Sân bay Tân Sơn Nhất: Kiểu gì cũng mở rộng nhưng mở rộng theo... kiểu gì?

Nguyễn Hùng 28/02/2018 19:02

Tư vấn thiết kế sân bay ADPI đề nghị sử dụng phần đất sân golf ở phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) để làm nhà ga hàng hóa… Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, cần nhìn vấn đề mở rộng TSN trong tổng thể, có “đôi có cặp” với sân bay Long Thành.

Phương án tư vấn “xây nhà ga hành khách ở phía Nam”

Báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải chiều 27/2 về phương án quy hoạch Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, đại diện Công ty tư vấn ADPI Engineering (ADPI) đơn vị tư vấn độc lập của Pháp cho rằng, cần hạn chế công suất sân bay là 50 triệu hành khách vào năm 2025, để không phải xây thêm đường băng số ba. Bởi sẽ làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng và gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn trong khu vực khi máy bay lên xuống liên tục.

ADPI khuyến cáo, phương án tối ưu là xây nhà ga hành khách ở phía Nam để liên hoàn với khu vực nhà ga hiện có.

ADPI khuyến cáo, phương án tối ưu là xây nhà ga hành khách ở phía Nam để liên hoàn với khu vực nhà ga hiện có.

Bên cạnh đó, ADPI cũng chỉ ra hai phương án xây dựng nhà ga hành khách về phía Bắc hoặc phía Nam. Trong đó, nếu xây ở phía Bắc (khu vực có nhiều đất quốc phòng) sẽ có nhiều bất lợi là khai thác thiết bị không tối ưu, đi lại của hành khách giữa hai khu sẽ khó khăn, ảnh hưởng đường cất hạ cánh, gây tốn nhiều chi phí. Phương án này bắt buộc phải xây dựng thêm đường cất hạ cánh mới, lấy đất khu vực sân golf ở phía Bắc sân bay TSN để xây dựng nhà ga. ADPI khuyến cáo không nên triển khai phương án này vì giải phóng mặt bằng lớn, ô nhiễm tiếng ồn, chi phí vận hành cao.

Do đó, phương án tối ưu là xây nhà ga hành khách ở phía Nam để liên hoàn với khu vực nhà ga hiện có. Ngoài ra, ADPI cũng đề nghị bổ sung nhiều vị trí đỗ, mở rộng nhà ga, sân đỗ về phía Nam để tăng khả năng đỗ phương tiện; xây nhà ga hàng hóa để đảm bảo vận chuyển một triệu tấn hàng hóa mỗi năm; xây khu bảo dưỡng máy bay ở phía Bắc. Cũng tại cuộc họp, ADPI đưa ra dự báo lưu lượng tại đề xuất nâng cấp, mở rộng. Cụ thể, năm 2020, TSN có 269.000 lượt cất hạ cánh (tương đương 44 triệu lượt khách, 701.000 tấn hàng hóa); năm 2025 có 301.000 lượt (51 triệu khách, 960.000 tấn hàng); năm 2030 là 315.000 lượt (55 triệu khách, 1,2 triệu tấn hàng).

ADPI cho rằng những phân tích về thực trạng công suất TSN hiện nay ở các khía cạnh: Hệ thống đường cất hạ cánh, vùng trời, sân đỗ, nhà ga hành khách, giao thông tiếp cận.

Các phân tích của tư vấn cho thấy, các yếu tố liên quan đến công suất bay tại TSN đều đang gặp nhiều hạn chế. Trong đó, tư vấn nêu quan điểm về vấn đề tranh cãi lâu nay: Hai đường cất hạ cánh hiện nay không đảm bảo cho hai tàu bay cất hạ cánh độc lập.

Với mục tiêu cụ thể, tư vấn cũng đưa ra phương án có thể nâng cấp TSN lên đến 60-70 triệu khách/năm (mục tiêu của Chính phủ đặt ra là 50 triệu khách/năm).

Các phương án cần cân nhắc thiệt hơn

Trái ngược với quan điểm của ADPI, PGS TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP HCM), là thành viên nhóm chuyên gia được Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân thành lập, để cố vấn về các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. cho biết, chủ trương nhất quán của TP HCM là mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc, dù có hay không xây thêm đường băng thứ ba. Bởi khu vực này còn là hướng kết nối giao thông, kết nối đô thị, hay làm thêm nhà ga hành khách.

lấy sân golf để xây dựng nhà ga, sân đỗ, trung tâm thương mại, hội nghị là rất cần thiết.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, "lấy sân golf để xây dựng nhà ga, sân đỗ, trung tâm thương mại, hội nghị là rất cần thiết"

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nhóm nghiên cứu đã báo cáo hai phương án với Thủ tướng, đều mở rộng sân bay lên phía này. Một là giữ nguyên hai đường băng hiện hữu, hai là mở thêm đường băng thứ ba. Phương án của TP HCM có nhiều điểm khác với phương án mà đơn vị Tư vấn Pháp đưa ra. Nhưng đã gọi là nghiên cứu thì tất cả các phương án đều cần phải được xem xét, cân nhắc thiệt hơn", ông Tống nói.

