Xử nghiêm những DNNN “phớt lờ” báo cáo

Nguyễn Việt 13/03/2018 10:39

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa công bố dự thảo báo cáo Thủ tướng về tình hình thực hiện công bố thông tin của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong năm 2017.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo quy định tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin DNNN thì “Cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước phải có chuyên mục riêng về công bố thông tin của DN. Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước có trách nhiệm đăng tải công bố thông tin của DN đúng thời gian, bảo đảm các thông tin công bố được tiếp cận dễ dàng và thuận tiện”. Tuy nhiên, đến hết năm 2017 mới chỉ có 265/622 DN (chiếm 42,6%) gửi báo cáo đến Bộ KH-ĐT để thực hiện công bố thông tin trên cổng thông tin DN.  

Mới chỉ có 265/622 DN gửi báo cáo

Trong số khoảng 357 DN chưa thực hiện công bố thông tin, có cả những tập đoàn, tổng công ty lớn như: Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, và nhiều DN thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch…

Danh sách này còn có sự góp mặt của rất nhiều công ty con đẻ (công ty mẹ nắm 100% vốn) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.

Hơn nữa, trong số 9 loại báo cáo phải thực hiện công bố thông tin thì đa số trong 265 DN đã công bố thông tin cũng chưa công bố đầy đủ. Trung bình mỗi DN chỉ công bố khoảng 5/9 loại báo cáo…

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc “phớt lờ” này thứ nhất là do hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp chưa hiệu quả. Thứ hai, có sự che dấu một việc gì đó. Thứ ba, việc cố tình báo cáo chậm là để có thời gian “chế biến” hồ sơ tìm cách đối phó. “Những trường hợp như vậy phải có chế tài xử phạt thật nặng”, ông Long nói.

Đưa ra quan điểm của mình về phương án xử lý những trường hợp này, ông Long cho biết cần phải tìm hiểu kỹ, nếu có ý đồ che đậy kết quả yếu kém hay khúc mắc trong kinh doanh thì ngay lập tức phải xử lý mạnh tay. Còn do khách quan thì cần được xem xét cụ thể từng trường hợp.

Nhưng dù muốn hay không cũng cần phải có chế tài xử phạt, nhẹ có thể phạt hành chính, nặng thì cách chức, thuyên chuyển, thậm chí chuyển sang cơ quan điều tra người đứng đầu doanh nghiệp đó.

Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, từ trước đến nay các DNNN thường “ỷ thế” và phớt lờ về việc quản lý kinh tế cũng như báo cáo số liệu thống kê cho các cơ quan có thẩm quyền. Đây như một căn bệnh cố hữu của các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước, việc này đã trở thành thói quen, không chấp hành yêu cầu, đòi hỏi về công khai tình hình tài chính, báo cáo định kỳ. Từ trước đến nay họ có thể tự mình gặp được các cấp lãnh đạo cao hơn, có thẩm quyền lớn hơn trong việc quyết định nhiều vấn đề của DNNN. Từ đây họ ỷ thế để không báo cáo.

Vẫn theo ông Thịnh, ở đây còn có vấn đề cơ chế quản lý của chúng ta chưa nghiêm, các quy định của nhà nước có thể đã được quy định trong luật hoặc trong các thông tư, nghị định nhưng một số DNNN không chấp hành mà vẫn không có chế tài xử phạt hợp lý. Vì thế lâu ngày bị nhờn luật, họ không coi những điều bắt buộc đó như một quy định đối với bản thân doanh nghiệp.

Không phải lần đầu Bộ “kêu ca”

Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận tình hình nội tại bên trong doanh nghiệp đang có vấn đề, từ đó dẫn đến khó khăn cho việc công bố báo cáo số liệu. Có thể việc này còn phụ thuộc vào khả năng của bản thân doanh nghiệp đó, nhưng chính các cơ quan quản lý  nhà nước cũng lại lờ đi.

“Trong điều kiện hiện nay đã có nhiều DNNN được cổ phần hóa thì bắt buộc họ phải có báo cáo và công khai tài chính, nhưng với doanh nghiệp chưa cổ phần hóa thì gần như không phải lo lắng việc báo cáo này. Do đó, họ gần như không phải chịu các sức ép trước cơ quan quản lý cũng như xã hội và đối tác”, ông Thịnh cho biết.

Đây không phải là lần đầu Bộ KH-ĐT phải “kêu ca” đến tận người đứng đầu Chính phủ về tình trạng không tuân thủ chế độ báo cáo theo quy định hiện hành của pháp luật. Bày tỏ quan điểm về thực trạng này, theo ông Long, ở đây thể hiện sự thiếu kỷ cương, quản lý còn lỏng lẻo.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh bình luận, vấn đề ở đây là chúng ta đã nói nhưng chưa làm quyết liệt. Điều này thể hiện vẫn còn có một bộ phận nào đó trong nền kinh tế, đơn cử như các DNNN vẫn còn được ứu ái.

“Đã đến lúc lập lại trật tự kỷ cương trong nền kinh tế nói riêng, cũng như xã hội nói chung. Có như vậy thì mới nói đến một Chính phủ hành động, liêm chính”, ông Thịnh bày tỏ.

Nguyễn Việt