Đà Nẵng xử phạt như thế nào vụ người Trung Quốc thuyết minh xuyên tạc lịch sử?

Kiều Vũ 03/04/2018 17:14

Sở Du lịch TP Đà Nẵng vừa thông báo kết quả điều tra chính thức về vụ việc người Trung Quốc thuyết minh sai lệch văn hóa, lịch sử Việt Nam tại Bảo tàng Đà Nẵng trong clip trên mạng xã hội.

Ông Trần Chí Cường – Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, tối ngày 28/02/2018, trên mạng xã hội (facebook) có đăng tải clip về 01 người phụ nữ thuyết minh bằng tiếng Trung Quốc cho đoàn khách Trung Quốc tại Bảo tàng Đà Nẵng, nội dung thuyết minh sai lệch lịch sử, văn hóa Việt Nam. Sau khi tiếp nhận thông tin, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiến hành xác minh vụ việc.

Người phụ nữ thuyết minh sai lệch văn hóa, lịch sử Việt Nam tại Bảo tàng Đà Nẵng tên WANG JIHONG, quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh với mục đích du lịch và đã xuất cảnh khỏi Việt Nam từ ngày 02/3/2018

Người phụ nữ thuyết minh sai lệch văn hóa, lịch sử Việt Nam tại Bảo tàng Đà Nẵng tên WANG JIHONG, quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh với mục đích du lịch và đã xuất cảnh khỏi Việt Nam từ ngày 02/3/2018

Theo đó, người phụ nữ thuyết minh cho khách Trung Quốc trong clip có tên là WANG JIHONG, quốc tịch Trung Quốc, sinh năm 1970, được Chi nhánh Công ty TNHH Du lịch Eviva tại Đà Nẵng bảo lãnh gia hạn tạm trú đến ngày 23/3/2018 với mục đích du lịch.

Có thể bạn quan tâm

  • Đã tìm được người phụ nữ Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam

    Đã tìm được người phụ nữ Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam

    09:51, 11/03/2018

  • Vụ người Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam: Tổng cục Du lịch lên tiếng

    11:00, 05/03/2018

Kết quả điều tra cho thấy, vụ việc xảy ra được clip ghi nhận là vào ngày 26/02/2018 (tức xảy ra 2 ngày trước khi clip được đăng tải trên mạng xã hội) Wang Jihong có lời thuyết minh sai lệch về lịch sử và văn hóa Việt Nam cho nhóm khách gồm 04 người, bà Wang Jihong đã nói áo dài Việt Nam xuất phát từ sườn xám của Trung Quốc và Việt Nam trước đây là một khu vực nhỏ thuộc Trung Quốc. Hiện bà Wang Jihong đã xuất cảnh khỏi Việt Nam từ ngày 02/3/2018.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ngày 22/3/2018, Sở đã có Công văn đề nghị Công an thành phố Đà Nẵng xử lý Chi nhánh Công ty TNHH Du lịch Eviva tại Đà Nẵng về hành vi không thực hiện đúng trách nhiệm của đơn vị bảo lãnh nhập cảnh người nước ngoài. Đồng thời có văn bản đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an đưa trường hợp bà Wang JiHong vào diện chưa cho nhập cảnh vào Việt Nam và xem xét lại việc thực hiện bảo lãnh nhập cảnh cho khách du lịch của Chi nhánh Công ty TNHH Du lịch Eviva tại Đà Nẵng.

Về đơn vị thực hiện chương trình du lịch và hướng dẫn viên hướng dẫn du lịch cho 04 khách Trung Quốc trong clip, qua xác minh, làm việc với tổ chức, cá nhân liên quan thì đoàn khách Trung Quốc trong clip do Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Uyên Hùng 79 bảo lãnh nhập cảnh và tổ chức chương trình du lịch, thời gian từ ngày 25/02 đến 29/02/2018.

Trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do đơn vị cung cấp, Sở Du lịch đã xác định được thông tin nhân thân của hướng dẫn viên hướng dẫn cho đoàn khách Trung Quốc trên là ông Trần A Hùng, số thẻ hướng dẫn viên: 148161680 (ngôn ngữ: Trung Quốc), ông Trần A Hùng thừa nhận do chưa tập trung vào công việc nên đã thiếu giám sát quản lý khách dẫn đến sự việc đáng tiếc xảy ra.

Thanh tra Sở Du lịch đã lập Biên bản vi phạm hành chính và xử phạt hướng dẫn viên Trần A Hùng: phạt tiền 12.500.000 đồng về hành vi “Không quản lý khách du lịch theo hợp đồng hoặc chương trình mà doanh nghiệp lữ hành đăng ký”. Đồng thời, trong quá trình tiến hành thanh tra tại Công ty Uyên Hùng 79, Thanh tra Sở đã lập Biên bản vi phạm hành chính và xử phạt Công ty Uyên Hùng 79 với mức phạt tiền 4.000.000 đồng về hành vi “Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ lập, lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo quy định”.

