Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân 2018: Gạch son nối quá khứ với hiện tại và tương lai

Minh Hương - Lê Linh 23/03/2018 10:35

Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Hướng về cội nguồn, tri ân công đức to lớn của Nữ tướng Lê Chân - người có công dựng lên trang An Biên xưa - TP Hải Phòng ngày nay, là ý nghĩa nhân văn xuyên suốt của lễ hội.

Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân là lễ hội thường niên được tổ chức tại Hải Phòng vào đầu tháng 2 âm lịch, thu hút đông đảo nhân dân và du khách bốn phương.

p/Tượng Nữ tướng Lê Chân uy nghi giữa trung tâm thành phố Hải Phòng.

Tượng Nữ tướng Lê Chân uy nghi giữa trung tâm thành phố Hải Phòng.

Hướng về cội nguồn

Năm 2018, thành phố Hải Phòng quyết định nâng tầm Lễ hội lên quy mô cấp thành phố. Vì vậy, ngoài các hoạt động rước, tế lễ theo nghi thức truyền thống, chuỗi các hoạt động trong phần hội được đầu tư công phu và mang tính nghệ thuật cao. Tất cả đều nhằm tái hiện không gian văn hóa làng quê Việt và gợi nhớ cội nguồn khi mới hình thành vùng đất Hải Phòng.

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 22 đến 24-3 (tức ngày 6 đến 8-2 năm Mậu Tuất) tại quần thể Khu di tích Nữ tướng Lê Chân bao gồm: Tượng đài Nữ tướng Lê Chân (Điểm chính tổ chức Lễ khai mạc), Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đền Nghè và Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đình An Biên.

  Kế thừa và phát huy tinh thần quật cường của Nữ tướng Lê Chân, người dân Hải Phòng luôn nỗ lực xây dựng thành phố ngày một phát triển văn minh, hiện đại...

Trong 3 ngày hội, người dân Hải Phòng tổ chức nhiều hoạt động để tưởng nhớ cũng như bày tỏ lòng ngưỡng vọng và biết ơn đối với Đương cảnh Thành hoàng Nam Hải Uy linh Thượng đẳng tôn thần Thánh Chân Công chúa, vị Nữ tướng tài ba đã cùng với Hai Bà Trưng chống lại quân xâm lược nhà Đông Hán thế kỷ I.
Theo "Hải Phòng An Biên thần tích bi" còn được lưu giữ tại đền Nghè, Nữ tướng Lê Chân đã gây dựng căn cứ và tuyển mộ nghĩa quân chống quân Đông Hán dưới ngọn cờ của Hai Bà Trưng tại nơi đây và bà cũng là người có công đầu trong việc khai phá lập nên trang An Biên xưa (còn được biết đến là trấn Hải Tần Phòng Thủ) - tiền thân của Hải Phòng ngày nay. Nhân dân Hải Phòng tôn vinh Thánh mẫu Lê Chân như “Thành hoàng” của thành phố.

Lễ rước cổ trong lòng thành phố

Điểm nhấn đặc sắc của Lễ khai mạc chính là Lễ rước truyền thống với sự tham gia của gần 1000 người. Hải Phòng có hơn 400 lễ hội nhưng lễ rước cổ tại Lễ hội Nữ tướng Lê Chân là duy nhất, tạo nên nét đẹp khác biệt trong lễ hội văn hóa tâm linh.

Ban tổ chức lễ hội cùng các chuyên gia văn hóa đã cố gắng thu thập tài liệu về lễ rước cổ để phục dựng và tái hiện lại chính xác nhất.

Lễ Rước gồm 2 đoàn rước: (Đoàn 1) từ Đền Nghè đi theo lộ trình: đường Lê Chân - Mê Linh - Nguyễn Đức Cảnh – Trần Phú – Đinh Tiên Hoàng – Trần Hưng Đạo (Nhà hát thành phố) - Quang Trung - Tượng đài Nữ tướng Lê Chân; (Đoàn 2) từ Đình An Biên đi theo lộ trình: đường Hai Bà Trưng - Cát Cụt - Nguyễn Đức Cảnh - Tượng đài Nữ tướng Lê Chân.

Bên cạnh phần lễ rước còn diễn ra các: lễ cáo yết, lễ dâng hương, lễ tạ… Tất cả đều theo nghi thức truyền thống.

Lễ khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân diễn ra vào 19 giờ 30 ngày 23/3/2018, với phần lễ và phần hội (biểu diễn nghệ thuật) đặc sắc. Ngoài phần lễ, phần hội cũng được tổ chức phong phú như: Khai mạc Chợ quê, Giải chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân quanh hồ Tam Bạc; Biểu diễn võ dân tộc tại Trung tâm triển lãm thành phố; Lễ đọc Chúc văn; Biểu diễn trống hội cùng nhiều hoạt động khác…

Sau nhiều năm phục dựng và phát triển, năm 2016, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Trong buổi kiểm tra, làm việc mới đây với thành phố, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu: Hải Phòng đã “cất cánh” với mức tăng trưởng cao, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước. Hải Phòng phải trở thành một trung tâm kinh tế lớn, thành phố đổi mới sáng tạo, là một cực tăng trưởng của cả nước!

p/Lễ rước cổ trong Lễ hội Nữ tướng Lê Chân.

Lễ rước cổ trong Lễ hội Nữ tướng Lê Chân.

Năm 2017, tốc độ tăng trưởng (GRDP) của Hải Phòng tăng 14,01%; thu nhập bình quân đầu người đạt 3.770 USD, cao gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước; kim ngạch xuất khẩu tăng 22,2%; sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 92,05 triệu tấn; khách du lịch đạt trên 6,7 triệu lượt; thu ngân sách 71.700,3 tỷ đồng, tăng 20,68% so với năm 2016, giữ vị trí thứ hai về thu ngân sách các tỉnh phía Bắc sau Hà Nội; trong đó thu nội địa có bước tăng vọt, đạt 21.500,3 tỷ đồng; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, nằm trong nhóm 10 địa phương hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư; 4 năm liên tục Hải Phòng xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về cải cách hành chính; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 7 bậc (21/63)…

Hàng loạt dự án lớn vừa được khánh thành, đã và sắp khởi công như: Nhà máy ô tô Vinfast; Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, vui chơi giải trí đảo Cát Bà; Trung tâm thương mại Aeon Mall - Nhật Bản; Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, Tuyến đường bộ ven biển, Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao của Tập đoàn LGD, cầu vượt biển Tân Vũ- Lạch Huyện; cầu vượt Lê Hồng Phong, cầu vượt Nguyễn Bỉnh Khiêm; cầu Tam Bạc... 

Minh Hương - Lê Linh