Quảng cáo âm thanh cá nhân hóa nhờ AI
Các công cụ trí tuệ nhân tạo tạo giọng nói hứa hẹn sẽ giúp quy trình sản xuất quảng cáo âm thanh trở nên nhanh chóng và ít tốn kém hơn. Tuy nhiên chúng lại chưa thực sự phổ biến.
>>Hoàn thiện pháp lý cho các sản phẩm từ công nghệ AI
Hiện nay các công cụ trí tuệ nhân tạo tạo nội dung rất đang thịnh hành. Chẳng hạn ChatGPT gây được tiếng vang lớn, các thương hiệu thời trang dùng người mẫu AI trong các chiến dịch, thậm chí một agency còn có các “nhân viên” AI chuyên chỉnh sửa ảnh, phân tích tin tức, v.v..
Tuy nhiên có một dạng AI khác chưa được chú ý nhiều, đó là AI giọng nói. Hay có thể nói, đây là những công cụ mà các thương hiệu dùng để tạo nên những giọng nói giống con người, từ đó có thể dễ dàng và nhanh chóng tạo ra các đoạn quảng cáo âm thanh được cá nhân hóa. Mặc dù chưa phổ biến, tuy nhiên các chuyên gia nhận định rằng AI giọng nói có tiềm năng phát triển rất lớn.
Stas Tushinskiy, đồng sáng lập kiêm CEO của Instreamatic, một công ty tiếp thị AI giọng nói, phân tích rằng AI có nhiều thế mạnh. Thứ nhất giúp quá trình sáng tạo quảng cáo âm thanh trở nên nhanh hơn, chỉ mất vài giây thay vì vài tuần như trước. Thứ hai, nếu con người không thể ngồi trong phòng thu từ ngày này sang ngày khác để thu âm hàng nghìn đoạn quảng cáo âm thanh, thì AI hoàn toàn có thể.
Thời gian là tiền bạc
Theo các chuyên gia, nếu không có AI tạo sinh, vì việc tạo ra các đoạn quảng cáo với mức độ cá nhân hóa cao thực sự là công việc tiêu tốn nhiều thời gian.
Một số thương hiệu và nhà bán lẻ có thể muốn tùy chỉnh các quảng cáo khác nhau cho những thính giả ở các khu vực khác nhau. Theo lý thuyết, các diễn viên lồng tiếng hoàn toàn có thể thu nhiều phiên bản. Nhưng ở một mức độ mà các biến thể tăng theo cấp số nhân, thay đổi theo nhiều biến số (chẳng hạn tên kênh, tên nền tảng, hoặc thời tiết) thì AI âm thanh mới là công cụ tối ưu.
Chẳng hạn công ty Instreamatic cung cấp một nền tảng cho phép các thương hiệu tạo ra những đoạn âm thanh giống giọng nói tương tác. Hồi tháng trước họ còn tích hợp thêm tính năng “quảng cáo âm thanh theo ngữ cảnh”. Tushinskiy cho biết mình vẫn đang thu thập phản hồi về công nghệ này, nhưng kỳ vọng rằng công ty có thể khởi động chiến dịch sau một hoặc hai tháng nữa.
Theo Paul Kelly, CRO của AMA (agency chuyên các chiến dịch âm thanh kỹ thuật số), một trong những điểm thu hút nhất của AI giọng nói chính là khả năng tiết kiệm chi phí khi sản xuất quảng cáo âm thanh cá nhân hóa. Hay nói cách khác, ngay cả các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể sử dụng được. Nếu so sánh với số tiền phải bỏ ra để thuê diễn viên lồng tiếng theo giờ và phòng thu âm, thì mức chi phí của AI quả thực hấp dẫn.
Ngoài ra AI còn có khả năng sao chép giọng nói của những diễn viên lồng tiếng, trong trường hợp diễn viên đồng ý và họ không thể dành nguyên cả tuần trong phòng thu âm. Dĩ nhiên thương hiệu vẫn có thể chọn tạo ra một giọng mới hoàn toàn. Thậm chí có cả công cụ phân tích các cuộc gọi điện thoại để xem thử liệu khách hàng đã xem một đoạn quảng cáo nào trên Facebook hoặc Google hay không.
Một số bất cập
Một số nhà tiếp thị sẽ có đôi chút chần chừ khi trao quyền kiểm soát cho AI. Đó là tâm lý thường tình. Ngoài ra nếu xét kỹ lưỡng, thì AI âm thanh không thực sự cách mạng hóa trải nghiệm quảng cáo âm thanh ở phía người dùng cuối, mà chỉ giúp đỡ các đơn vị sản xuất quảng cáo nhẹ gánh phần nào. Có lẽ đây là một phần trong lý do vì sao AI âm thanh chưa phát triển mạnh mẽ như những anh chị em AI của mình.
Kết luận
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận được lợi ích của các công cụ AI âm thanh trong sản xuất quảng cáo âm thanh cá nhân hóa. Nó vừa giúp người nghe có trải nghiệm tốt, vừa giúp thương hiệu nhận về kết quả tích cực. Và trong thời đại mà nhu cầu cá nhân hóa ngày càng tăng cao, thì tiềm năng của AI âm thanh cũng trở nên mạnh mẽ hơn.
Có thể bạn quan tâm