Đề xuất hạn chế đốt vàng mã: Bộ VHTT&DL hoàn toàn đồng tình!

Hằng Thy 01/03/2018 20:00

“Bộ VHTT&DL hoàn toàn đồng tình, ủng hộ quan điểm của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở tôn giáo”.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) Trịnh Thị Thủy đã khẳng định như vậy tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ, diễn ra chiều 1/3.

Trả lời câu hỏi: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề xuất không khuyến khích đốt vàng mã. Quan điểm của Chính phủ như thế nào?”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, tập tục đốt vàng mã là một phần nghi thức gắn với đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân Việt Nam từ bao đời nay.

Có thể bạn quan tâm

  • Đốt vàng mã và sự méo mó của đời sống tâm linh

    Đốt vàng mã và sự méo mó của đời sống tâm linh

    06:00, 28/02/2018

Việc tuyên truyền, thuyết phục để người dân nhận thức về tập tục này, hạn chế trong đời sống đương đại, Bộ VHTT&DL với trách nhiệm quản lý của mình gần đây đã có nhiều quy định, văn bản hướng dẫn đề nghị người dân khi tham gia lễ hội tại các cơ sở tôn giáo, lễ hội… có ý thức để hạn chế đốt vàng mã.

“Đối với công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi các chùa, tổ đình, cơ sở thờ tự về việc không đốt vàng mã tại các cơ sở này, Bộ VHTT&DL hoàn toàn đồng tình, ủng hộ quan điểm của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở tôn giáo”. – Bà Thủy khẳng định và cho biết, Bộ VHTT&DL cũng có trách nhiệm tham mưu với Chính phủ trong việc hạn chế đốt vàng mã tại các lễ hội, di tích.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tại một số di tích có tình trạng đốt quá nhiều vàng mã, bị dư luận phản ứng gay gắt. Bộ VHTT&DL đã giao các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương nghiên cứu, đề xuất các quy định cụ thể. Cụ thể như tại Đền Bà chúa Kho (Bắc Ninh), đến nay tình trạng đốt vàng mã đã giảm đáng kể.

Cùng với đó, chính sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng mang lại hiệu quả tích cực. Do đó việc hạn chế đốt vàng mã tại các cơ sở tôn giáo, lễ hội là hoàn toàn khả thi.

Trước đó, ngày 22/2 vừa qua, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa ban hành công văn số 31 do Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Công văn đề nghị Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trị các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường) nhất là các tự viện là di tích lịch sử - văn hoá tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, văn hoá Phật giáo.

"Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam", công văn nêu rõ.

Đồng thời, công văn cũng nhấn mạnh, trong các bài giảng tại các tự viện cần chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội, lan toả giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo bạn.

Theo GS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã rất dũng cảm khi đưa ra văn bản chính thức về việc bỏ đốt vàng mã.

“Đốt vàng mã đúng là một tục mà mình bị ảnh hưởng của Trung Quốc từ lâu rồi. Đốt vàng mã dần dần theo thời gian làm nghề thủ công làm vàng mã, nó nuôi sống nhiều người. Nhưng cũng phải nói chuyện những phản ứng của xã hội và những người tỉnh táo thì họ cũng thấy dần cái bất hợp lý của nó.

Trước 1945, cũng có những cuộc đấu tranh đầu tiên để hạn chế vàng mã, nhưng cuối cùng, cuộc đấu tranh này thất bại, không làm gì được. Sau năm 1945, do điều kiện kinh tế, tục đốt vàng mã khá đơn giản, in những lá vàng rất đơn giản.

Từ một tập tục từ nước ngoài nhập vào thành một thói quen của mình, của tín ngưỡng tôn giáo mình, rồi có cả một nghề nữa để cung ứng. Đến những năm tháng gần đây, tập tục này ảnh hưởng quá tới cuộc sống, tới môi trường, tự dưng nó thành bất hợp lý lớn. Không biết là đã bất hợp lý đến điểm cực đại chưa vào thời điểm này”. – ông Hưng cho biết.

Đánh giá thế nào về công văn của Hội Phật giáo ở thời điểm này, ông Hưng cho rằng rất mừng bởi công văn này sẽ tạo thành sức mạnh của xã hội. “Tôi đã tìm hiểu hai chục năm nay về vấn đề này. Nhiều cao tăng có tâm tư là việc đốt vàng mã này không có liên quan gì đến nghi thức nghi lễ của Phật giáo cả, nhưng nó lại rất gắn bó vì nhà Phật thấy đó là cách để thỏa hiệp với tín ngưỡng này để giữ tín đồ của mình, thậm chí là tăng tín đồ của mình. Nhưng bây giờ, đến giai đoạn bất hợp lý thì họ đã dũng cảm đi đến ý kiến tập thể là thay đổi. Chủ thể giáo hội đã công khai thái độ rất dũng cảm, rất tốt”. – ông khẳng định.

Hằng Thy