Kinh tế Việt Nam 2018 vẫn đối diện với nhiều thách thức
Trình bày báo cáo về "Kinh tế Việt Nam năm 2017 và triển vọng năm 2018: Tháo gỡ khó khăn với sự phát triển của doanh nghiệp", PGS TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế quốc dân khẳng định: Năm 2017, kinh tế Việt Nam đã đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng sang năm 2018 nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức.
“Kết quả nghiên cứu báo cáo cho thấy, kinh tế Việt Nam 2017 đã đạt được những kết quả khả quan. Ở khu vực kinh tế chính thức, tăng trưởng trưởng kinh tế đạt 6,81%, cao hơn kế hoạch 6,7%, và là mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Dù vậy, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức”, ông Đạt nhấn mạnh.
Theo báo cáo đánh giá kinh tế thường niên 2018, hiện tại, chất lượng tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện, nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào gia tăng tổng đầu tư và tăng trưởng tín dụng trong khi chất lượng của các nguồn lực vẫn còn thấp.
“Cách thức tăng trưởng hiện nay khiến dư địa tác động chính sách bị thu hẹp, những chính sách quản lý tổng cầu gây sức ép lên lạm phát hay bất ổn tài chính. Hệ thống tài chính tiền tệ vẫn đang phải xử lý vấn đề nợ xấu và tỷ lệ an toàn vốn còn mỏng. Ngoài ra, thâm hụt ngân sách và nợ công gia tăng tiếp tục là rủi ro vĩ mô lớn của nền kinh tế”, báo cáo chỉ rõ.
Mặt khác, FDI hiện được coi là động lực tăng trưởng chính, nhưng sản xuất của khu vực này chủ yếu mang tính gia công và gây ô nhiễm môi trường, động lực từ khu vực này đóng góp thiếu bền vững vào tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, dễ đẩy kinh tế Việt Nam vào bẫy thu nhập thấp.
Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp còn đối diện với nhiều rào cản phát triển. “Khoảng 98% tổng số doanh nghiệp hiện đang hoạt động là thuộc khu vực kinh tế tư nhân, trong đó đại đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thu lỗ tăng cao liên tục từ năm 2012, và hiện nay lên đến hơn 48% tổng số doanh nghiệp. Trong ba khu vực, các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI có tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ hơn hẳn so với doanh nghiệp nhà nước. Nếu doanh nghiệp FDI thua lỗ có thể một phần từ hoạt động chuyển giá, thì con số 48% doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân thua lỗ, so với hơn 16% doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước thua lỗ, đã phản ánh rõ nét những khó khăn rất lớn của khu vực kinh tế tư nhân”, báo cáo chỉ rõ.
Cũng theo báo cáo, đối với doanh nghiệp, việc tiếp cận tín dụng vẫn được coi là một trong những trở ngại lớn nhất khiến cho doanh nghiệp khó phát triển. Ngoài nguyên nhân thủ tục vay còn phức tạp thì vấn đề không đủ điều kiện tài sản thế chấp là một vấn đề lớn mà các doanh nghiệp tư nhân phải đối mặt. Lãi suất cao và chi phí lót tay, quà tặng cũng chính là những rào cản lớn khiến hạn chế vốn vay và tăng chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Trong quá trình xử lý các hồ sơ xin vay từ các tổ chức tín dụng, vẫn tồn tại sự đối xử với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn.
Đặc biệt, chi phí phi chính thức gây ra bởi thủ tục hành chính vẫn còn là rào cản lớn với doanh nghiệp. Trong lĩnh vực hải quan còn tồn tại nhiều vấn đề như kiểm tra chuyên ngành. Nổi bật nhất trong số đó là sự chồng chéo trong quy định và phân công quản lý của các bộ quản lý chuyên ngành. Bên cạnh đó, các quy định hay thay đổi là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp gặp khó trong việc cải cách thủ tục thuế quan.
Để vượt qua những vấn đề tồn tại và thách thức trên, báo cáo đã đưa ra khuyến nghị khẳng định chính thức tăng tổng cung cần được tập trung với quyết tâm lớn trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Đi theo định hướng này, việc giảm chi phí về sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp cần được coi là một ưu tiên chính sách. Theo đó, việc tháo gỡ rào cản làm giảm khả năng tiếp cận hoặc tăng chí phí tiếp cận các yếu tố sản xuất và chi phí thực hiện nghĩa vụ nhà nước.