Đảm bảo sự thịnh vượng tương lai của GMS

Cẩm Anh 29/03/2018 07:45

Hôm nay (29/3), các hoạt động đầu tiên của đợt Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong (GMS-6) và Hợp tác Khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV-10) sẽ diễn ra tại Hà Nội để thảo luận về tương lai khu vực. Đây là cơ hội để các nhà lãnh đạo các nước GMS nắm bắt những cơ hội mới, bao gồm việc tích hợp các công nghệ mới trong các lĩnh vực khác nhau như giáo dục, nông nghiệp, y tế và tài chính.

GMS gồm các nước Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

GMS gồm các nước Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Các quốc gia GMS đã đạt được tiến bộ đáng kể trong vòng 25 năm qua. Họ là những ví dụ điển hình trong việc vươn lên sau đói nghèo và đạt nhiều thành công về kinh tế.

Chương trình hợp tác kinh tế GMS đã góp phần đáng kể cho sự chuyển đổi này. Kể từ khi được thành lập vào năm 1992 như một phương tiện tăng cường quan hệ kinh tế  và thúc đẩy hợp tác khu vực, 6 nước thành viên - Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã xây dựng nền tảng cho hợp tác kinh tế, huy động được gần 21 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tiểu vùng đã tăng gấp 10 lần và thương mại giữa các nước đã tăng từ 5 tỷ USD lên hơn 414 tỷ USD.

Mặc dù vậy, giới quan sát nhận định, khu vực tiểu vùng sông Mekong đang phải đối mặt với những thách thức đối với sự thịnh vượng của mình. Tiếp tục giảm nghèo, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, hiệu suất năng lượng, an ninh lương thực và đô thị hoá bền vững vẫn là những ưu tiên của Chương trình GMS. Các quốc gia cũng phải đối mặt với những thách thức mới, bao gồm sự bất bình đẳng gia tăng, mức độ di cư xuyên biên giới ngày càng tăng và tác động tiềm ẩn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với việc làm.

Khi các nhà lãnh đạo GMS tập trung tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 6 tuần này, đây là thời điểm tốt để xem xét một thế hệ sáng kiến mới có thể đảm bảo Chương trình GMS vẫn phù hợp và đáp ứng nhu cầu của tiểu vùng như thế nào.

Các nước GMS đã xác định sẽ có 227 dự án mới trị giá khoảng 66 tỷ USD theo khuôn khổ Đầu tư khu vực GMS 2018-2022. Các dự án này sẽ mở rộng sự thịnh vượng kinh tế bằng cách phát triển cơ sở hạ tầng vận tải và năng lượng xuyên biên giới.

Kế hoạch hành động Hà Nội và Khung đầu tư khu vực GMS 2022 đều sẽ được đề xuất để thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh, tạo nền tảng cho các quốc gia tăng cường hợp tác thông qua đổi mới liên tục. Hai văn kiện này sẽ tập trung hơn vào các mục tiêu chiến lược của Chương trình GMS nhằm tăng cường kết nối, khả năng cạnh tranh và tính cộng đồng trong tiểu vùng.

Kết nối, mục tiêu đầu tiên đã được cải thiện đáng kể. Hơn 10.000 km đường giao thông mới hoặc nâng cấp và 3.000 km đường truyền tải và phân phối đã được bổ sung vào chương trình. Các mạng lưới vận tải này đã được chuyển đổi thành một mạng lưới liên kết của hành lang kinh tế xuyên quốc gia, mở rộng lợi ích của sự tăng trưởng đến các vùng sâu vùng xa. Kế hoạch Hành động Hà Nội kêu gọi tiếp tục mở rộng các hành lang kinh tế này để tăng cường khả năng kết nối cả trong nước và giữa các nước.

Khả năng cạnh tranh của tiểu vùng đang được cải thiện thông qua các nỗ lực liên tục nhằm tạo thuận lợi cho giao thông và thương mại, tăng cường xuất khẩu nông nghiệp và quảng bá GMS như một điểm du lịch chung sau khi đón tiếp số lượng kỷ lục 60 triệu du khách vào năm 2016. Trong tương lai, các nước cần tiếp tục cắt giảm sự quan liêu và loại bỏ những rào cản còn lại đối với vận tải và thương mại.

Cũng có những cơ hội đang nổi lên cho khu vực, bao gồm việc tích hợp các công nghệ mới trong các lĩnh vực như giáo dục, nông nghiệp, y tế và tài chính. Các quốc gia GMS nằm ở nút giao giữa Nam Á và Đông Nam Á, và do đó có thể hưởng lợi từ đà tăng trưởng của Nam Á.

Cuối cùng, cộng đồng đang được củng cố thông qua các sáng kiến xuyên biên giới để kiểm soát sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, mở rộng cơ hội giáo dục, bảo vệ đa dạng sinh học phong phú của tiểu vùng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Các nước GMS đã đồng ý với những cam kết thực hiện các mục tiêu Phát triển Bền vững và Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu.

Ông Takehiko Nakao - chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, ADB dự kiến sẽ cung cấp thêm 7 tỷ USD cho các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mêkong trong 5 năm tới cho một loạt các dự án hỗ trợ vận tải, du lịch, năng lượng, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, chuỗi giá trị nông nghiệp và phát triển đô thị.

"Để thực hiện các dự án này và tiến tới đạt được các ưu tiên khác như kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm và bảo vệ môi trường, mối quan hệ đối tác mạnh mẽ là rất quan trọng. Chương trình GMS phụ thuộc vào sự hợp tác của nhiều bên liên quan, bao gồm chính quyền địa phương và cộng đồng, các đối tác phát triển, giới học giả và giới truyền thông, phù hợp với tiêu chí của ADB", ông Nakao nói.

GMS sẽ được hưởng lợi từ các mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với các nền tảng hợp tác khu vực và toàn cầu, dẫn tới các cơ hội mới cho sự phát triển trong tương lai.

Quan hệ đối tác với khu vực tư nhân cũng sẽ ngày càng trở nên quan trọng, và ông Nakao thể hiện sự hài lòng khi nhìn thấy những quan hệ này được tăng cường thông qua Hội đồng Doanh nghiệp GMS, Sáng kiến Kinh doanh Mekong, Nền tảng Thương mại Điện tử, các diễn đàn du lịch và nông nghiệp GMS, và Hội nghị ngành Tài chính và Tài chính Thương mại gần đây.

Ông Nakao cũng lạc quan rằng, các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong sẽ giải quyết những thách thức và tận dụng những cơ hội đang nổi lên. Bằng cách làm việc cùng nhau, các nước GMS có thể tăng trưởng nhanh chóng, bền vững và bao trùm trong 25 năm tới và hơn thế. ADB sẽ tiếp tục là một đối tác quan trọng và đáng tin cậy trong nỗ lực đó.

Cẩm Anh