Có rất nhiều yếu tố làm TFP tăng trưởng chậm, trong đó quan trọng nhất và đầu tiên vẫn là liên quan tới nguồn nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và ý thức lao động chưa cao, chính vì thế không thể hấp thụ tối đa được chuyển giao khoa học công nghệ, tạo tiền đề cho tăng trưởng năng suất.

Hợp tác đào tạo

Đề cập sâu hơn về chất lượng nguồn nhân lực, ông Hiệp nhấn mạnh, mỗi người lao động khi bước vào quá trình làm việc phải luôn ý thức, tư duy về năng suất dựa trên các yếu tố kỹ thuật, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Để thực hiện được điều này, ông Hiệp cho rằng, cần tổ chức đào tạo cho doanh nghiệp các hệ thống công cụ, giải pháp về năng suất. Bên cạnh đó, lực lượng lao động rất lớn là sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trường nghề - những đối tượng cần trang bị kiến thức làm sao để tăng năng suất, có được giải pháp và công nghệ để thúc đẩy năng suất dựa trên yếu tố về kỹ thuật, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Năm 2022, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thực hiện Chương trình năng suất chất lượng và tiến tới tổ chức đào tạo cho sinh viên tại 21 trường trên cả nước, đây là ý tưởng và cách làm mới. Có thể thấy, lực lượng sinh viên được trang bị kiến thức, nhận thức về vấn đề năng suất chắc chắn sẽ đóng góp rất nhiều trong thúc đẩy tăng trưởng năng suất bền vững nền kinh tế. Trong thời gian tới, Tổng cục mong muốn phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có thể kết hợp đưa chương trình năng suất vào các trường đại học, cao đẳng và trường nghề.

Có thể bạn quan tâm

  • Thúc đẩy năng suất lao động giúp hiện thực hóa khát vọng vươn cao

    Thúc đẩy năng suất lao động giúp hiện thực hóa khát vọng vươn cao

    20:40, 14/02/2023

  • Năng suất lao động đưa Việt Nam thành nước có thu nhập trung bình cao

    Năng suất lao động đưa Việt Nam thành nước có thu nhập trung bình cao

    12:16, 27/01/2023

  • Giải pháp nâng cao năng suất lao động

    Giải pháp nâng cao năng suất lao động

    19:12, 17/01/2023

Ngọc Xen