Tiếp tục cháy ở TP HCM và lời cảnh tỉnh: Đừng lơ là với "giặc lửa"
Chiều nay (24/3), Khách sạn trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5, TP.HCM) bốc cháy ngùn ngụt khiến nhiều người mắc kẹt. Cảnh sát giải cứu được 19 người kẹt ở đám cháy, trong đó có 11 người nước ngoài.
Khách sạn trên đường Trần Hưng Đạo (TP.HCM) bốc cháy ngùn ngụt khiến nhiều người mắc kẹt. Cảnh sát giải cứu được 19 người kẹt ở đám cháy, trong đó có 11 người nước ngoài.
Thông tin ban đầu, chiều 24/3, nhiều người dân lưu thông trên đường Trần Hưng Đạo phát hiện khói lửa bốc lên từ một khách sạn tại địa chỉ số 1025 - 129 (phường 5, quận 5) nên hô hoán kêu cứu.
Lực lượng tại chỗ cố gắng tiếp cận huy động bình cứu hỏa mini tiếp cận khống chế đám cháy nhưng trong không gian hẹp, kín, khói tỏa mù mịt nên việc tiếp cận gặp khó khăn.
Những nhân viên cùng người dân ở bên trong tháo chạy ra ngoài, tuy nhiên nhiều người vẫn còn đang mắc kẹt. Cảnh sát PCCC TP.HCM huy động hai phương tiện cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ đến hiện trường triển khai xe thang giải cứu người mắc kẹt.
Cảnh sát phá cửa, mang mặt nạ phòng độc tiếp cận các khu vực có khói đưa các nạn nhân ra ngoài an toàn. Tuyến đường được phong tỏa, điện được cắt để đảm bảo an toàn.
Đại uý Trần Quang Sơn – Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận 8, TP.HCM cho biết đơn vị nhận tin báo lúc 15 giờ 23, cảnh sát PCCC quận 8 phối hợp với Cảnh sát PCCC quận 1 triển khai dập lửa cứu người. Theo đó, có 19 người (11 du khách nước ngoài và 8 người Việt Nam) được giải cứu an toàn.
Theo cảnh sát, đám cháy không gây thiệt hại về người, vị trí xuất phát cháy là khu vực phòng kế toán ở tầng 3 của khách sạn.
“Chúng tôi đã yêu cầu chi viện thêm từ Phòng cảnh sát PCCC quận 1 đến cùng dập tắt đám cháy và cứu nạn. Lực lượng PCCC đã triển khai 2 máy hút khói và nhiều vòi chữa cháy. Chúng tôi cứu được 19 người, trong đó có 11 người nước ngoài, không có trường hợp thương vong nào", thượng úy Trần Quang Sơn cho biết thêm.
Nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra làm rõ.
Hàng loạt vi phạm về PCCC tại các chung cư nói riêng và tình trạng vi phạm an toàn cháy, nổ tại các khu dân cư nói chung chưa bao giờ hết “nóng” trong nhiều năm qua, do đó nỗi lo hỏa hoạn luôn thường trực trong cộng đồng dân cư ở một số tòa nhà. Hiện nay, chi phí để hoàn thiện hệ thống PCCC chiếm khoảng 2% tổng vốn đầu tư công trình. Đối với chung cư quy mô vừa, chi phí này khoảng 15-20 tỷ đồng. Thế nhưng, mức xử phạt hiện nay đối với hành vi vi phạm về PCCC trong đầu tư, xây dựng được quy định tại Nghị định 52/2012/NĐ-CP chỉ từ 10 đến 30 triệu đồng - một con số quá nhỏ, không đủ tính răn đe đối với các chủ đầu tư. Do đó, không ít chủ đầu tư vẫn đang coi thường “bà hỏa”, ngang nhiên thi công công trình mà không cần cơ quan chức năng thẩm duyệt về PCCC hoặc hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt về PCCC một đằng, nhưng khi tiến hành xây dựng lại thực hiện một nẻo. Nhiều chủ đầu tư trong quá trình thi công sẵn sàng thay đổi tính chất, công năng sử dụng công trình nhưng không thực hiện thẩm duyệt bổ sung về PCCC, không duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn về PCCC... Ngoài ra, nhiều trường hợp muốn khắc phục, nhưng không có kinh phí thực hiện. Chưa kể, nhiều chung cư đã xây dựng được hơn mười năm nên khó để tu sửa, lắp đặt lại hệ thống PCCC. Trong khi mức xử phạt được quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP so mức phạt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hoặc một số lĩnh vực khác thì mức phạt trong lĩnh vực PCCC chưa đủ sức răn đe, dẫn đến nhiều đơn vị chủ đầu tư coi thường, cố tình vi phạm, chấp nhận mức phạt và tiếp tục vi phạm. Hiện nay, mỗi cơ quan quản lý lại cấp những loại chứng nhận khác nhau, chưa có sự thống nhất, tùy tiện “mỗi nơi một kiểu”. Chẳng hạn, Cục Giám định cấp chứng nhận về độ chịu lực của công trình, cảnh sát PCCC chứng nhận các tiêu chuẩn về PCCC... nên chưa có một đơn vị nào đứng ra làm đầu mối cấp một loại chứng nhận chung để xác nhận công trình đủ các điều kiện an toàn trước khi đưa vào sử dụng. |