Phó Thủ tướng "thúc" tiến độ nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Cẩm Anh 02/02/2018 05:05

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về đánh giá tác động môi trường Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam để báo cáo Quốc hội thông qua.

Lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam (ảnh minh họa)

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam (ảnh minh họa)

Phó Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện công tác lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, bao gồm cả đánh giá tác động môi trường của dự án phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

Theo trao đổi với DĐDN, chuyên gia giao thông của JICA, TS. Nguyễn Hữu Đức nhận định, nếu đề án xây dựng này khả thi, đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa ngày càng cao; đồng thời giải quyết tình trạng quá tải của đường bộ và hàng không.

"Bộ Giao thông Vận tải cần nghiên cứu kĩ càng về việc phân bổ vốn đất, hướng tuyến, tác động môi trường và cả tác động đến hệ thống đường giao thông hiện tại, vì đây là một dự án rất lớn và quan trọng. Việc huy động nguồn vốn lớn cũng cần cân nhắc lựa chọn, tránh lặp lại bài học của tuyến đường sắt metro tại Hà Nội hay từ việc thu phí các dự án BOT thời gian gần đây", ông Đức nói.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, hiện nay, để thực hiện một dự án lớn như vậy, Việt Nam vẫn chưa đủ trình độ, năng lực, từ khâu công nghệ, vật tư, nguyên vật liệu đến vận hành và phụ thuộc phần lớn vào nước ngoài. Do đó, Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu kĩ càng kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới trong việc chọn nhà thầu cũng như sử dụng khoa học công nghệ của nước nào trong việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc này.

Về vấn đề vốn cho dự án, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dựa trên nghiên cứu của cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), dự kiến, tuyến đường sắt cao tốc này có tổng mức đầu tư lên tới hơn 50 tỷ USD (khoảng 1.114.000 tỷ đồng). Sau khi nghiên cứu thiết kế cụ thể, Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường sắt cao tốc vào năm 2019.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, dự kiến lộ trình phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam thành các giai đoạn như sau: 

Giai đoạn 1, đến năm 2020 sẽ nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh như các đoạn Hà Nội - Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang. 

Giai đoạn hai từ năm 2020 đến năm 2030 sẽ triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/h đến dưới 200 km/h), đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h trong tương lai, ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn. Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h. 

Cẩm Anh