TP HCM: “Cơ chế nào để doanh nghiệp phát triển bền vững”?

Nguyễn Hùng 17/03/2018 13:29

Đó là câu hỏi của nhiều đại biểu đặt ra tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP HCM với doanh nghiệp trên địa bàn đầu năm 2018, diễn ra sáng 17/3.

Hình toàn cảnh Hội nghi“Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển thành phố Hồ Chí Minh nhanh, bền vững”.

Hình toàn cảnh Hội nghi“Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển thành phố Hồ Chí Minh nhanh, bền vững”.

Con số ấn tượng, thu hơn 1000 tỷ/ngày

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí Thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, với lực lượng doanh nghiệp đông đảo chiếm hơn 1/3 cả nước, sự có mặt của các doanh nghiệp trong ngày hôm nay đều mang theo những tình cảm, trách nhiệm và  sự nhiệt huyết mong muốn đống góp cho TP HCM ngày càng phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, xứng đáng là Thành phố năng động của cả nước.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và các doanh nghiệp tham dự hội nghị.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và các doanh nghiệp tham dự hội nghị.

Đánh giá thành quả trong gần nửa nhiệm kỳ 2016-2020, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TP đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Cụ thể, TP tiếp tục khẳng là trung tâm kinh tế lớn nhất, là đầu tàu kinh tế của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 2 năm 2016-2017 đạt 8,15% (2016 – 8,05%, 2017 – 8,25%), gấp 1,25 lần 2 tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước và giúp TP giữ được tỷ trọng đóng góp cho nền kinh tế cả nước ở mức khoảng 22%. Lần đầu tiên qui mô nền kinh tế TP vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng (1.060.618 tỷ đồng).

Mặc dù năm nào Trung ương cũng giao chỉ tiêu thu ngân sách cho thành phố rất cao và năm sau cao hơn năm trước, nhưng với nỗ lực của toàn thành phố mà quan trọng nhất là đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu của TP, trung bình mỗi năm TP đóng góp 27-28% tổng thu ngân sách cả nước.

“Riêng trong năm 2017, chỉ tiêu Trung ương giao là 347.882 tỷ đồng, với tất cả sự nỗ lực phấn đấu, TP đã thu ngân sách 348.863 tỷ đồng, vượt 0,28% dự toán, tăng 14,82% so với năm 2016. Tức là trung bình mỗi ngày làm việc TP thu được hơn 1000 tỷ đồng/ngày, con số này do đâu, do chính các doanh nghiệp đóng. Đây là những con số hết sức có ý nghĩa. Hai tháng đầu năm 2018, thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 62.414 tỷ đồng, đạt 16,56% dự toán, tăng 5,42% so cùng kỳ” - ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Dù vậy, Bí thư thành ủy TP HCM cũng nhìn nhận, cùng với những kết quả đạt được, TP đã và đang xuất hiện nhiều thách thức cản trở sự phát triển. Năm 2017, Lãnh đạo TP cùng với các ngành, các cấp đã tiến hành phân tích, đánh giá đồng bộ, hệ thống sâu sắc nhất về những thành tựu và những hạn chế, yếu kém trong phát triển thành phố hơn 30 năm qua, chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, khách quan, khi tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phát triển TPHCM đến năm 2020.

Nêu cao vai trò của doanh nhân trong thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị…

Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 09-12-2011 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã nêu vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Trong đó nêu rõ: “Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế”.

ông Nguyễn Xuân Hàn – phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM,

Ông Nguyễn Xuân Hàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM, phát biểu tham luận tại hội nghị.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Hàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM, cho rằng: năm 2009, Bộ Chính trị đã có thông báo kết luận về tổ chức cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thủ tướng cũng đã ban hành chỉ thị 494 về việc sử dụng vật tư, hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.

Và để đưa chỉ này vào cuộc sống, các bộ ngành đã tham mưu cho Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản pháp luật quan trọng và các địa phương cũng đã có những chỉ đạo cụ thể. Và sau gần 8 năm thực hiện chỉ thị của Chính phủ, việc tăng cường sử dụng thiết bị, máy móc, vật tư trong nước sản xuất được trong đầu tư công tại TP HCM nói riêng và cả nước nói chung đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, việc triển khai chỉ thị 494 tại các bộ, ngành, địa phương vẫn còn một số những vướng mắc dẫn đến việc sử dung máy móc, thiết bị, vật tư trong nước còn một số những bất cập và hạn chế.

Doanh nghiệp Việt đã phải đứng ngoài nhìn hoặc đóng vai trò là nhà thầu phụ nhiều dự án ngay trên đất nước mình là những bức xúc lớn nhất của các doanh nghiệp Việt hiện nay. Do vậy, cần nâng cao hiệu quả việc thực hiện chỉ thị 494 để nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp của Thành phố tham gia các dự án đầu tư công của thành phố trong thời gian tới là hết sức có ý nghĩa và quan trọng trong việc thúc đẩy nội lực kinh tế thành phố.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, nhận định: TP HCM có gần 13 triệu dân, trong đó có khoảng 03 triệu người nhập cư. Tốc độ tăng dân số bình quân của thành phố là 3,5%/năm, trong đó tốc độ tăng dân số cơ học là 2,3%/năm, gấp đôi mức tăng dân số tự nhiên. Trung bình mỗi năm dân số thành phố tăng khoảng hơn 200.000 người, trong đó, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên rất thấp (năm 2017 chỉ có gần 60.000 cháu chào đời, giảm 2,3% so với năm 2016), chủ yếu là tăng dân số cơ học từ người nhập cư. Cứ mỗi 05 năm, thành phố tăng dân số khoảng hơn 01 triệu người tương đương dân số 01 quận đã đặt ra câu hỏi rất lớn về giải pháp nào để đảm bảo nhà ở cho đối tượng này - ông Châu đặt câu hỏi.

Vì vậy,  Hiệp hội đề nghị quy định điều kiện để xét nhập hộ khẩu với diện tích ở tối thiểu bình quân 15m2/người (tương tự như thành phố Hà Nội đang áp dụng 15m2/người) và chỉ áp dụng đối với người nhập cư (tăng cơ học) xin nhập hộ khẩu, và không áp dụng điều kiện 15m2/người đối với các trường hợp xin nhập hộ khẩu do quan hệ hôn nhân, huyết thống, người bảo hộ theo pháp luật quy định. Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chính quyền điện tử, 01 cửa liên thông để rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính (thời gian là tiền bạc, là cơ hội, là sức cạnh tranh) để khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực vẫn còn hiện nay.

Kết luận tại hội nghị, Bí thư thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: “Đề nghị lãnh đạo UBND TP khẩn trương chủ trì, chỉ đạo các sở, ban, ngành nghiên cứu những nội dung hiến kế của các doanh nghiệp hôm nay để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện. Đối với những ý kiến đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp tại Hội nghị và những kiến nghị còn tồn tại chưa giải quyết, chỉ đạo các cơ quan giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với Trung ương, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp để huy động tối đa nguồn lực của doanh nhân, doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh. Thể hiện rõ, thiết thực, cụ thể theo chủ đề “Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển TP HCM nhanh, bền vững”.

Nguyễn Hùng