Theo ông Trần Chí Cường, ngoài những biện pháp nói trên, Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ kiến nghị Tổng cục Du lịch làm việc và có văn bản gửi Tổng cục Du lịch Trung Quốc xem xét xử lý bà WANG JIHONG theo quy định. Đồng thời, kiến nghị với Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với Công ty TNHH Du lịch Eviva để làm rõ trách nhiệm quản lý chi nhánh của đơn vị, chức năng bảo lãnh nhập cảnh và trách nhiệm quản lý khách du lịch do đơn vị bảo lãnh nhập cảnh, xem xét lại việc ủy quyền bảo lãnh nhập cảnh cho chi nhánh của đơn vị.

Trước đó, như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin, vào cuối tháng 2/2018 một đoạn clip dài khoảng 30 giây được đăng tải trên mạng xã hội của cộng đồng hướng dẫn viên tiếng Hoa làm thu hút nhiều sự quan tâm. Nội dung ghi nhận trong clip một người phụ nữ áo xanh với vai trò như một hướng dẫn viên chỉ vào bộ trang phục áo dài xưa được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng nói áo dài truyền thống Việt Nam xuất phát từ trang phục sườn xám của Trung Quốc. Người phụ nữ này còn giới thiệu thêm Việt Nam trước đây là một khu vực nhỏ thuộc Trung Quốc, sau này vì giao tranh mới phân chia ra, hình thành một quốc gia riêng.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng xác nhận địa điểm nơi xảy ra sự việc trong đoạn clip là tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ông Thiện cũng bày tỏ bức xúc của bản thân và của các nhân viên bảo tàng trước các nội dung thuyết minh xuyên tạc lịch sử, văn hóa Việt Nam từ người phụ nữ Trung Quốc như đoạn clip đã ghi lại.

Bảo tàng Đà Nẵngp/- nơi người Trung Quốc thuyết minh sai lệch văn hóa, lịch sử Việt Nam

Bảo tàng Đà Nẵng - nơi người Trung Quốc thuyết minh sai lệch văn hóa, lịch sử Việt Nam

Liên quan đến vụ việc này, Tổng cục Du lịch đã ban hành văn bản gửi Sở Du lịch Đà Nẵng đề nghị kiểm tra, xử lý nghiêm vụ việc do báo chí phản ánh về hướng dẫn viên người Trung Quốc hành nghề trái pháp luật tại Đà Nẵng và thuyết minh nội dung không đúng với lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Tổng cục Du lịch nêu rõ: Theo thông tin phản ánh của một số cơ quan báo chí, vừa qua có hướng dẫn viên (HDV) Trung Quốc hành nghề hướng dẫn du lịch trái pháp luật tại một số điểm du lịch của Đà Nẵng, nội dung hướng dẫn không đúng với lịch sử và văn hóa Việt Nam, vi phạm quy định của Luật Du lịch và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để chấn chỉnh những hiện tượng trên, đảm bảo hoạt động hướng dẫn du lịch trên địa bàn được thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định của pháp luật, Tổng cục Du lịch đề nghị Sở Du lịch Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố kiểm tra, xử lý nghiêm hướng dẫn viên, công ty lữ hành phục vụ và quản lý đoàn khách để xảy ra hiện tượng người Trung Quốc hướng dẫn du lịch tại Đà Nẵng như phản ánh của báo chí. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc có biện pháp chấn chỉnh, xử lý HDV hoạt động trái phép tại các điểm du lịch của Đà Nẵng.

Ngoài ra, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và Chi hội hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng quản lý HDV theo đúng quy định của Luật Du lịch, có giải pháp tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng HDV, nhất là HDV các thị trường khách quốc tế có số lượng lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga…

Tổng cục Du lịch cũng yêu cầu Sở Du lịch Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quản lý điểm thăm quan du lịch trên địa bàn tổ chức tốt dịch vụ hướng dẫn du lịch, quy định và tăng cường quản lý hoạt động của HDV trong phạm vi quản lý theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 25 và điểm b khoản 1 Điều 29 Luật Du lịch 2017. Tổ chức in ấn rơi, tập gấp giới thiệu về khu du lịch, điểm du lịch bằng các ngoại ngữ phù hợp với các thị trường khách có số lượng lớn như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga…; nghiên cứu, bố trí kinh phí lắp đặt hệ thống thuyết minh tự động trực tiếp qua tai nghe bằng các thứ tiếng, phục vụ nhu cầu của du khách; khuyến khích các DN lữ hành in ấn, phát các tập gấp giới thiệu cho khách du lịch.

Kiều Vũ