Tăng trưởng kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ khả quan

Huyền Trang 22/03/2018 21:02

Tham dự Hội thảo Quốc gia triển vọng kinh tế Việt Nam 2018 được Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức sáng 22/3 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia khẳng định, tăng trưởng kinh tế quý I/2018 vẫn đang duy trì tốc độ khả quan.

Theo đó, báo cáo của nhóm nghiên cứu cho thấy kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ hài hòa hơn chứ không có bước nhảy vọt như năm trước vì chưa thấy nhiều yếu tố đột biến. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh không thể lơ là trước vấn đề lạm phát khi chỉ số này đang có dấu hiệu tăng trở lại. Chất lượng tăng trưởng chưa có cải thiện, nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào gia tăng tổng đầu tư và tăng trưởng tín dụng, trong khi chất lượng của các nguồn lực vẫn còn thấp.

Một số liệu thống kê đáng chú ý đã được công bố đó là, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ tăng cao liên tục từ năm 2012 và hiện lên đến hơn 48% tổng số doanh nghiệp đối với khu vực kinh tế tư nhân. Tỷ lệ này ở doanh nghiệp Nhà nước là 16%. Điều này cho thấy, còn nhiều rào cản phải tháo gỡ về cơ chế, chi phí, thủ tục. Nhiều chuyên gia thể hiện cái nhìn khả quan về kinh tế 2018.

Nhiều chuyên gia thể hiện cái nhìn khả quan về kinh tế 2018.

Kết quả nghiên cứu của báo cáo cho thấy, kinh tế Việt Nam năm 2017 đã đạt được những kết quả khả quan. Tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, cao hơn kế hoạch 6,7%, và là mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Động lực tăng trưởng chủ yếu về phía sản xuất là vai trò của khu vực FDI với ngành công nghiệp chế biến chế tạo và sự tăng trưởng của ngành dịch vụ; về phía cầu là từ nhu cầu chi tiêu nội địa ổn định và chi đầu tư từ khu vực tư nhân gia tăng. Môi trường kinh doanh được cải thiện đã tạo điều kiện tốt hơn cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Khu vực kinh tế đối ngoại đạt được những con số ấn tượng. Kim ngạch XNK hàng hóa tăng mạnh dẫn đến thặng dư cán cân thương mại hàng hóa ở mức 2,7 tỷ USD. Vốn FDI giải ngân đạt mức kỷ lục 17,5 tỷ USD. Lạm phát năm 2017 được kiểm soát ở mức thấp và tỷ giá ổn định.

Với những thuận lợi từ thế giới, và động lực từ phía khu vực FDI và sự vươn lên của khu vực tư nhân; từ ngành dịch vụ và công nghiệp chế biến chế tạo; từ nhu cầu nội địa gia tăng, các tác giả dự báo kinh tế Việt Nam năm 2018 có thể tăng trưởng ở mức 6,6-6,8% với mức lạm phát duy trì ở dưới 4%.

Bên cạnh đó, báo cáo lựa chọn chủ đề các rào cản phát triển đối với doanh nghiệp thông qua đánh giá thực trạng và những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng chính thức (theo đó tác động đến chi phí vốn), chi phí lao động và chi phí cơ sở hạ tầng logistics, chi phí thực hiện nghĩa vụ thuế và hải quan của doanh nghiệp.

Từ đó, các tác giả đã đề xuất các kiến nghị chính sách nhằm tháo gỡ các rào cản trên thị trường yếu tố (vốn, lao động, cơ sở hạ tầng logistics) và chính sách thuế, hải quan; với mục tiêu tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển của các DN nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Toàn cảnh buổi công bố ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017.

Toàn cảnh buổi công bố ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017.

Đồng thời, cũng trong hôm nay ấn phẩm công bố ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017 của trường Đại học Kinh tế Quốc dân với chủ đề: Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp chính thức được công bố.

Theo đó, ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017: Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp” (do GS.TS Trần Thọ Đạt và PGS.TS. Tô Trung Thành đồng chủ biên) đã đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2017 trên bốn khu vực vĩ mô chính của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực kinh tế đối ngoại, khu vực ngân sách) cũng như đánh giá tổng quan khu vực doanh nghiệp; đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018, từ đó khuyến nghị chính sách cho năm 2018 và các năm tiếp theo.

Huyền Trang