Biển đổi khí hậu, nước biển dâng đã thực sự hiện hữu

Nguyễn Việt 20/01/2018 19:27

Phát biểu đề Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Nghị viện châu Á- Thái Bình Dương (APPF-26), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết biển đổi khí hậu, nước biển dâng không còn là nguy cơ tiềm ẩn mà thực sự đã hiện hữu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp.

Ngay tại Hà Nội, mùa hè năm 2017 nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục trong vòng hơn 40 năm qua. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, nơi hiện sản xuất 12 triệu tấn gạo/năm (xuất khẩu 6 triệu tấn); khoảng 10- 12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP. Và không riêng ở Việt Nam, rất nhiều nơi trên thế giới đã và đang chứng kiến những bất thường của thời tiết; thiên tai, thảm họa nhiều hơn. Nhiều mô hình dự báo nhiệt độ khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2030 sẽ tăng 0.5- 2 độ C.

Nhiều nơi đang chứng kiến những bất thường

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tác nhân gây ra biến đổi khí hậu không chỉ công nghiệp, mà còn từ nông nghiệp và sinh hoạt; không chỉ từ nhà máy lớn, từ hóa chất trên ruộng đồng hay phá rừng mà cả những thói quen đi lại, sử dụng điện nước của mỗi người. Ảnh hưởng của những tác nhân ấy không chỉ tại chỗ mà còn lan truyền không biên giới. Chính vì vậy, nỗ lực hạn chế các tác nhân có hại cũng như khắc phục hậu quả và phòng ngừa phải được thực hiện ở quy mô toàn cầu là quyền lợi và trách nhiệm của mọi quốc gia, nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mỗi quốc gia cần tạo dựng hành lang pháp lý, các thiết chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với các Điều ước quốc tế, Công ước, các Nghị định thư và Thoả thuận về biến đổi khí hậu. Cần phải làm toàn xã hội, từng người dân đều hiểu và bắt đầu từ những việc tưởng chừng rất nhỏ đến những việc đòi hỏi công nghệ và nguồn lực lớn như từng bước loại bỏ nhiên liệu hoá thạch, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch tiến tới phát triển nền kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng xanh thông qua những thay đổi toàn diện trong tiếp cận, phương thức sản xuất, phương thức canh tác. Những nỗ lực đó đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn. Vì vậy, cần có các giải pháp huy động các nguồn tài chính, tăng cường đối tác công tư và rất cần vai trò của các chế định tài chính quốc tế.

Thảo luận về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, đại diện Đoàn đại biểu Việt Nam- Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Quốc hội và nghị sỹ các nước châu Á- Thái Bình Dương nhận thức sâu sắc về những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Thời gian qua, các nước châu Á- Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng để ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu và cũng thông qua nhiều chương trình, dự án cấp quốc gia nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu như Luật phòng chống thiên tai (2013), Luật bảo vệ môi trường (2014), Luật tài nguyên nước, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật bảo vệ và phát triển rừng (Luật lâm nghiệp)… Với trách nhiệm và nghĩa vụ, các nước châu Á- Thái Bình Dương thực hiện nghiêm túc Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và nghị định thư Kyoto, thỏa thuận Paris.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nghị sỹ các nước châu Á- Thái Bình Dương cần tập trung thảo luận vào vai trò của APPF đối với những nội dung về hỗ trợ hoàn thành những hành động trong các Kế hoạch quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quốc tế và giám sát việc thực thi pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu; hài hòa hóa hệ thống pháp luật quốc gia bảo đảm phù hợp với các cam kết của ASEAN về ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, ưu tiên phân bổ nguồn lực và ngân sách, quyết định các kế hoạch, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế, dự án đầu tư quan trọng quốc gia; thúc đẩy Chính phủ các nước huy động tối đa nguồn tài chính để đầu tư vào các dự án liên quan đến công nghệ sạch, công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Cần sự chung tay giữa các quốc gia

Liên quan đến nguồn lực cho phát triển bền vững, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho hay, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đã đề ra tầm nhìn chiến lược mới, phản ánh khát vọng chung của toàn nhân loại được sống trong một thế giới hòa bình, an toàn, công bằng, hài hòa với thiên nhiên. Vì vậy, cần có sự chung tay, chia sẻ giữa các quốc gia. Các nước đang phát triển cần hỗ trợ của các quốc gia phát triển không chỉ về tài chính, mà còn về tri thức, kinh nghiệm cả thành công và chưa thành công; thúc đẩy hợp tác giữa Chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ trong thực hiện SDG, hình thành các cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các bên. Các nước cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định rõ quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; ưu tiên nguồn lực cho SDG; lồng ghép các vấn đề SDG vào các chương trình chi tiêu công; tăng cường đầu tư tư nhân, hợp tác công tư cho SDG.

Hợp tác không thể thiếu hợp tác về văn hóa, thúc đẩy, phát triển du lịch và kết nối di sản giữa các quốc gia, hình thành các tuyến, các tour du lịch xuyên quốc gia; thiết lập mạng lưới các điểm đến du lịch, tăng cường chia sẻ các mô hình tốt về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, thiên nhiên, ứng dụng CNTT trong phát triển du lịch... nhằm tạo điều kiện để du khách dịch chuyển thuận lợi, an toàn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc tăng sự hợp tác giữa các Chính phủ, các Nghị viện là không thể thiếu và việc tăng cường lồng ghép các nội dung, hợp tác trong các chương trình hành động thực hiện SDG, biến nhận thức thành kế hoạch, các cam kết hành động cụ thể là hết sức quan trọng. 

Nguyễn Việt