Điểm số “cảm nhận tham nhũng” Việt Nam tiếp tục tăng

Hằng Thy 22/02/2018 09:41

New Zealand và Đan Mạch đứng hạng cao nhất với điểm số tuần tự là 89 và 88. Điểm số của Việt Nam là 35, xếp hạng 107/180 nước.

Chỉ số Nhận thức Tham nhũng 2017

Chỉ số Nhận thức Tham nhũng 2017

Trong năm 2017, với những cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, công tác phòng chống tham nhũng trong nước đã đạt được một số kết quả nổi bật, bao gồm việc xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao.

Có thể bạn quan tâm

  • Kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước những cán bộ tham nhũng

    Kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước những cán bộ tham nhũng

    16:14, 22/01/2018

  • Niềm tin từ cam kết chống tham nhũng

    06:31, 02/01/2018

  • “Trục lợi BHXH, BHYT chính là tham nhũng”

    20:18, 04/01/2018

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về phòng chống tham nhũng như tiến hành sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành theo hướng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Bảng xếp hạng Chỉ số Nhận thức Tham nhũng 2017 do tổ chức Minh Bạch Quốc tế (TI) công bố ngày 21/2 cho thấy, năm 2017, New Zealand và Đan Mạch đứng hạng cao nhất với điểm số tuần tự là 89 và 88. Điểm số của Việt Nam là 35, xếp hạng 107/180 nước. Năm ngoái, điểm số của Việt Nam là 33, xếp hạng 113/176 nước.

Với thang điểm từ 0 đến 100, bảng xếp hạng năm nay đánh giá 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hơn 2/3 trong số này có điểm số dưới trung bình 50.

Chỉ số Nhận thức Tham nhũng 2017 cho thấy một số thông tin đáng quan ngại, dù có những nỗ lực chống tham nhũng trên toàn thế giới. Đa số các nước tiến quá chậm trong những nỗ lực chống tham nhũng. “Trong khi ngăn chặn làn sóng tham nhũng cần phải có thời gian, nhưng trong 6 năm qua, nhiều quốc gia ít có tiến bộ nếu không nói là không có tiến bộ gì cả”, báo cáo của TI cho biết.

Theo Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) - cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam, việc tăng nhẹ điểm CPI trong hai năm liên tiếp (2016-2017) là chỉ báo tích cực đối với các nỗ lực phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, xét trên thang điểm từ 0 -100 của CPI, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch, vấn đề tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng.

Tổ chức này cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, củng cố và xây dựng các thể chế hiệu quả, gắn với trách nhiệm giải trình và có sự tham gia của toàn xã hội. Đồng thời, nâng cao tính hiệu quả trong công tác giám sát của Quốc hội và tính độc lập trong xét xử của các cơ quan tư pháp. Đẩy mạnh nỗ lực phòng chống tham nhũng trong các lĩnh vực người dân thường xuyên phải đối mặt với hối lộ và tham nhũng (cảnh sát, y tế công và giáo dục công).

Cùng với đó, Việt Nam cần hoàn thiện cơ sở pháp luật về bảo vệ người tố cáo tham nhũng nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân và cộng đồng vào công tác phòng chống tham nhũng.

“Tham nhũng đe dọa đến khả năng cạnh tranh công bằng của các doanh nghiệp, vì vậy doanh nghiệp cần chủ động tham gia phòng chống, xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính để phát triển bền vững. Bên cạnh đó phải tăng cường năng lực phòng chống tham nhũng nội bộ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước; công bố công khai chương trình phòng chống tham nhũng của doanh nghiệp trên các trang thông tin điện tử, trên cơ sở tham khảo các chuẩn mực quốc tế”. - TT khẳng định.

Có thể thấy, Bảng xếp hạng Chỉ số Nhận thức Tham nhũng 2017 được TI công bố đã phần nào khẳng định được cam kết của Việt Nam trong việc phòng chống tham nhũng trong năm qua và những năm tiếp theo.

Ngay trong những ngày đầu năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, chủ trì phiên họp thứ 13 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. 

Tổng Bí thư nêu rõ, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tạo cơ sở chính trị, pháp lý đồng bộ cho công tác này; tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật trong nhân dân, chống lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc; chỉ đạo quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc (tham nhũng vặt), kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng, phải thanh lọc đội ngũ, trước hết là trong những ngành, cơ quan phòng chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...

Trong năm 2017, BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 3 tổ chức đảng và 11 cán bộ; Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã tập trung kiểm tra và thi hành kỷ luật đối với 18 cán bộ; trong đó nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và một số cấp ủy, tổ chức đảng. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước.

Các cơ quan thanh tra, kiểm toán các cấp đã phát hiện 50 vụ có hành vi liên quan đến tham nhũng; kiến nghị thu hồi 43.321 tỉ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng. Qua kiểm toán đã kiến nghị thu về ngân sách nhà nước 15.222 tỉ đồng, chuyển hồ sơ, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Đã kết thúc chỉ đạo xử lý 16 vụ án, 10 vụ việc; kết luận điều tra, đề nghị truy tố 16 vụ/216 bị can; đã truy tố 12 vụ/172 bị can; xét xử sơ thẩm 5 vụ/73 bị cáo (tuyên phạt: 3 bị cáo án tử hình; 3 bị cáo tù chung thân; 62 bị cáo tù dưới 30 năm); xét xử phúc thẩm 6 vụ/80 bị cáo (tuyên phạt: 2 bị cáo tử hình; 4 bị cáo tù chung thân; 3 bị cáo tù 30 năm; 71 bị cáo tù dưới 30 năm); việc kê biên, thu giữ tài sản trong một số vụ án đạt khá cao.

Hằng Thy