“Siêu uỷ ban” trước “siêu thách thức”
Khi được thành lập, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ quản lý các doanh nghiệp nhà nước với quy mô vốn và tài sản lên tới 5 triệu tỷ đồng. Để khai thác hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng khối tài sản trên sẽ là một thách thức.
Ảnh minh họa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng, để xây dựng Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo quyết định của Thủ tướng, Tổ công tác này có nhiệm vụ tham mưu, giúp Thủ tướng triển khai các công việc phục vụ thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Nhiệm vụ của Tổ sẽ kết thúc khi hình thành được bộ máy của ủy ban trên.
“Siêu uỷ ban”
Dự kiến có 30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước nằm dưới sự quản lý của ủy ban này, bao gồm 9 tập đoàn (trừ Tập đoàn Viettel) và 21 tổng công ty nhà nước.
Có thể bạn quan tâm |
Điều đó có nghĩa, việc một bộ vừa quản lý ngành, vừa ban hành chính sách, lại vừa là chủ sở hữu doanh nghiệp thuộc ngành đó gây ra xung đột thị trường và lợi ích, khiến các chính sách điều tiết thiên về hướng có tính ưu tiên, ưu đãi cho ngành của mình, khiến thị trường méo mó, bất bình đẳng, không cạnh tranh sẽ được chấm dứt. Nói cách khác, nó lấy đi lợi ích nhóm của các Bộ, ngành sở hữu hiện nay. Các Bộ, ngành sau này sẽ chuyên tâm cho hoạt động quản lý Nhà nước, và thực hiện việc này một cách bình đẳng.
Khi được thành lập, Ủy ban này sẽ quản lý khối tài sản lên đến xấp xỉ 5 triệu tỷ đồng của các doanh nghiệp nhà nước. Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, việc thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhằm mục tiêu quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, ngăn chặn các trường hợp nhiều doanh nghiệp nhà nước rót vốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng thua lỗ …
Ủy ban không có chức năng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, song sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về kết quả, hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Đồng thời, chịu sự giám sát, đánh giá của Chính phủ, Quốc hội, cơ quan liên quan, nhân dân và báo chí, truyền thông… Nhiệm vụ của Ủy ban này sẽ là thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước; xây dựng, trình Chính phủ kế hoạch sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; cơ cấu vốn nhà nước đầu tư; xây dựng danh mục đầu tư…Bởi vậy việc thành lập “siêu uỷ ban” sẽ đi cùng với “siêu thách thức” làm thế nào để phát huy khối tài sản 5 triệu tỷ.
Kiểm soát quyền lực?
Bên cạnh đó, câu hỏi được đặt ra là khi quyền lực được tập trung và quản lý khối tài sản lớn như vậy làm thế nào Uỷ Ban để điều hành, quản lý một cách hiệu quả và không hình thành các “nhóm lợi ích”? Nếu quỹ đầu tư thì vấn đề quản trị của tổ chức này sẽ đảm bảo theo thông lệ thị trường, hoàn toàn tách khỏi sự can thiệp của cơ quan hành chính Nhà nước. Nhưng khi là Uỷ ban thì ở đây là cơ quan hành chính thuộc Chính phủ, như vậy, sẽ có điều kiện xảy ra xung đột lợi ích. Nhà nước vẫn là người xây dựng cơ chế thì sẽ vẫn có những thứ có lợi cho mình, bảo vệ mình khi thực hiện nghĩa vụ chủ sở hữu Nhà nước.
Các chuyên gia cho rằng, giải pháp tối ưu nhất là phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước. Theo đó, ngành, doanh nghiệp không cần Nhà nước nắm giữ vốn thì bán hết như vậy số đầu mối doanh nghiệp nhà nước sẽ gọn lại, quy mô vốn và tải sản sẽ giảm bớt, quyền lực sẽ dần bị thu hẹp và sẽ khó phát sinh các vấn đề tiêu cực.
Được biết, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ dự thảo nghị định về cơ cấu chức năng, nhiệm vụ của ủy ban. Trong đó có thể hiện nội dung điều chỉnh về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của một số bộ. Cụ thể là chuyển chức năng, nhiệm vụ của các Vụ Đổi mới doanh nghiệp thuộc các bộ về ủy ban.
Đồng thời nhấn mạnh ngay trong quý I phải bảo đảm thành lập được ủy ban, để khẳng định địa vị pháp lý của cơ quan này.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đốc thúc tiến độ cổ phần hoá, bán vốn tại doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2018 theo đúng kế hoạch. Không để xảy ra tình huống ủy ban mới thành lập tiếp quản các doanh nghiệp, mà các bộ "buông tay" luôn, dẫn tới chậm trễ trong cổ phần hoá, bán vốn.
Dự kiến, sẽ có các cơ chế, chính sách về tiền lương để thu hút được đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi về quản lý doanh nghiệp về ủy ban. Ngoài ra, các cán bộ từ chính các bộ ngành đang quản lý doanh nghiệp cũng sẽ được xem xét đưa về ủy ban.
Cùng với việc quản lý giám sát hiệu quả vốn nhà nước, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá sẽ là mục tiêu được kỳ vọng.