Việt Nam thuộc vào nhóm ít công khai thông tin ngân sách nhất thế giới
Xếp hạng chỉ số công khai ngân sách (OBI) Việt nam hiện nay thuộc vào nhóm thứ 5 - nhóm ít công khai nhất (đạt 0 - 20 điểm xếp hạng trên 100), gồm 27 nước được coi là ít hoặc không công khai thông tin ngân sách.
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo “Công bố chỉ số công khai ngân sách nhà nước Việt Nam (OBI) và chỉ số công khai ngân sách nhà nước tỉnh (POBI) 2017”, do Trung Tâm Phát Triển và Hội Nhập được tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Theo đó, kết quả chỉ số Công khai ngân sách (OBI) 2017 của Việt Nam ở trụ cột thứ nhất ghi được 15 điểm xếp hạng trên 100, giảm nhẹ 3 điểm, so với mức trung bình toàn cầu là là 42/100 điểm (giảm 2 điểm so với vòng đánh giá năm 2015 là 45/100 điểm).
Xếp hạng OBI Việt Nam hiện nay thuộc vào nhóm thứ 5 - nhóm ít công khai nhất (đạt 0 - 20 điểm xếp hạng trên 100), gồm 27 nước được coi là ít hoặc không công khai thông tin ngân sách.
So với khu vực, Việt Nam chỉ đứng trên Myanmar, còn những nước như Philippines đạt 67/100, Indonesia đạt 64/100 và được xếp hạng tốt đầy đủ. Điều này cho thấy công chúng được cung cấp ít thông tin về ngân sách và việc công bố thông tin và tài liệu ngân sách chưa kịp thời, hoặc công bố chậm hơn các công lệ tốt của quốc tế.
Ở trụ cột thứ 2 về sự tham gia của công chúng, Việt Nam chỉ ghi được 7 điểm xếp hạng trên 100, trong khi mức trung bình toàn cầu là 12 điểm. Xếp hạng thấp ở trụ cột này có nghĩa là các cơ quan lập pháp, hành pháp và kiểm toán tạo rất ít cơ hội và chưa có cơ chế để cho công chúng tham gia vào các quá trình ngân sách.
Về tiêu chí giám sát, Việt Nam ghi được 72/100 đối với giám sát ngân sách của cơ quan lập pháp và 72/100 đối với giám sát ngân sách của cơ quan kiểm toán. Cụ thể, giám sát trong quá trình lập kế hoạch ngân sách là đầy đủ và trong quá trình thực thi là hạn chế
Bình luận về vấn đề này, ông Joel Friedman, nghiên cứu cấp cao của tổ chức Đối tác ngân sách Quốc tế (IBP) nhìn nhận rằng: “Tình trạng thiếu minh bạch ngân sách của nhiều quốc gia đặt ra thách thức trong việc thực hiện các cam kết quốc tế như cam kết về mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc, ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia trong đầu tư tài chính quốc tế và cuộc sống của người dân”.
Đồng thời, ông này cũng cho biết thêm Việt Nam có triển vọng ghi được 60 điểm xếp hạng về tính minh bạch ngân sách sau khi áp dụng Luật Ngân sách 2015, bao gồm việc công khai bản dự thảo dự toán ngân sách.
“Việt Nam đã đạt được xếp hạng chuẩn về giám sát ngân sách, nhưng vẫn còn thấp trong bảng xếp hạng, nhất là về cơ chế và cơ hội cho người dân tham gia. Việt Nam có thể tốt hơn nữa, khi có các cơ chế đối thoại, thảo luận về ngân sách trực tiếp hơn với người dân”, chuyên gia này nói.
Về vấn đề này, bà Ngô Minh Hương, Trung tâm Phát triển và Hội nhập cho rằng: “Quá trình thực hiện OBI năm 2017 đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các cơ quan Chính phủ, Quốc hội và kiểm toán của Việt Nam để hiểu hơn về thông lệ tốt của quốc tế trong minh bạch ngân sách từ đó có thể xây dựng luật pháp, cơ chế, chính sách về tài khóa và cơ chế công khai ngân sách một cách thích hợp”.
Theo quan điểm của bà Hương thì Luật ngân sách 2015 đã có nhiều điều khoản thúc đẩy mạnh mẽ công khai minh bạch ngân sách nên tới kỳ khảo sát 2019, Việt Nam có thể tăng xếp hạng minh bạch ngân sách. Do vậy, Việt Nam có thể tăng uy tín với các đối tác và nhà đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, bà Hương cũng cho rằng, ngoài việc công bố tài liệu ngân sách, Việt Nam cần nâng cao chất lượng và sự đầy đủ thông tin ngân sách và cần có cơ chế tạo cơ hội cho sự tham gia của công chúng thì mới có thể đưa được xếp hạng lên thứ hạng cao như Philippines và Indonesia trong khu vực.