Ông Tống cho biết thêm, sau hơn nửa năm khảo sát và nghiên cứu, nhóm chuyên gia đã đưa ra những phương án đề xuất và tính toán kỹ lưỡng. Đề xuất của nhóm tư vấn gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất từ năm 2018 đến 2020: xây nhà ga T3 với năng suất 10 triệu khách một năm, tại phía Nam, để đáp ứng nhu cầu trước mắt trong vài năm tới; quy hoạch và xây dựng đường vành đai xung quanh sân bay; thuê tư vấn quốc tế thiết kế cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt năng suất tối đa.

Giai đoạn thứ hai từ năm 2020-2022: xây nhà ga hành khách T4 ở phía Bắc, năng suất 20 triệu khách mỗi năm; đường lăn, bãi đỗ theo phương án một nhưng dịch ra phía Bắc nhiều hơn để dành chỗ làm đường băng thứ ba; cải tạo và mở rộng các nhà ga hành khách T1, T2 và T3 ở phía Nam, nâng tổng năng suất lên mức 55 triệu khách một năm.

Giai đoạn thứ ba từ năm 2022- 2025: xây đường băng thứ ba dài 2.400 m theo phương án hai. Hoàn thiện hệ thống đường lăn, sân đỗ đồng bộ với đường băng thứ ba; mở rộng nhà ga hành khách T4 phía Bắc để có năng suất 35 triệu khách một năm - nhằm nâng tổng năng suất các nhà ga T1, T2, T3 và T4 lên mức 70 triệu khách một năm, và hoàn thiện hệ thống các công trình phía Bắc...

Theo ông Tống, thành phố nghiên cứu đến năm 2025 có đến 60-70 triệu hành khách qua Tân Sơn Nhất, trong khi đó không có căn cứ chắc chắn thời điểm này sân bay Long Thành đã xong, nên mới có phương án xây dựng đường băng thứ ba ở Tân Sơn Nhất (nâng công suất phục vụ 70 triệu hành khách một năm), nếu không thiệt hại về kinh tế là rất lớn.

Việc sân golf nằm trong sân bay là điều rất kì cục. Nguyên thủy, đất sân golf đó dành cho sân bay nên việc sân golf trả lại toàn bộ đất cho sân bay là việc không cần bàn cãi. Với ngành hàng không, đất đai xung quanh sân bay rất quan trọng để phát triển khu vực hậu cần.

Có những sân bay, dịch vụ phi hàng không mang lại doanh thu lớn hơn dịch vụ hàng không. Vì thế, lấy sân golf để xây dựng nhà ga, sân đỗ, trung tâm thương mại, hội nghị là rất cần thiết.

Việc xây dựng thêm 1 nhà ga hành khách ở phía Bắc tuy có gây ra khó khăn trong sân bay nhưng sẽ tạo thuận lợi rất lớn với khu vực ngoài sân bay.

Nhà ga hành khách phía Bắc sẽ mở lối ra cho sân bay ra QL 1A, các tỉnh đến Tân Sơn Nhất không cần qua nội thành. Nên nhớ, Tân Sơn Nhất không chỉ là chuyện nội bộ một sân bay và cũng không phải là chuyện của riêng TPHCM mà là mối quan hệ liên vùng.

Với cương vị là đơn vị chủ trì, tiếp thu những đề xuất mà các nhà nghiên cứu, đơn vị tư vấn, chuyên gia…đưa ra, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, đây là một trong những cuộc họp quan trọng nhất của Bộ GTVT trong năm 2018. Bởi vì, việc mở rộng sân bay TSN được Chính phủ rất quan tâm, phương án quy hoạch TSN đã đưa ra có nhiều ý kiến trái chiều nên Chính phủ, Bộ GTVT chọn tư vấn quốc tế (ADPI của Pháp) để có cái nhìn độc lập, không lệ thuộc vào tổ chức, cá nhân nào tại Việt Nam.

Đây cũng là cuộc họp cuối cùng trước khi Bộ GTVT báo cáo Chính phủ. Do đó, Bộ trưởng GTVT yêu cầu tư vấn ADPI và các cơ quan tham mưu phải đưa ra phương án chi tiết sử dụng phần đất cả phía Bắc và phía Nam sân bay, khái toán tổng mức đầu tư.

Việc quy hoạch 50 triệu nhưng lượng khách có thể do chúng ta điều hành lên đến 80 - 90 triệu như cách thay đổi máy bay cỡ nhỏ lên cỡ lớn khiến lượng khách sẽ tăng đột biến. Ngoài ra, điều tiết chuyến bay đến Cần Thơ, Sóc Trăng, đặc biệt là khi các tuyến đường cao tốc sẽ hình thành trong thời gian tới. Và trong tuần này, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng, không để chậm hơn – Ông Thể cho biết thêm.

Nguyễn Hùng